"Tiếp" Mỹ - Nhật, Trung-Nga rầm rập tập trận chung?

VietTimes -- Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập ở biển Okhotsk và biển Nhật Bản từ ngày 18 - 26/9/2017, gây nghi ngờ cho dư luận là có ý đồ nhằm đối phó với quân đội Mỹ - Nhật.
Tàu khu trục Thạch Gia Trang, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao.
Tàu khu trục Thạch Gia Trang, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao.

Theo báo chí Trung Quốc mấy ngày gần đây, cuộc diễn tập “Liên hợp trên biển - 2017” giữa Trung Quốc và Nga giai đoạn 2 sẽ được tổ chức từ ngày 18 - 26/9/2017 tại căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.

Cuộc diễn tập này được chia làm 2 giai đoạn: diễn tập trên bờ và diễn tập trên biển. Giai đoạn trên bờ được tiến hành từ ngày 18 - 21/9; còn giai đoạn trên biển từ ngày 22 - 26/9 tổ chức ở biển Nhật Bản và vùng biển phía nam biển Okhotsk.

Vào ngày 16/9, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, trung tá Vladimir Matveyev đã cho biết Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Trung tướng Điền Trung đã đến Vladivostok để chuẩn bị trước cho cuộc diễn tập lần này.

Theo ông Vladimir Matveyev, hải quân hai nước Trung Quốc và Nga sẽ cử 11 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm, 4 máy bay săn ngầm và 4 máy bay trực thăng tham gia diễn tập “Liên hợp trên biển - 2017” giai đoạn 2.

Trong đó, Hải quân Nga sẽ cử tàu khu trục săn ngầm Admiral Tributs, tàu cứu hộ Igor Belousov, tàu hộ vệ Perfect và một tàu tên lửa. Ngoài ra, Nga còn cử một tàu săn ngầm cỡ nhỏ, một tàu khảo sát thủy văn, một tàu kéo và 2 tàu ngầm diesel-điện tham gia biên đội tiếp tế, bảo đảm.

Tàu khu trục săn ngầm Admiral Tributs, Hải quân Nga. Navy Recognition.
Tàu khu trục săn ngầm Admiral Tributs, Hải quân Nga. Navy Recognition.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc cử tàu khu trục tên lửa Thạch Gia Trang, tàu hộ vệ tên lửa Đại Khánh, tàu tiếp tế tổng hợp Đông Bình Hồ và tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo.

Ông Vladimir Matveyev cho biết: “Giai đoạn diễn tập trên biển sẽ tập khoa mục tác chiến hiệp đồng trên biển - trên không. Trong giai đoạn này, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ sử dụng 2 máy bay săn ngầm IL-38, 2 máy bay săn ngầm Tu-142M3, máy bay trực thăng Ka-27PS và máy bay trực thăng Ka-27. Lực lượng đường không Hải quân Trung Quốc sẽ cử máy bay trực thăng Z-9C và Z-9D tham gia”.

Cuộc diễn tập lần này chủ yếu là tập cứu hộ liên hợp và bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển. Trong giai đoạn diễn tập trên biển sẽ tiến hành các hạng mục như cứu hộ tàu ngầm, phòng không biên đội, săn ngầm biên đội, chống hạm biên đội, giải cứu liên hợp tàu bị bắt cóc, cứu hộ tàu gặp nạn liên hợp.

Tờ Vượng báo (Đài Loan) cho rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Mỹ là mục tiêu giả định của cuộc diễn tập lần này. Hai bên muốn thông qua tập luyện “tấn công bằng tàu ngầm và phòng thủ săn ngầm” nhằm làm cho tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Quân đội Mỹ không có chỗ ẩn náu ở phía tây Nhật Bản, khi cần thiết thậm chí có thể cắt đứt tuyến đường giao thông trên biển ở vùng biển này.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc muốn thông qua diễn tập để thể hiện khả năng tác chiến trên toàn cầu. Ông nói: “Nếu Hải quân Trung Quốc muốn trở thành hải quân tầm xa thực sự thì cần có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết và ở các vùng biển không quen. Chỉ có Nga có thể cung cấp nơi huấn luyện này cho Trung Quốc”.

Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Nga.
Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Nga.

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Nghê Lạc Hùng cho rằng: “Một khi Nga và Nhật Bản xảy ra xung đột trên biển, Moscow hoàn toàn không cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Nhưng Moscow còn muốn cung cấp vùng biển quan trọng này để tiến hành diễn tập liên hợp. Điều này cho thấy Nga ủng hộ thái độ của Bắc Kinh về chính trị và ngoại giao”.

Theo tờ Liên hợp buổi sáng Singapore, thời gian và địa điểm diễn tập giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga lần này là “nhạy cảm”. Cho dù Trung Quốc và Nga tuyên bố cuộc diễn tập không liên quan đến bên thứ ba, nhưng địa điểm và thời gian diễn tập lại gây liên tưởng cho dư luận.