Thủng dạ dày vì thức đêm vô độ để học bài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bước vào cao điểm mùa thi, nhiều sĩ tử thường xuyên thức khuya để ôn bài, khiến giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
Học sinh ôn thi (Ảnh minh hoạ)
Học sinh ôn thi (Ảnh minh hoạ)

Thủng dạ dày sau vài tháng thức khuya

Mới đây, Khoa cấp cứu, Trung tâm Kĩ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã tiếp nhận 2 trường hợp là học sinh đang ôn thi, trong đó có 1 trường hợp phải phẫu thuật cấp cứu và 1 trường hợp đi khám bệnh và được điều trị ngoại trú.

Trường hợp đầu tiên là 1 bệnh nhân nữ lớp 12, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, co cứng bụng vùng trên rốn. Bệnh nhân không rõ tiền sử bệnh lý dạ dày, vài tháng nay thức khuya học bài nhiều, có cơn đau vùng trên rốn, không khám bệnh định kỳ.

Khi bác sĩ thăm khám lâm sàng, bệnh nhân tỉnh, có sốt, huyết động ổn định, bụng co cứng vùng trên rốn, gõ vang, mất vùng đục trước gan, sonde dạ dày dịch mật vàng, thăm trực tràng không có phân đen.

Bệnh nhân được siêu âm bụng phát hiện nhiều dịch bụng vùng tiểu khung, khí tự do ổ bụng. Chụp X-quang bụng không chuẩn bị có hình ảnh khí trong ổ bụng, xét nghiệm công thức bạch cầu tăng cao. Các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường. Sau khi thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng tạng rỗng.

Hình ảnh lỗ thủng hành tá tràng qua nội soi của bệnh nhân (Ảnh - BSCC)
Hình ảnh lỗ thủng hành tá tràng qua nội soi của bệnh nhân (Ảnh - BSCC)

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng của bệnh nhân và phát hiện 1 lỗ thủng khoảng 0.3cm vùng hành tá tràng, ổ loét non mềm mại, nhiều dịch ổ bụng. Bệnh nhân được khâu lỗ thủng qua nội soi, bơm rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng, dùng thuốc kháng sinh sau mổ, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày.

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, trung tiện sau 1 ngày, ăn sau 3 ngày, dự kiến ra viện sau 5 ngày.

Cũng thường xuyên thức đêm như bệnh nhân trên, bệnh nhân nam 15 tuổi do ôn thi vào lớp 10 nên liên tục học bài muộn. Thời gian gần đây, bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng đau bụng trên rốn, ăn uống kém nên gia đình đã đưa bệnh nhân đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có triệu chứng về dạ dày, chỉ định soi dạ dày. Kết quả soi cho thấy, bệnh nhân bị loét xơ chai hành tá tràng gây co kéo và hẹp nhẹ vùng môn vị, test HP dương tính. Bệnh nhân được các bác sĩ điều trị viêm loét hành tá tràng kèm theo diệt vi khuẩn HP.

Trước đó, bệnh nhân đã được phát hiện có bệnh về dạ dày tại một bệnh viện tư. Cách đây 2 năm bệnh nhân đi khám phát hiện ra ổ loét nhưng chỉ điều trị 1 đợt rồi không điều trị tiếp. Với trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân điều trị xong phải theo dõi, kiểm tra, test lại HP, có chế độ ăn uống và học tập khoa học, tránh stress.

Làm gì để phòng bệnh trong mùa thi?

Từ trường hợp của 2 bệnh nhân trên, chia sẻ với PV VietTimes, BS. Vũ Trung Trực – Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) – khuyến cáo: “Các em học sinh trong mùa thi cần tránh tác động của stress, sắp xếp thời gian học tập, ôn bài hợp lý, không nên thức khuya học bài để phù hợp với giờ sinh học của cơ thể. Cùng với đó, các em cần có chế độ ăn hợp lý – tránh ăn các chất cay, chua, nóng, chất kích thích”.

Theo BS. Trực, khi các em có những biểu hiện như: đau bụng vùng trên rốn, buồn nôn, người gầy bất thường, đại tiện phân đen,… gia đình cần đưa con đến bệnh viện khám chuyên khoa Nội hoặc Ngoại tiêu hoá để bác sĩ tư vấn kịp thời. Từ đó, các bác sĩ sẽ chỉ định soi dạ dày, siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm máu,…

Nếu phát hiện tổn thương sau khi soi dạ dày (loét, có HP) thì các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau khi điều trị xong, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lộ trình theo dõi và soi lại dạ dày.

Đặc biệt, “người dân cần khám bệnh ngay khi thấy các triệu chứng đau vùng trên rốn, đau bụng khi thay đổi thời tiết, giao mùa, khi stress nhằm kiểm soát các biến chứng của bệnh dạ dày tá tràng. Cùng với đó, người dân cần khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để tiến hành soi dạ dày, điều trị diệt HP” – BS. Trực nhấn mạnh.