Tình hình eo biển Đài Loan nóng lên: máy bay Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan đối đầu trên không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay trinh sát của Mỹ bay do thám gần bờ biển, máy bay PLA cất cánh giám sát; các máy bay Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan cùng lúc bay vào vùng trời tây nam Đài Loan gây căng thẳng hiếm thấy trong ngày 7/4.
SCSPI công bố sơ đồ hoạt động của tàu chiến và máy bay trinh sát Mỹ áp sát Trung Quốc hôm 7/4 (Ảnh: Đa Chiều).
SCSPI công bố sơ đồ hoạt động của tàu chiến và máy bay trinh sát Mỹ áp sát Trung Quốc hôm 7/4 (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang Twitter của tổ chức tư vấn Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Viện Hải dương học, Đại học Bắc Kinh ngày 7/4, một máy bay trinh sát EP-3E của Hải quân Mỹ đã bay qua eo Bashi ở phía nam Đài Loan lúc 3h17’ cùng ngày rồi quay về hướng Tây Bắc, tiếp cận và trinh sát dọc theo bờ biển Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đại lục đến vùng trời phía Tây Nam Đài Loan. Trong suốt hai giờ từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, nó quần thảo trong vùng trời Tây Nam Đài Loan. SCSPI chỉ ra rằng thời gian trinh sát và đường bay của chiếc EP-3E là rất hiếm thấy.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 8/4, trang Facebook "Không phận Tây Nam Đài Loan" chuyên theo dõi sự di chuyển của máy bay quân sự PLA cho biết, các máy bay PLA hôm 7/4 đã bay vào Vùng nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan lần lượt vào các lúc 4h29, 5h56 và 6h31, ở độ cao từ 7.200 mét đến 8.500 mét, lập kỷ lục về chuyến bay sớm nhất vào vùng trời phía tây nam Đài Loan trong năm nay. Các chiến đấu cơ Kinh Quốc của Không quân Đài Loan đã lần lượt cất cánh khẩn cấp từ căn cứ Đài Nam và căn cứ Mã Công, Bành Hồ vào lúc 5h20 và 6h30 sáng. Sau đó, các máy bay quân sự của PLA đã 5 lần bay vào vùng trời Tây Nam Đài Loan vào các lúc 10h20, 10h52, 10h55, 11h55 và 12h25 trưa.

Máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).

Máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan xác nhận có tất cả 8 máy bay chiến đấu J-10, 4 máy bay chiến đấu J-16, 1 máy bay chống ngầm Y-8 và 2 máy bay cảnh báo sớm KJ- 500 của PLA đã bay vào vùng trời Tây Nam Đài Loan. Trong số đó, chiếc máy bay chống tàu ngầm Y -8 sau khi bay ra khỏi vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, một lần nữa qua eo biển Bashi tiến vào vùng nhận dạng phòng không và đi vòng ra vùng biển ngoài khơi đông nam Đài Loan trước khi quay trở lại. Không quân Đài Loan đã điều động chiến đấu cơ cất cánh và phát thanh để xua đuổi, đồng thời sử dụng tên lửa phòng không để theo dõi, giám sát.

Truyền thông Đài Loan đưa tin, các máy bay quân sự của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đã đối đầu và giám sát lẫn nhau trên vùng trời Tây Nam Đài Loan. Không quân Trung Quốc lục địa đã cử 3 tốp máy bay quân sự cất cánh để giám sát máy bay quân sự Mỹ.

Đáng chú ý là ngày 7/4, trong khi biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của PLA đang huấn luyện ở vùng biển xung quanh Đài Loan, thì tàu khu trục Aegis USS John McCain mang tên lửa dẫn đường của Hạm đội 7 cũng đã đi xuyên qua eo biển Đài Loan. Đây là lần thứ 4 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Tàu USS John McCain mang tên lửa dẫn đường của Hạm đội 7 đi xuyên qua eo biển Đài Loan hôm 7/4 (Ảnh: HĐ7).

Tàu USS John McCain mang tên lửa dẫn đường của Hạm đội 7 đi xuyên qua eo biển Đài Loan hôm 7/4 (Ảnh: HĐ7).

Về vụ việc này, Trương Xuân Huy, người phát ngôn của Chiến khu Miền Đông của PLA, nói tàu khu trục USS John McCain đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 7/4 và Chiến khu Miền Đông đã theo dõi và giám sát nó trong suốt quá trình.

Ông nói, hành động này của tàu Mỹ đã gửi tín hiệu sai trái tới "thế lực đòi Đài Loan độc lập", cố tình gây rối phá hoại tình hình khu vực và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này. Các lực lượng của Chiến khu Miền Đông sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa và cảnh giác nghiêm ngặt, sẵn sàng ứng phó với mọi đe dọa và khiêu khích bất cứ lúc nào, thực hiện trung thành sứ mệnh chức trách của mình.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 7/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng mục đích của việc Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới là truyền đạt niềm tin vững chắc vào luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, tự do bay trên trời.

Ngoài ra, theo các cơ quan truyền thông Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhắc lại trong một cuộc họp thường kỳ cùng ngày rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là "vững như bàn thạch". Ông tuyên bố, như đã được phản ánh trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ có khả năng chống lại bất kỳ hành vi vũ lực hoặc các hình thức ép buộc khác gây nguy hiểm cho hệ thống an ninh, xã hội hoặc kinh tế của Đài Loan.

Các máy bay của ba bên cùng lúc đối đầu nhau trên vùng trời Tây Nam Đài Loan khiến tình hình căng thẳng. Từ trên xuống: máy bay Kinh Quốc của Đài Loan , EP-3E của Mỹ và Y-8 của Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Các máy bay của ba bên cùng lúc đối đầu nhau trên vùng trời Tây Nam Đài Loan khiến tình hình căng thẳng. Từ trên xuống: máy bay Kinh Quốc của Đài Loan , EP-3E của Mỹ và Y-8 của Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Trong buổi tiệc trà với truyền thông nước ngoài tại Đài Bắc hôm 7/4, ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan đã nói về việc Trung Quốc đại lục bày tỏ lời chia buồn với Đài Loan sau sự cố tàu Taroko của Đường sắt Đài Loan bị trật bánh, nhưng lại đồng thời cho máy bay quân sự và tàu chiến đến xung quanh Đài Loan uy hiếp. Ông cho rằng động thái đó của đại lục là gửi "tín hiệu rất lộn xộn" tới Đài Loan và mô tả các chính sách của Bắc Kinh là tự lừa dối mình.

Cũng theo trang tin Đông Phương, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân PLA đã tiến hành huấn luyện ở vùng biển xung quanh Đài Loan, các máy bay quân sự cũng đã xuất hiện trên vùng trời phía tây nam Đài Loan, hình thành thế bao vây. Từ sáng sớm ngày thứ Tư (7/4), các máy bay quân sự của PLA đã 8 lần bay vào vùng trời Tây Nam Đài Loan giám sát các máy bay do thám của quân đội Mỹ đang tiếp cận. Máy bay quân sự Đài Loan đã cất cánh khẩn cấp ngăn chặn, và các máy bay quân sự ba bên đã đối đầu và giám sát nhau trên không.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang huấn luyện xung quanh Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang huấn luyện xung quanh Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Từ thứ Tư, 7/4, Viện Khoa học Trung Sơn của Đài Loan sẽ thử nghiệm hỏa lực pháo binh tại căn cứ Cửu Bằng, Lục Đảo và ngoài khơi Lam Dữ ở phía đông nam. Họ có thể phóng thử nghiệm các tên lửa tầm xa tăng tầm Thiên Cung-3 và pháo phản lực Thunder-2000. Các tàu trinh sát điện tử và tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành của Hạm đội Nam Hải, Hải quân PLA đã xuất hiện ở vùng biển gần Lam Dữ để theo dõi.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói ông đã biết biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đang huấn luyện ở vùng biển xung quanh Đài Loan và đang theo dõi các hành động của PLA. Ông nhắc lại rằng chính sách "Một Trung Quốc" của Mỹ không thay đổi và sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với nhiều nước cung cấp cho Đài Loan các vật tư quốc phòng nhằm giúp Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ; đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình khu vực.