Thức trắng đêm tìm cách cứu sống người bệnh “3 lần ngừng tim”

VietTimes -- “Có những ngày tôi cùng đồng nghiệp thức xuyên đêm khi bệnh nhân mắc COVID-19 đột ngột ngừng tim” - ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chia sẻ về khoảng thời gian vô cùng căng thằng mà các bác sĩ đã trải qua trong chuỗi ngày điều trị cho những bệnh nhân COVID-19.
ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy

Trắng đêm nghĩ cách cứu bệnh nhân

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế phân công điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 từ Hà Tĩnh trở ra, nên các ca bệnh nặng ở khu vực phía bắc đều chuyển tới đây để điều trị. Vào thời điểm căng thẳng nhất, không chỉ bệnh nhân đông, mà Bệnh viện còn phải điều trị cho 5 bệnh nhân nguy kịch.

Suốt quá trình điều trị, Bệnh viện luôn nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 đặt tại Bộ Y tế với sự tham giả của các chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực. 

“Nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi điều trị cho các bệnh nhân nặng. Có sự tư vấn của các chuyên gia, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trở nên nhẹ nhàng hơn” – BS. Bình cho biết.

BS. Bình từng đảm nhận vai trò thư ký của Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch của Bộ Y tế. Các thành viên của Tổ đều hết lòng vì người bệnh. Có ngày, bệnh nhân 20 (bác ruột của bệnh nhân 17) ngừng tim ngay trong đêm, khiến bác sĩ Bình cùng tổ điều trị phải hội chẩn khẩn cấp, vì chỉ 5 phút ngừng tim, ngừng tuần hoàn, bệnh nhân sẽ chết não.

ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình nhớ lại những ngày điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình nhớ lại những ngày điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy 

2 tháng làm việc luôn căng thăng từng ngày

Với các y, bác sĩ, việc chăm sóc cho bệnh nhân từ miếng ăn đến giấc ngủ và cả sức khỏe tâm lý đã dần trở nên quen thuộc sau hơn 2 tháng chống dịch. Mỗi người dần coi bộ đồ phòng hộ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm là vật bất ly thân.

“Những bác sĩ trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân chắc chắn phải mặc bộ đồ bảo hộ. Mặc liên tục bộ đồ phòng hộ khiến cơ thể không thoáng khí và việc đi vệ sinh cũng gặp khó khăn. Nhưng mọi người cũng phải quen để còn điều trị cho bệnh nhân” – anh tâm sự.  

  
ThS. BS. Nguyễn Thanh Bình chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. video: Minh Thúy 

Áp lực làm việc chưa một phút nào lơi lỏng suốt 2 tháng qua với từng y, bác sĩ, trong từng phút, từng giờ. Thậm chí, họ chưa từng có được một bữa ăn ngon, một giấc ngủ trọn vẹn. “Các cuộc hội chẩn diễn ra liên tục và nhiều khi rất khẩn cấp dành cho những bệnh nhân nặng luôn phải theo dõi sát sao” – BS. Bình nói.

Đôi khi, chính bác sĩ cũng cảm thấy ngột ngạt, bí bách vì phải cách ly ở bệnh viện, không được ra ngoài, không được nhìn thấy người thân, gia đình. Nhưng họ vẫn kiên trì. Bác sĩ Bình tâm sự, anh cùng các đồng nghiệp thấu hiểu rằng khi bước chân vào ngành truyền nhiễm là phải luôn sẵn sàng làm hết sức mình, nỗ lực từng giây, từng phút, hy sinh nhiều vấn đề mang tính cá nhân, để cứu người bệnh khỏi bàn tay của tử thần. 

Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy 

“Sau nhiều nỗ lực, mỗi khi bệnh nhân có dấu hiệu tốt lên, là mọi người đều cảm thấy cực kỳ vui sướng, như thể họ là người ruột thịt vậy. Thật khó để diễn tả bằng lời niềm vui đó, cảm giác như bao công sức bỏ ra cuối cùng cũng được đền đáp.” – BS. Bình nói.

Dù thế, sự lo lắng là có thật: “Lo lắng thì có. Tôi lo lắng cho bản thân mình vì có thể lây nhiễm cho người nhà và cộng đồng. Tuy nhiên, mọi người không nên lo lắng quá về vấn đề này vì thực tế không phải bệnh nhân nào cũng lây nhiễm cho nhiều người. Riêng những trường hợp mắc COVID-19 hồi đầu tháng 1 chỉ có bệnh nhân 46 đã lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhiều người, còn các bệnh nhân khác hầu như không lây” – BS. Bình nhấn mạnh.

Theo BS. Bình, trong giai đoạn 2, bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở Bệnh viện đông hơn giai đoạn 1, hầu hết đều về từ nước ngoài. Thực tế, các biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện nặng tăng lên khiến nhân viên y tế phải vất vả nhiều hơn. 

Vì sao xuất hiện trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2?

Với trường hợp bệnh nhân 188 và bệnh nhân 22 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi được công bố khỏi bệnh, BS. Bình khẳng định không phải do xét nghiệm có vấn đề. Vì khi làm xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 thì đều sử dụng gen của virus này. Nếu virus đã chết thì gen của virus vẫn còn.

Do đó, để xác định được virus SARS-CoV-2 một cách chính xác thì phải đo được tải lượng của virus. Tuy nhiên, việc đo tải lượng của virus chưa thực hiện được nên không thể nhận biết virus còn hoạt động hay không hoạt động trong cơ thể của bệnh nhân. Nếu chỉ dựa vào mẫu gen thì không thể nói rằng bệnh nhân vẫn đang nhiễm virus. 

Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Minh Thúy
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Minh Thúy

Trao đổi với PV VietTimes, BS. Bình cho biết: Sau hơn 3 tháng, còn khoảng 40 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, một số bệnh nhân khác đang ở lại để theo dõi tiếp 14 ngày đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Mặc dù đã hơn 6 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nhưng người dân không nên chủ quan. BS. Bình khuyến cáo thói quen thường xuyên đưa tay lên mặt, sờ khẩu trang là 1 trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, mỗi người cần tự ý thức giữ khoảng cách 2m, thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn vì virus thường lây qua giọt bắn bám vào các bề mặt như: nút bấm thang máy, tay nắm cửa,…, đồng thời, thực hiện đúng hướng dẫn phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp của Bộ Y tế.