Để có một Thung lũng Silicon tiếp theo…
Để có một Thung lũng Silicon tiếp theo…

E-magazine Để có một Thung lũng Silicon tiếp theo…

VietTimes– Ước mơ có được một Thung lũng Silicon là một động lực tích cực và tiến bộ. Nhưng lạm phát những cái gọi là Thung lũng Silicon lại là một dấu hiệu tiêu cực. Đừng ảo tưởng về một Thung lũng Silicon kiểu Thánh Gióng!

Nước Mỹ, nơi khai sinh ra Thung lũng Silicon (Silicon Valley) cũng chỉ có một Thung lũng Silicon. Việc xây dựng ra những Thung lũng Silicon khác tại Mỹ đã là một thách thức. Với các quốc gia khác trên thế giới, điều đó càng trở thành thách thức gấp bội.

Nếu cứ hiểu đơn giản rằng để có một Thung lũng Silicon bằng việc tuyên bố một dự án đầu tư vài tỷ USD, hẳn đã có tràn ngập các Thung lũng Silicon trên thế giới này.

Vậy đâu là bí ẩn quan trọng nhất để hiểu được bí quyết, nếu muốn xây dựng một Thung lũng Silicon tiếp theo?

Điều đầu tiên, quan trọng nhất, cần phải hiểu Thung lũng Silicon về bản chất là một cấu trúc nền tảng (platform) tài chính, nơi các công ty khởi nghiệp công nghệ có cơ hội trở thành “những tài sản tài chính tiềm năng” cho những nhà đầu tư tài chính toàn cầu, thông qua những đổi mới sáng tạo, những đột phá công nghệ, giải pháp và cả những thiết kế cấu trúc kinh doanh, cho phép các nhà đầu tư có thể biến chúng thành những “giá trị mặc định” (default value) mà ta thường nhìn thấy qua các giá trị cổ phiếu được định giá cao của các công ty này.

"Giá trị mặc định" là sự tích hợp của một kỹ nghệ tài chính bởi sự pha trộn giữa các yếu tố sau: tiềm năng thị trường; mức độ định chuẩn của công nghệ/giải pháp/cấu trúc; và khả năng mặc định giá trị nhờ vốn hóa dữ liệu (data-capitalize).

Do vậy, trước tiên, không phải là đầu tư bao nhiêu tỷ USD, hay thu hút những tinh hoa tri thức như thế nào, mà phải là, liệu chúng ta có khả năng kiến tạo nên một cấu trúc nền tảng tài chính như vậy hay không?

Thứ hai, bởi đó là một cấu trúc nền tảng tài chính, một sân chơi tài chính, việc cạnh tranh để trở thành các kỳ lân, việc thu hút hiệu quả các nhà đầu tư tài chính đòi hỏi một cách thức và tầm mức tư duy hoàn toàn khác biệt.

Đừng ảo tưởng là chỉ cần những ý tưởng sáng tạo, những nỗ lực phát triển về khoa học – kỹ thuật – công nghệ, những tinh hoa trí thức... là có thể tạo nên những kỳ tích.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kỳ tích ở nơi đây nếu có, sẽ phụ thuộc vào năng lực chuyển hóa tất cả những ý tưởng, những kết quả khoa học - kỹ thuật - công nghệ và tài năng thành những “định chuẩn” mới có khả năng chi phối thị trường.

Tầm mức tư duy ở đây đòi hỏi một năng lực cạnh tranh và chiến thắng trong các "cuộc chơi định chuẩn".

Do vậy, điều tiếp theo trong kế hoạch thiết lập một Thung lũng Silicon là cần phải đặt ra câu hỏi và trả lời: ta có khả năng tạo ra được những định chuẩn gì mới cho thị trường từ những năng lực khoa học – kỹ thuật – công nghệ và ý tưởng của mình?

Thứ ba, những chuẩn mực mới được định hình nhất thiết phải bắt đầu và dựa trên những chuẩn mực đang định hình thị trường toàn cầu. Đó là sự mở rộng, thay thế, hay chi tiết hóa những nền tảng chuẩn mực đang hiện hữu.

Do vậy, để có được những "công ty kỳ lân", những startup thành công... cần phải có một sự kết nối chặt chẽ với những người khổng lồ công nghệ, những tập đoàn đang chi phối quốc gia hoặc toàn cầu, hoặc những sự hỗ trợ mang tính quốc gia của những quốc gia có ảnh hưởng mang tính chi phối thị trường toàn cầu hoặc trong một vài lĩnh vực đặc thù có liên quan.

Các startup hay các dạng thức tương tự chỉ có thể phát triển được khi được kế thừa những nền tảng khoa học – kỹ thuật – công nghệ mà họ có thể làm chủ được thay vì bị chi phối mạnh về bản quyền sở hữu trí tuệ, và những giới hạn liên quan.

Như vậy, khó có thể có được một Thung lũng Silicon khi quốc gia không có những gã khổng lồ công nghệ, hoặc không có khả năng chi phối ở cấp độ toàn cầu trong một số mặt, lĩnh vực, hoặc có những mối liên hệ sâu sắc và trực tiếp với những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Thứ tư, mục tiêu quan trọng và cũng là điều kiện đủ để những kỳ lân có thể xuất hiện, thành công và vươn thành những gã khổng lồ, đó là chúng phải có khả năng vốn hóa thành công.

Bản chất của một nơi như Thung lũng Silicon là một cấu trúc nền tảng tài chính. Nó sản sinh ra những tài sản tài chính tiềm năng và để vốn hóa thành công, chúng cần phải được kết nối với một hạ tầng tài chính hoàn thiện và phát triển.

Thung lũng Silicon ở Mỹ là một phần không tách rời của Phố Wall và các trung tâm tài chính toàn cầu khác, chính nhờ sự kết nối với những hạ tầng tài chính hoàn thiện và phát triển này, Thung lũng Silicon mới thực sự trở thành một “lồng ấp” hoàn hảo cho những chú kỳ lân khổng lồ.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, không thể có cái gọi là Thung lũng Silicon khi không có một hạ tầng tài chính hoàn thiện và phát triển đi cùng.

Thung lũng Silicon không đơn giản chỉ là một nơi tập trung những startup, những phòng thí nghiệm, những trung tâm R&D và phát triển công nghệ. Cũng giống như các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ đơn giản là xây lên những tòa nhà và gọi nó là trung tâm tài chính.

Thứ năm, để có thể tạo ra những định chuẩn mới mở rộng, thay thế, hay chi tiết hóa những nền tảng chuẩn mực đang hiện hữu, cần phải có những năng lực khoa học - kỹ thuật - công nghệ tương đương hoặc vượt trội, tiên tiến hơn những nền tảng khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện có.

Chưa kể, còn phải có khả năng phổ cập hóa những chuẩn mực mới thông qua năng lực ứng dụng hay thương mại hóa thành công...

Điều đó đang gặp những rào cản rất lớn vì nó đòi hỏi những tiềm lực khoa học vô cùng to lớn, những khoản đầu tư dài hạn và phải thường ở cấp quốc gia, liên quốc gia hoặc là sự liên kết của những gã khổng lồ công nghệ với ngân sách R&D tương đương với nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Nó còn là sự hạn chế về con người, về năng lực giáo dục và trình độ nghiên cứu, về bản quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền và bí quyết công nghệ...

Không thể ảo tưởng về một Thung lũng Silicon theo kiểu "Thánh Gióng" nếu không có những chiến lược khoa học - công nghệ dài hạn, mang tính nền tảng và thiết lập được những bước tiến đột phá công nghệ, làm chủ được các năng lực công nghệ nhất định nào đó.

Cuối cùng, thể chế đóng một vai trò quan trọng và quyết định cho phép sự hình thành của một Thung lũng Silicon.

Để có thể tập hợp được đồng thời nhiều nguồn lực to lớn cho sự phát triển của các startup, chấp nhận những rủi ro về tài chính, cho phép vượt khỏi những giới hạn về tư duy, về các hình thức đa dạng trong việc phát triển các loại hình sản phẩm - dịch vụ và các phương thức quản trị, giao dịch mới... cần phải có độ mở lớn trong các nền tảng thể chế quản trị về tài chính, khoa học - công nghệ hoặc sự dịch chuyển và các hình thức cộng tác.

Thung lũng Silicon không phải là một ốc đảo, ngược lại, nó là một trung tâm, một trái tim kết nối chằng chịt các mối quan hệ chặt chẽ với các hạ tầng tài chính, các tập đoàn, các dòng chu chuyển dữ liệu - thông tin - tri thức, các dòng chảy thương mại và giao dịch toàn cầu...

Không thể có cái gọi là Thung lũng Silicon chỉ đơn giản bằng cách đầu tư vào một “khu đất” nào đó, thậm chí kể cả việc tạo ra những cơ chế đặc thù cho nó.

Nó chỉ có thể tồn tại được khi đó là một trung tâm của sự kết nối những nền tảng thể chế mở do cơ chế thị trường hoặc có sự điều tiết hiệu quả ở cấp độ quốc gia hay toàn cầu của những nhà nước có vai trò/ảnh hưởng ở cấp độ khu vực, toàn cầu.

Ước mơ có được một Thung lũng Silicon ở quốc gia là một động lực tích cực và tiến bộ, nhưng không thể và không chỉ đơn giản hiện thực hóa ước mơ đó bằng những dự án đầu tư đơn giản, và càng không thể bằng việc hô khẩu hiệu hoặc đặt tên cho một nơi nào đó thì như chạm chiếc đũa thần vào Thung lũng Silicon sẽ hiện ra.

"Lạm phát" những cái gọi là Thung lũng Silicon lại là một dấu hiệu tiêu cực, bởi nó thể hiện rõ sự thiếu hiểu rõ về bản chất của nó, và làm biến dạng, phân tán và thiếu hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Để chuẩn bị cho một Thung lũng Silicon thật sự, cần xác định "trái tim" và các "mạch máu" lưu chuyển từ đó, cần chuẩn bị cho một hành trình nhiều hơn là lời tuyên bố./.

Nội dung: Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI)

Trình bày: Văn Lâm