Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi phi công NATO chiến đấu cho Ukraine

VietTimes – Các phi công nước ngoài có thể giúp đưa F-16 vào chiến đấu “sớm hơn”, nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham (Ảnh: Getty)
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham (Ảnh: Getty)

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã kêu gọi các phi công phương Tây đến và “chiến đấu vì tự do” ở Ukraine cho đến khi Kiev có thể đào tạo được phi công của riêng mình. Trong khi các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đã bắt đầu đến Ukraine nhưng hiện tại vẫn chưa có đủ phi công để lái chúng.

“Nếu bạn là một phi công F-16 đã nghỉ hưu và bạn đang muốn đấu tranh cho tự do, họ sẽ thuê bạn ở đây”, ông Graham tuyên bố trong cuộc họp báo ở Kiev hôm đầu tuần này. “Họ sẽ tìm khắp các quốc gia NATO để tìm những phi công chiến đấu đã nghỉ hưu nhưng sẵn sàng để giúp đỡ họ, cho đến khi họ có thể huấn luyện phi công của mình”.

Nhà lập pháp đảng Cộng hòa nói thêm: “Chúng tôi sẽ sớm đưa những chiếc máy bay phản lực này vào chiến trường”.

Một loạt quốc gia phương Tây, trong đó có Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 80 máy bay chiến đấu F-16. Được đưa vào sử dụng từ năm 1978, F-16 hiện được hơn hai chục quốc gia sử dụng, mặc dù nhiều quốc gia đang loại bỏ những máy bay cũ kỹ này để chuyển sang sử dụng F-35 hiện đại hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng này xác nhận rằng lô máy bay F-16 đầu tiên đã đến nước này và đã được các phi công Ukraine điều khiển. Ông Zelensky không cho biết có bao nhiêu máy bay phản lực đã đến và các máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo vẫn chưa được phát hiện đã tham chiến.

Ông Zelensky thừa nhận Ukraine không có đủ phi công để lái tất cả các máy bay phản lực mà phương Tây cam kết, nhưng nói rằng “nhiều người hiện đang được đào tạo”. Những phi công này hiện đang được đào tạo ở Mỹ và Đan Mạch, trong khi không rõ liệu một trung tâm đào tạo mới ở Romania có bắt đầu tiếp nhận học viên hay không.

Hồi tháng 6, một quan chức Lầu Năm Góc nói với Politico rằng tổng cộng 20 phi công F-16 Ukraine dự kiến ​​sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay, một nửa trong số 40 người cần thiết để thành lập một phi đội.

Dù do người Ukraine hay người nước ngoài điều khiển, F-16 đều yêu cầu đường băng tiêu chuẩn cao để hoạt động. Với việc các sân bay của Ukraine thường xuyên bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, một số quan chức Ukraine đã đề xuất triển khai các máy bay chiến đấu vốn yêu cầu mức độ bảo trì cao này tại các căn cứ không quân ở các nước NATO láng giềng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ căn cứ nào chứa máy bay F-16 của Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga, trong khi Điện Kremlin tuyên bố rằng không có khí tài nào của phương Tây sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

“Những chiếc máy bay này sẽ xuất hiện, số lượng sẽ giảm dần, chúng sẽ bị bắn hạ và tiêu diệt. Họ sẽ không thể gây ảnh hưởng đáng kể đến động lực của các sự kiện ở mặt trận”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hồi đầu tháng này.