Ngành thể dục thể thao Việt Nam còn chậm chạp trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Qua 2 kỳ SEA Games do Việt Nam đăng cai, các giải điền kinh, bơi lội, xe đạp vv... trong nước vẫn chưa bắt buộc phải ứng dụng CNTT trong đo kiểm thành tích, do chưa có quy chế bắt buộc phải ứng dụng CNTT. 

Hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn bắt buộc về ứng dụng CNTT với các giải điền kinh trong nước
Hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn bắt buộc về ứng dụng CNTT với các giải điền kinh trong nước

Chưa có quy chế bắt buộc phải ứng dụng CNTT

Trong các lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT), có thể nói điền kinh là địa chỉ phải ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ nhất. Bởi theo tiêu chuẩn quốc tế, các môn chạy, đi bộ thì phải đo đếm tự động, chứ không thể dùng đồng hồ bấm tay. Tương tự, với nhảy xa, ném lao, tạ xích… cũng không thể là thước dây.

Cũng chính vì thế mà khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22 lần đầu tiên vào năm 2003, đây là vấn đề được đặt ra với một dự án đầu tư nhiều chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, để xây dựng Hệ thống Điện tử Xử lý Thông tin. Tại SEA Games năm 2021, việc này cũng bắt buộc phải thực hiện, song có phần thuận lợi hơn, vì cơ bản đã thừa hưởng những thành quả đã làm được với SEA Games 22.

Theo TS. Trần Xuân Thuận – Trưởng Ban Tư vấn CNTT của SEA Games 22 - khi bắt tay vào công việc thì sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai giới CNTT và TDTT lên tới 90%. Tuy nhiên, với nỗ lực học hỏi từ cả hai phía, công việc này đã đạt kết quả rất tốt và không phát sinh dù chỉ là một lỗi nhỏ trong quá trình vận hành hệ thống với SEA Games 22.

Tuy vậy, qua 2 kỳ SEA Games do Việt Nam đăng cai, tức là gần 20 năm đã trôi qua, các giải điền kinh trong nước vẫn chưa bắt buộc phải ứng dụng CNTT trong đo kiểm thành tích, dù có một số rất ít cuộc thi đã thực hiện. Nguyên nhân là do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là Tổng cục TDTT, chưa ban hành quy chế bắt buộc phải ứng dụng CNTT. Không chỉ với điền kinh, các giải thi đấu của các môn bơi lội, xe đạp… cũng trong tình trạng tương tự.

Như vậy, các trang thiết bị ngoại vi cùng các phần mềm chuyên dụng để đo kiểm thành tích tự động đã và đang bị lãng phí, còn Viện Khoa học TDTT đành cất trong kho do không có nhu cầu sử dụng. Viện Khoa học TDTT đang mong muốn tiêu chuẩn bắt buộc về ứng dụng CNTT với điền kinh, bơi lội, xe đạp… sớm được ban hành để họ chính thức có “đất dụng võ”.

Cần một “kiến trúc sư” cho công việc số hoá TDTT

Triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tổng cục TDTT cũng đã ban hành Kế hoạch số 226/KH–TCTDTT về Xây dựng đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT.

Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật để bắt kịp những thay đổi công nghệ, đảm bảo phát triển vận hành Chính phủ Điện tử của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số tại ngành TDTT.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến, đề án “Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT cần bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục TDTT về lợi ích của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT – bà Yến cho biết.

Hôm qua, 26/10/2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo về chuyển đối số với các lĩnh vực trong thẩm quyền của mình. Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh ý nghĩa của chuyển đổi số trong việc góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, đồng thời lưu ý, để không diễn ra tản mạn, thiếu tập trung. Chuyển đổi số nói chung và trong ngành nói riêng cần có một “kiến trúc sư”, được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản.

Như vậy, ngành TDTT Việt Nam tất yếu phải sớm có được một “kiến trúc sư” cho công cuộc chuyển đổi số của mình. Đây là một vị trí không dễ tìm người vì phải thoả mãn những tiêu chí ở tầm vĩ mô của về cả CNTT lẫn TDTT.

Theo GS. TS. Lê Quý Phượng – Chủ tịch Hội Khoa học TDTT Việt Nam, muốn TDTT nước nhà phát triển nhanh và bền vững, thì việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Cần triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực từ công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, đo kiểm thành tích, dinh dưỡng, hồi phục cho vận động viên, công tác tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội tuyển quốc gia, công tác truyền thông, công tác thể thao quần chúng, thể thao học đường, thể thao trong các lực lượng vũ trang… Ngành TDTT không được chậm trễ trong thời kỳ CNTT, Internet và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.

Vovinam là môn thể thao mang đặc thù Việt Nam cần phải được số hoá

Vovinam là môn thể thao mang đặc thù Việt Nam cần phải được số hoá

Còn ông Nguyễn Xuân Cường – Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam - lại có quan điểm phải có những nghiên cứu sâu sắc để tìm ra những đặc thù riêng có của Việt Nam trong chuyển đổi số TDTT, bên cạnh những đầu việc không mấy quá khó thực hiện, vì chỉ cần học tập và làm theo kinh nghiệm và thực tiễn của thế giới.

Có không ít môn thể thao được khai sinh tại Việt Nam và đã lan toả ra nhiều nước như Vovinam. Vì thế, hoàn toàn có thể đầu tư số hoá với Vovinam để không chỉ phục vụ công tác huấn luyện, thi đấu mà còn có thể trở thành một nội dung của thể thao điện tử trong tương lai không chỉ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể làm được các công việc đó một cách có hệ thống và hiệu quả, ngành TDTT Việt Nam vẫn phải sớm có được một vị “kiến trúc sư” cho công cuộc chuyển đổi số của mình. Câu trả lời xin chờ lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục TDTT.