Từ trước đến nay, dù là bàn về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hay việc phát tán các nội dung tuyên truyền về vấn đề người thiểu số Rohingya ở Myanmar, hoặc khi một kẻ xả súng phát trực tiếp hành động bạo lực của mình ở New Zealand…Facebook luôn phải đối mặt với vấn đề kiểm duyệt thông tin trong suốt vài năm gần đây.
Và công ty này nhận thức được rất rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà họ gặp phải. “Một trong những bài học đau đớn nhất mà tôi học được” – CEO Mark Zuckerberg viết vào cuối năm 2018 – “…chính là khi bạn kết nối 2 tỷ người, bạn sẽ nhìn thấy tất cả vẻ đẹp lẫn sự xấu xí của nhân loại”.
Kết quả là, Facebook đang gấp rút thành lập một hội đồng kiểm duyệt mà họ nói là sẽ độc lập, nằm ngoài tầm kiểm soát của giới lãnh đạo công ty này, và cuối cùng có thể phân xử các chính sách của Facebook về quản lý nội dung. Công ty này thậm chí cam kết rót 130 triệu USD cho hội đồng này, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2020.
Đến ngày 28/1 vừa qua, hội đồng độc lập này đã có lãnh đạo đầu tiên là ông Thomas Hughes. Ông Hughes sẽ dẫn dắt hội đầu này với tư cách giám đốc. Trước đây, ông Hughes từng là giám đốc điều hành của Article 19 (Điều 19), một tổ chức nhân quyền Anh tập trung vào quyền tự do ngôn luận và thông tin.
Trong vị trí mới, ông Hughes sẽ phải thuê một đội ngũ và xây dựng cơ sở vật chất – mà về cơ bản là toàn bộ một công ty mới – mà ông nói là sẽ hoạt động độc lập khỏi Facebook, mặc dù nó hoạt động là nhờ nguồn vốn mà Facebook cung cấp. Mục tiêu cuối cùng của công ty này:Thành lập một cơ chế có quyền hạn vượt qua cả Mark Zuckerberg trong trường hợp cần thiết.
Ý tưởng đằng sau việc thành lập hội đồng kiểm duyệt này là để cung cấp cho người dùng một cách thức để báo cáo về các quyết định về kiểm duyệt nội dung của Facebook tới một tổ chức khác thay vì chính Facebook.
“Mục đích của cơ quan này là giữ vững nguyên tắc lắng nghe ý kiến của mọi người, cùng lúc giữ cho mọi người an toàn” – Mark Zuckerberg nói trong lúc công bố kế hoạch thành lập hội đồng kiểm duyệt nội dung vào tháng 11/2018.
Cả Facebook lẫn người dùng Facebook đều có thể báo cáo các vấn đề mà họ gặp phải với hội đồng kiểm duyệt độc lập này. Đối với phần lớn người dùng Facebook, việc báo cáo với hội đồng độc lập này sẽ chỉ được cho phép sau khi họ báo cáo trước với Facebook và trải qua quy trình mà công ty quy định.
Quan trọng nhất là các quyết định mà hội đồng kiểm duyệt đưa ra thậm chí còn cao hơn cả bản thân Facebook, thậm chí có quyền lực hơn cả các quyết định của Mark Zuckerberg. “Quyết định của hội đồng này mang tính ràng buộc, ngay cả khi tôi hay bất cứ ai ở Facebook không chấp nhận quyết định đó” – Zuckerberg nói trong một bức thư được công bố vào tháng 9/2019.
Hội đồng này sẽ có các văn phòng cùng đội ngũ hỗ trợ riêng. Facebook còn nói nó sẽ là một định chế hoàn toàn khác biệt, thay vì chỉ là một chi nhánh của Facebook, như Oculus hay Instagram.