Tiến trình chuyển đổi số (kỳ 2): Chuyển đổi số để làm gì?
Tiến trình chuyển đổi số (kỳ 2): Chuyển đổi số để làm gì?

E-magazine Tiến trình chuyển đổi số (kỳ 2): Cơ chế của chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiểu được giá trị mà dữ liệu tạo thành thông qua tiến trình chuyển đổi số sẽ chỉ ra cách thức để chuyển đổi số, đó là thực hiện những sự đầu tư vào công nghệ số và dữ liệu số sao cho dữ liệu trở thành tài sản.

Tiến trình chuyển đổi số (kỳ 1): Nền tảng của chuyển đổi số

Kỳ trước, VietTimes đã giới thiệu tới độc giả kiến giải của ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - về nền tảng về tiến trình chuyển đổi số. Theo đó, nền tảng của tiến trình này có 3 đặc trưng tương ứng với 3 trọng tâm của chuyển đổi số, bao gồm:

(1) Tính di động cao của xã hội (mobility) về cấu trúc xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi về bản chất các nguồn lực tạo thành giá trị;

(2) Tình thế lưỡng nan giữa tập trung và phân tán về cách thức tổ chức xã hội hình thành nên các nền tảng (platform) đòi hỏi sự chuyển đổi về cách thức con người giao tiếp;

(3) Một hệ lai người-máy (H2M hybrid) về cách thức vận hành xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi về phương thức phát triển;

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả kỳ 2 của vệt bài này:

KỲ 2: CƠ CHẾ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Mô hình hoá cơ chế của chuyển đổi số.

Mô hình hoá cơ chế của chuyển đổi số.

Trọng tâm đầu tiên đặt ra đối với tiến trình chuyển đổi số, đó là do tính di động cao của xã hội (mobility) về cấu trúc xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi về bản chất các nguồn lực tạo thành giá trị.

Do vậy, cơ chế của chuyển đổi số, hay nói rõ hơn rằng, điểm quan trọng nhất để chúng ta bắt đầu chuyển đổi số - Chuyển đổi số để làm gì? – chính là cách thức chúng ta chuyển đổi nguồn lực tạo thành giá trị từ kiến trúc của tổ chức được thiết kế và mô hình kinh doanh được xác lập tương ứng với kiến trúc tổ chức đó.

Như Alec Ross - tác giả cuốn sách Công nghiệp tương lai - đã viết: “Đất đai là nguyên liệu thô của thời đại nông nghiệp. Sắt là nguyên liệu thô của thời đại công nghiệp. Dữ liệu là nguyên liệu thô của thời đại thông tin”. Có thể nói dữ liệu là trung tâm của tiến trình Chuyển đổi số.

Hãy nhìn từ chính 4 công nghệ chủ đạo của Chuyển đổi số (bao gồm: Điện toán đám mây, BigData, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật (IoT)) để thấy rõ được vai trò này của dữ liệu.

Điện toán đám mây đã tạo ra một cuộc cách mạng về lưu trữ, khả năng tiếp cận, khả năng phân phối và khả năng xử lý và cung cấp các sản phẩm-dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu (SaaS, PaaS, IaaS).

Dữ liệu lớn (BigData) đã tạo ra cuộc cách mạng về khả năng thu thập dữ liệu, phân tích, xử lý và ra quyết định dựa trên dữ liệu và đặc biệt là việc lưu trữ dưới dạng phi cấu trúc và khả năng khai thác các dữ liệu này, nó cho phép chúng ta có thể hiểu, phân tích và dự báo xu hướng trong thời gian thực.

Trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên nền tảng các dữ liệu này để tạo ra các “bộ máy thông minh” trợ giúp con người trong việc phân tích, thao tác, ra quyết định và “hỗ trợ tư duy” cho con người, thực hiện những “phần việc” hay thay thế những “phần việc” mà con người bị giới hạn bởi khả năng sinh học của mình.

Internet vạn vật (IoT) kết nối vạn vật thông qua mạng Internet đã tạo nên các khả năng tiếp cận “đối tượng” hình thành nên dữ liệu, thông qua các hệ thống cảm biến (sensor) và đồng thời cũng tạo nên một mạng lưới giống như hệ thần kinh của con người, giúp điều khiển vạn vật.

Dữ liệu chính là “nguyên liệu căn bản” của 4 công nghệ nêu trên và từ đó, “vốn hóa dữ liệu” đã tạo ra các nguyên liệu tinh chế (thông tin, tri thức), những bán thành phẩm (các cơ sở dữ liệu (databse), các báo cáo, hồ sơ nghiên cứu...), các sản phẩm-dịch vụ và các năng lực (competences) của kinh tế số trong nền kinh tế mới.

Cuộc cách mạng về dữ liệu này - thông qua việc số hóa ở cấp độ cao - khi tiến tới sự phổ cập toàn bộ, vô hình chung đã tạo ra “một thứ ngôn ngữ toàn cầu”.

Nó vượt qua mọi không gian – thời gian, vượt qua mọi đường biên giới, mọi rào cản văn hóa, mọi sự đặc thù, mọi đẳng cấp, mọi thế hệ... hình thành nên một mặc định số (digital default), cho phép kết nối toàn thể xã hội toàn cầu thành một đại đồng (cosmopolitan).

Nó sẽ làm thay đổi toàn bộ cách thức vận hành xã hội thông qua việc thay đổi cấu trúc xã hội, thay đổi cách các tổ chức được tổ chức và quan trọng nhất, thay đổi cách thức vận hành các tổ chức nói riêng và xã hội nói chung.

Đây chính là điểm quan trọng để chúng ta nhìn nhận ra được phương pháp để chuyển đổi số cho tổ chức của mình.

Muốn chuyển đổi số, điều đầu tiên không phải là đầu tư công nghệ gì hay ứng dụng các phần mềm hay ứng dụng gì, mà phải xác định được rất rõ ràng câu hỏi: Những dữ liệu nào là quan trọng và thực sự giúp tạo ra giá trị cho tổ chức?.

Chúng ta thường nói rằng dữ liệu quan trọng, là trước tiên đối với tiến trình chuyển đổi số, nhưng trong thực tiễn hành động, lại thường không nắm rõ được thực sự dữ liệu nào là quan trọng và thực sự giúp ta tạo ra giá trị cho tổ chức. Để rồi, chính chúng ta 'ngập chìm' trong biển dữ liệu do chính mình tạo ra hay tiếp cận được.

Dữ liệu quan trọng, nhưng chúng ta thường không thực sự bắt đầu bằng dữ liệu, thay vào đó, chúng ta bắt đầu bằng các công nghệ, phần mềm, và ứng dụng mà ta có thể tiếp cận, và cho rằng, từ đó dữ liệu sẽ “hiện hình ra”.

Để chuyển đổi số được tổ chức, chúng ta phải đưa ra được những giải pháp.

Theo đó, nhờ dữ liệu, chúng ta có thể làm thay đổi cách thức vận hành xã hội (ra quyết định được dựa trên dữ liệu), qua đó, làm thay đổi cấu trúc xã hội (trở thành các xã hội mạng lưới – network society), thay đổi cách thức tổ chức được tổ chức (chuyển từ các cơ cấu thứ bậc (hieararchy) sang các cơ cấu ngang hàng (heterarchy) và thay đổi cách thức vận hành các tổ chức và xã hội (theo các dòng chảy của dữ liệu – data flows).

Cũng chính điều này đã xác lập giá trị mà tiến trình chuyển đổi số đem lại cho các tổ chức.

Ngày nay, dữ liệu không chỉ đóng vai trò thuần túy để đo lường, quản trị các quy trình, hỗ trợ các công tác dự báo, lập kế hoạch, đánh giá, phân tích, mà đã vượt qua mọi giới hạn, trở thành một nguồn tài nguyên thực sự.

Với sự phát triển của công nghệ số, dữ liệu đã trở thành một tài sản có giá trị, định hình nên giá trị của nhiều công ty tập đoàn lớn trên thế giới, vượt xa con số những giá trị tài sản hữu hình và thương hiệu.

Chúng ta có thể thấy phần lớn tài sản vốn hóa của Facebook, Apple, Amazon, Alibaba, Tencent... ngày hôm nay nằm ở giá trị của nguồn dữ liệu quý giá mà các công ty này thu thập được từ người dùng và ở khả năng của họ trong việc khai thác và sử dụng các dữ liệu đó thông qua các công cụ sáng tạo của mình trong việc tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khả năng: biết, hiểu, tác động và thậm chí là thao túng người sử dụng.

Hiểu được giá trị mà dữ liệu tạo thành thông qua tiến trình chuyển đổi số đã chỉ ra cho chúng ta cách thức để chuyển đổi số, đó là thực hiện những sự đầu tư vào công nghệ số và dữ liệu số sao cho dữ liệu trở thành tài sản.

Dữ liệu được tinh chế thành các các nguyên liệu tinh chế (thông tin, tri thức), những bán thành phẩm (các cơ sở dữ liệu (databse), các báo cáo, hồ sơ nghiên cứu...), các sản phẩm-dịch vụ và các năng lực (competences) và trở nên có “tính thanh khoản” (liquidity) hình thành nên giá trị gia tăng mới.

Và với sự phát triển của công nghệ fintech, tiền số được phát triển bởi công nghệ blockchain dữ liệu đã hình thành nên các mặc định số (digital default) cho phép vốn hóa dữ liệu trở thành vốn-dữ liệu (digital-capital).

Đây là những nền tảng căn bản cho các hoạt động kinh tế số và cũng là đỉnh cao nhất của tiến trình Chuyển đổi số.

Và do vậy, để bắt đầu một tiến trình chuyển đổi số, tổ chức trước tiên phải hình thành cho mình một chiến lược dữ liệu.

Chiến lược dữ liệu, không phải là một chiến lược độc lập, tách rời, mà nó được gắn kết với chiến lược kinh doanh (phát triển) của tổ chức như một thành phần không tách rời, một chiều kích (dimension) của chiến lược kinh doanh (phát triển).

Vậy, chiến lược dữ liệu là gì?

Chúng ta, đa phần đều có một nhận thức về vai trò của dữ liệu đối với tiến trình chuyển đổi số, tuy nhiên, nhận thức rõ được vai trò này là gì, và nhận thức đúng về một chiến lược dữ liệu để định hình tiến trình chuyển đổi số lại đang rất mơ hồ.

Hiểu chưa đúng, hiểu sai về dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số, sẽ không những làm cho những đầu tư vào tiến trình chuyển đổi số không thực sự tạo ra hiệu quả, mà ngược lại còn tạo nên những gánh nặng mới cho tổ chức, và về lâu dài còn có thể dẫn tổ chức đến những ngõ cụt, thất bại và lâm nguy.

Chiến lược dữ liệu là một sự thể hiện hóa chiến lược phát triển của tổ chức thông qua dữ liệu, nó cho phép chúng ta nhận thức đúng được:

(i) Những dữ liệu nào là quan trọng và thực sự giúp tạo ra giá trị cho tổ chức;

(ii) Tầm quan trọng của chúng được cụ thể hóa như thế nào trong mô hình kinh doanh và mô hình hoạt động của tổ chức;

(iii) Cách thức các dữ liệu này tạo ra giá trị cụ thể như thế nào cho tổ chức./.

Sắp diễn ra Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022

Lễ trao "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards” năm 2022 (viết tắt: VDA 2022) sẽ chính thức diễn ra vào lúc 14h30 Chủ nhật tuần này (ngày 09/10), tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, P. Thành Công, Q. Ba Đình, Tp. Hà Nội).

Sự kiện là một hoạt động thiết thực của Ban tổ chức và Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Phát động từ ngày 21/4, VDA 2022 đã tiếp cận hàng nghìn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tiếp nhận gần 400 bộ hồ sơ đề cử gửi về từ toàn quốc.

Sau 02 vòng chấm công tâm, khách quan, toàn diện và trách nhiệm từ các giảm khảo, là những chuyên gia công nghệ, chuyển đổi số uy tín hàng đầu, thuộc 02 Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 49 cái tên xứng đáng nhất để vinh danh tại lễ trao giải VDA 2022, chia làm 5 hạng mục:

Hạng mục 1: Sản phẩm, Dịch vụ, Giải pháp Chuyển đổi số tiêu biểu (trao cho 28 tổ chức, doanh nghiệp);

Hạng mục 2: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc (trao cho 07 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp);

Hạng mục 3: Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc (trao cho 07 cơ quan nhà nước);

Hạng mục 4: Sản phẩm, Giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng (trao cho 06 tổ chức, đơn vị);

Hạng mục 5: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài (trao cho 01 doanh nghiệp).

Lễ trao "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards" năm 2022 dự kiến sẽ có sự tham dự của hàng trăm đại biểu, khách mời và đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đạt giải và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Sự kiện sẽ được tường thuật trực tiếp trên VietTimes, truyền hình trực tiếp VTC1, VTC Now, VieON, cùng các nền tảng truyền thông xã hội./.

(*) Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Hội Truyền thông số Việt Nam