Phát biểu khai mạc, TS. Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam - cho biết, hướng tới chiến lược chung của Chính phủ, Hội đã đặt ra chủ đề của hội nghị là “Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số quốc gia”.
Ban tổ chức đã nhận được 96 công trình khoa học từ 64 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét chọn nghiêm túc với sự tham gia của hơn 150 phản biện, Ban tổ chức đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu để trình bày và đăng trên kỷ yếu.
TS. Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá cao việc Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã duy trì thường xuyên 2 sự kiện khoa học lớn hàng năm, là Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong truyền thông (ATC) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin (REV-ECIT).
Đây là các diễn đàn để các nhà khoa học, các viện, học viện, các trường và các cơ sở nghiên cứu về điện tử truyền thông công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, đào tạo và đóng góp các ý kiến khoa học, công nghệ có giá trị cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử viễn thông.
Đây cũng là hoạt động mang tính đặc trưng và rất có ý nghĩa của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.
Trong phiên hội thảo toàn thể, báo cáo “Hệ sinh thái điện thông minh trong xu thế chuyển đổi số” của bà Trần Cẩm Linh – Phó Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin của Tổng công ty Điện lực Hà Nội -cho biết: Ngành điện lực Việt Nam trong những năm gần đây đã rất tích cực chuyển đổi số và đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, giảm thiểu nhân công quản trị hệ thống…
Nhờ có chuyển đổi số, ngành điện lực mong muốn hình thành một hệ sinh thái lưới điện thông minh để khách hàng và ngành điện lực thường xuyên có sự tương tác vì lợi ích của cả hai bên. Đương nhiên, hệ sinh thái này phải bao gồm cả việc thanh toán thuận lợi cho khách hàng theo phương thức số.
TS. Nguyễn Thành Phúc - Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (giữa) - chủ trì phần giao lưu, đối thoại với các diễn giả |
Một vấn đề được nhiều người quan tâm trong phần giao lưu là Việt Nam đã chủ động đến đâu trong việc sản xuất phần cứng của điện tử, viễn thông.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Bằng – Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT Technology - cho biết, về cơ bản, Việt Nam vẫn phải nhập linh kiện điện tử của nước ngoài và mục tiêu đề ra là phải nội địa hoá được 60%. Tốc độ phát triển công nghệ của thế giới rất nhanh nên vấn đề quan trọng không phải là các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, mà là dựa trên những linh kiện nhập khẩu về để sản xuất được các trang thiết bị hoàn chỉnh với chất lượng không thua kém, cùng giá thành hạ hơn sản phẩm nước ngoài.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu