Giải thưởng ''Chuyển đổi số Việt Nam''– Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022)" là sự kiện thường niên do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.
Tại Giải thưởng lần này, với nền tảng Công dân số Đà Nẵng (My Portal Da Nang), UBND TP Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết, điểm ấn tượng VDA 2022 là phần lớn hồ sơ đề cử đều có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, chuỗi khối, điện toán đám mây… Cùng với đó là nhiều giải pháp công nghệ tiêu biểu, nhiều thành tựu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, giao thông, năng lượng, logistics...
''Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là hoạt động thiết thực của VDCA nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, trong đó nhấn mạnh 1 trong 3 đột phá chiến lược, là: Tạo ra các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số'' - Chủ tịch VDCA chia sẻ.
Nền tảng Công dân số - My Portal Đà Nẵng |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, sau 4 năm tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã tiếp cận 10.000 doanh nghiệp, thu hút trên 1.000 hồ sơ tham gia, tôn vinh trên 300 đơn vị, cá nhân có giải pháp chuyển đổi số xuất sắc. Đặc biệt, giải thưởng năm nay không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, mà còn có sự đồng hành của những doanh nghiệp nước ngoài.
Điểm mới của giải thưởng năm nay có thêm hạng mục “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài”. Ngoài ra, giải thưởng vẫn duy trì 4 hạng mục đã được bình chọn và trao tặng trong các năm trước gồm: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.
Tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”, UBND TP Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh với nền tảng Công dân số TP Đà Nẵng. Đây là nền tảng thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ, dữ liệu số, các giao dịch… gắn với định danh duy nhất) và mỗi người dân có một mã QR duy nhất.
Với kết quả này, đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng được vinh danh trong hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam.
Quang cảnh lễ trao Giải thưởng ''Chuyển đổi số Việt Nam''– Vietnam Digital Awards năm 2022 |
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: "Quan điểm của TP Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm. Xã hội số được xác định là một trong 3 trụ cột chuyển đổi số của TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
"Trong đó, việc hình thành nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào quá trình hình thành xã hội số. Đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan nhà nước cung cấp.
"Nền tảng công dân số không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng dịch vụ của người dân mà còn giúp cơ quan nhà nước có định hướng, đầu mối để nâng cấp, phát triển các dịch vụ số của mình một cách phù hợp, dễ dàng nhất.
"Việc ưu tiên cung cấp nền tảng chuyển đổi số quốc gia cho thấy Đà Nẵng đang ưu tiên để người dân được tiếp cận đầy đủ, sử dụng dịch vụ trực tuyến và theo dõi, đóng góp ý kiến cho các dịch vụ số, từ đó tạo động lực cho các cơ quan cung cấp dịch vụ phải xây dựng ứng dụng có trách nhiệm, có trọng tâm và tính thực tế cao nhất, từ đó thúc đẩy 2 trụ cột còn lại (Chính quyền số và Kinh tế số) phát triển bền vững hơn".
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trả lời phỏng vấn VietTimes |
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là Chính quyền số - Xã hội số và Kinh tế số.
Các nền tảng triển khai theo yêu cầu của Bộ TT&TT và phát triển trên đặc thù riêng của địa phương đã được triển khai như: nền tảng giám sát hành trình xe; nền tảng Cổng dữ liệu mở; nền tảng Ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích Da Nang Smart City; nền tảng công dân số My Portal... đã được triển khai nhằm thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Trước đó, tại giải thưởng VDA năm 2020, Đà Nẵng đã được vinh danh với sản phẩm Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng, và năm 2021 là sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung TP Đà Nẵng.
Nền tảng Công dân số được tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi, cũng như tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình. Hiện nay, nền tảng đã có hơn 240.000 tài khoản, hồ sơ của người dân.
Việc hình thành nền tảng Công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào hình thành xã hội số, đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan Nhà nước cung cấp.