Phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, Đô đốc John Aquilino nói rằng thời điểm mà quân đội Trung Quốc (PLA) được trang bị để thực hiện một nhiệm vụ xâm lược như vậy “gần hơn so với phần lớn người ta nghĩ”, bác bỏ nhiều thời điểm dự đoán năm 2045 được đưa ra.
“Chúng ta cần phải quan tâm tới điều này, tăng cường những khả năng răn đe như Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương trong thời gian ngắn và phải thật khẩn trương” – ông Aquilino nói, nhắc tới sáng kiến được ghi trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2021.
Ứng viên cho chức vị đứng đầu Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra luận điểm trên khi nhận được câu hỏi từ thượng nghị sĩ Tom Cotton. Đây cũng là quan điểm mà đô đốc Philip Davidson từng đưa ra hồi đầu tháng.
“Tôi lo ngại rằng họ đang đẩy nhanh những tham vọng của họ để hất cẳng Mỹ và vai trò lãnh đạo của chúng ta đối với trật tự quốc tế” – ông Davidson từng nói vào ngày 9/3 – “Họ nói rằng họ muốn thực hiện điều đó vào năm 2050. Nhưng tôi lo ngại về việc họ đang tiến gần hơn tới mục tiêu đó. Đài Loan rõ ràng là một trong số những tham vọng của họ trước thời điểm đó. Và tôi nghĩ rằng mối đe dọa này hiển hiện rõ ràng trong thập kỷ này, có khi là trong 6 năm tới”.
Ông Cotton cũng nhắc lại mối quan ngại mà ông H.R. McMaster – vị tướng 3 sao nghỉ hưu từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Trump – đưa ra, rằng chỉ vài tháng sau Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm 2022 nên được coi là giai đoạn “nguy hiểm nhất” do Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực trong khu vực.
Ông Aquilino thiên về ý kiến của ông Davidson, rằng sự duy giảm “răn đe truyền thống” đối với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-thái Bình Dương sẽ là mối đe dọa quân sự lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt.
Một số câu hỏi khác về Trung Quốc trong phiên điều trần này còn bao gồm việc Bắc Kinh xây dựng phi pháp các cơ sở trên Biển Đông kể từ năm 2015 và cuộc đụng độ đẫm máu ở khu vực Galwan hồi tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
“Mục tiêu của họ là lật đổ vai trò lãnh đạo về mặt an ninh của Mỹ trong khu vực, dù là ở Biển Đông hay ở đường biên giới phía Bắc Ấn Độ…và tạo nên sự thay đổi trong các quy định quốc tế, và cuối cùng là thay đổi các quy định theo hướng có lợi cho Trung Quốc” – ông Aquilino nói.
Mục tiêu của Bắc Kinh “sẽ làm thay đổi tầm nhìn của những người tin vào sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo hướng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khép kín hơn”; ông Aquilino nói thêm.
Mỹ hiện không phải một bên ký kết hiệp ước UNCLOS 1982. Ông Aquilino nói rằng ông sẽ thúc đẩy Washington trở thành một bên tham gia hiệp ước này.