Tháng trước, Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) đã đưa ra một đoạn tweet nhạy cảm: “massive space sex rocket” của Elon Musk đã phát nổ sau khi được phóng. Tuy nhiên, điều này chỉ là một lỗi sai tự động nghiêm trọng, trong đó tên công ty của Elon Musk, SpaceX, bị biến thành “sex”. Sai lầm này có thể là điều sẽ xảy ra phổ biến khi trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Các công nghệ AI đã được sử dụng để hỗ trợ cho ngành truyền thông suốt nhiều năm qua. Hãng thông tấn AP bắt đầu tự động xuất bản báo cáo doanh thu của công ty từ năm 2014. Tờ New York Times sử dụng công nghệ máy học (machine learning) để quyết định số lượng bài viết miễn phí được cung cấp cho độc giả trước khi gặp phải tường phí (paywall).
Bayerischer Rundfunk, một hãng phát thanh của Đức, kiểm soát các bình luận trực tuyến nhờ sự hỗ trợ của AI. Hãng thông tấn AP hiện cũng triển khai AI để tạo ra “danh sách cảnh quay” video, mô tả về nhân vật và sự vật có trong mỗi đoạn clip.
Khi AI được cải thiện, công nghệ này sẽ đóng nhiều vai trò sáng tạo hơn. Một trong số đó là thu thập tin tức.
Tại Reuters, các cỗ máy được sử dụng để tìm kiếm trong các tệp dữ liệu lớn. Hãng AP thì sử dụng AI để “phát hiện sự kiện”, dò tìm trên mạng xã hội để tìm kiếm những mẩu thông tin mới.
Tại hội thảo về báo chí được tổ chức tại Perugia, Italy trong tháng trước, Nick Diakopoulos từ ĐH Northwestern đã chỉ ra cách sử dụng ChatGPT - một chatbot AI nổi tiếng - để đánh giá mức độ đáng tin cậy của các bài viết nghiên cứu. Mô hình của ông đã đưa ra một đánh giá có độ tương đồng khoảng 0,58 với các biên tập viên con người, đủ để hỗ trợ một phòng tin tức sàng lọc thông tin ban đầu.
Những AI tạo sinh (generative AI) giống như ChatGPT cũng ngày càng được cải thiện khả năng viết lách và biên tập.
Semafor, một startup mới, đang sử dụng AI để hiệu đính các câu chuyện. Radar AI, một công ty của Anh, tạo ra nhiều bài viết chuyên về dữ liệu cho các tờ báo địa phương (ví dụ như có bao nhiêu khu vệ sinh công cộng ở phía Nam Essex). Chỉ với đội ngũ 5 nhà báo con người, công ty này đã sản xuất được hơn 400.000 bài viết tự động kể từ năm 2018 đến nay.
Còn ở November Schibsted, một công ty truyền thông Na Uy, nhân viên cũng sử dụng một công cụ AI để biến các bài viết dài thành những gói nội dung ngắn để đăng tải lên mạng xã hội Snapchat. Ban lãnh đạo của công ty nhận thấy tiềm năng trong việc tự động tái tạo các bài viết theo định dạng khác nhau để đăng tải trên các nền tảng khác nhau, phục vụ các nhóm độc giả khác nhau.
Một số người cảm nhận rõ sự thay đổi phức tạp mà AI có thể đem đến cho ngành báo chí.
“Trong 3 năm tới, AI sẽ làm thay đổi ngành báo chí nhiều hơn là tự nó thay đổi trong suốt 30 năm qua”, David Caswell đến từ hãng BBC News, đưa ra dự đoán.
Bằng cách trộn lại thông tin thu thập được từ mọi ngóc ngách trên internet, các mô hình AI tạo sinh đang “làm xáo trộn đơn vị cơ bản của báo chí”: bài viết. Theo ông Caswell, thay vì là bản phác thảo đầu tiên của lịch sử, thông tin có thể trở thành “một bát súp ngôn ngữ đem đến trải nghiệm khác nhau cho từng người”.
Nhiều người khác lại có mối quan tâm bình thường hơn, chủ yếu là lo mất đi công việc của mình. Trong một số lĩnh vực, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại xem AI là công cụ hỗ trợ và không có ý định thay thế nhân lực con người. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong tương lai.
“Chúng ta không ở đây để cứu các nhà báo, chúng ta ở đây để cứu ngành báo chí”. Gina Chua, chủ biên của Semafor, phát biểu tại hội thảo ở Perugia. “Ngành báo chí, truyền thông cần tất cả sự hỗ trợ mà nó có thể có được”.
Vào ngày 20/4, BuzzFeed đã ngừng hoạt động đưa tin từng đoạt giải thưởng Pulitzer của mình. Một tuần sau đó, Vice – từng có thời là hãng truyền thông số được ưa chuộng – cũng có nhiều biện pháp cắt giảm; và đang có thông tin nó đang sắp sửa bị phá sản. Lisa Gibbs, đến từ hãng thông tấn AP nói: “Xét về những thách thức đối với việc làm của các nhà báo, AI không đứng ở vị trí hàng đầu”.
"Cơn sốt" AI gây chấn động Phố Wall: Giới đầu tư nhập cuộc
Khi nào AI mới tạo ra cuộc cách mạng kinh tế?
Đằng sau ChatGPT (kỳ 1): OpenAI - công ty do Elon Musk hậu thuẫn đã tạo nên 'siêu AI' như thế...
Theo The Economist
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu