Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Báo chí điều tra do Sir Harry Evans tổ chức tại London (Anh), ông Diller nói rằng việc cho phép trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp cận nội dung báo chí một cách tự do là một sai lầm, và rằng khái niệm “sử dụng hợp pháp” – có thể được sử dụng để che đậy nội dung có bản quyền trong các bộ dữ liệu dùng cho máy học – cần phải được định nghĩa lại.
“Bạn không thể sử dụng khi chúng không công bằng và không biết giới hạn”, Diller, chủ tịch của tập đoàn truyền thông và internet IAC, nói.
Nhiều tổ chức truyền thông đã tỏ rõ quan ngại về việc sử dụng nội dụng của họ như cơ sở để tạo ra AI tạo sinh (generative AI). Robert Thomson, CEO của News Corp, cho biết trong năm nay tập đoàn của ông đang tìm cách đòi bồi thường từ một công ty AI đã sử dụng nội dung "độc quyền" của họ.
Ngày 10/5, Diller nói rằng ông sẽ hợp tác với News Corp và nhà xuất bản Axel Springer của Đức để bảo vệ nghiệp vụ báo chí của họ khỏi mối đe dọa mà AI mang lại.
“Chúng tôi đang dẫn đầu một nhóm thúc đẩy việc cho việc thay đổi các quy định về bản quyền nếu cần thiết và sẽ làm mọi cách để chống lại việc sử dụng nội dung của chúng tôi một cách trái phép. Nếu không được giải quyết một cách hợp lý, chúng tôi sẽ khởi kiện. Chúng tôi tin rằng những gì mà bạn xuất bản, bạn có quyền kiểm soát nó", ông nói.
Sẽ có một làn sóng huỷ diệt trong ngành báo chí, trừ khi một cấu trúc được thiết lập cho phép các nhà xuất bản được trả tiền. “Việc các nhà xuất bản để cho nội dung của họ bị lấy đi đúng là một sai lầm”, Diller nhấn mạnh.
Trong khi đó, Axel Springer - nhà xuất bản của Đức khẳng định “cách mà phần mềm AI vận hành là không minh bạch, trong đó các nội dung báo chí bị thu thập, sử dụng và lưu trữ. Đây là một cơ hội để bảo đảm rằng chúng ta không lặp lại sai lầm trong quy định, và tạo nên một hệ sinh thái công bằng, lành mạnh từ đầu”./.
Mathias Döpfner, CEO của Axel Springer, trước đó từng cảnh báo rằng AI có thể gây ra nhiều rủi ro nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội mới cho truyền thông. “AI có tiềm năng giúp cho báo chí độc lập trở nên tốt hơn bao giờ hết – hoặc đơn giản là thay thế nó", ông nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin được Financial Times dẫn lại đã hạ thấp vai trò của Axel Springer – bên sở hữu tờ Bild và Die Welt của Đức, và trang tin Politico của Mỹ - trong cuộc chiến chống AI của Diller. Theo nguồn tin trên, công ty này chỉ là "một trong số nhiều tiếng nói" thay vì có vai trò "dẫn đầu”.
Tại hội nghị, ông Diller cũng cảnh báo về tầm ảnh hưởng của vụ bê bối gần đây của Fox News đối với Rupert Murdoch. Ông nói rằng vụ việc này sẽ “vấy bẩn ông ta, và cả danh tiếng của ông ta mãi mãi...Murdoch và con trai ông đã đầu độc bầu không khí và đó là một di sản tồi tệ”.
Fox News đã sa thải người dẫn chương trình nổi tiếng Tucker Carlson sau khi người này bị buộc phải chi 787,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tụng vu khống với công ty Dominion Voting Systems, liên quan tới cáo buộc gian lận phiếu bầu trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Fox News tuyên bố: “Đội ngũ nhà báo, chuyên gia phân tích và chuyên gia bình luận hùng hậu của Fox News được khán giả tin tưởng hơn so với bất cứ nguồn tin nào khác”.
The Economist: AI đang biến báo chí thành một "bát súp" ngôn ngữ
Các nhà lập pháp EU đồng thuận ra những quy định mới kiểm soát ChatGPT và AI tạo sinh
ChatGPT sẽ hủy diệt ngành báo chí (?): Góc nhìn từ 'ông trùm' truyền thông Mỹ
Theo Financial Times