Thêm một ngân hàng Mỹ sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Heartland Tri-State Bank trở thành ngân hàng thứ 5 tại Mỹ đóng cửa từ đầu năm 2023, do mất khả năng thanh toán.

Cơ quan Giám sát Ngân hàng tại Kansas (Mỹ) mới đây cho biết Heartland Tri-State Bank (Heartland) đã mất khả năng thanh toán. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã đồng ý tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi tại Heartland để bảo vệ khách hàng.

Theo FDIC, Heartland có tổng tài sản khoảng 139 triệu USD và tổng tiền gửi khoảng 130 triệu USD. Đây cũng là ngân hàng Mỹ có quy mô nhỏ nhất phá sản kể từ đầu năm 2023.

Những ngân hàng bị sụp đổ hồi đầu năm nay đều có tài sản trên 100 tỉ USD, trong đó có Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank. Lớn nhất trong số này là First Republic với tài sản 229 tỉ USD vào thời điểm nó bị các cơ quan quản lý tiếp quản trong tháng 5, trở thành ngân hàng lớn thứ hai bị sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ.

Cú sập của SVB và Signature Bank trong tháng 3 là vụ sập ngân hàng lớn thứ ba và thứ tư, theo thứ tự. Cũng trong tháng 3, ngân hàng Silvergate cũng tự nguyện giải thể.

Heartland Tri-State Bank 1.jpg
Khủng hoảng ngân hàng Mỹ vừa gọi tên của Heartland Tri-State Bank (Ảnh: BNO News)

“Trường hợp biệt lập”

Ông David Herndon - người đứng đầu Cơ quan Giám sát Ngân hàng tại Kansas (Mỹ) cho biết Heartland 'đã mất khả năng thanh toán' và đây chỉ là 'một trường hợp biệt lập', đồng thời khẳng định: "Hệ thống ngân hàng của Kansas không bị ảnh hưởng và các nhà băng khác vẫn khỏe mạnh".

Heartland là một trong số hàng nghìn ngân hàng địa phương quy mô nhỏ ở Mỹ. Trụ sở chính của Heartland nằm ở thành phố Elkhart, với dân số chỉ chưa đầy 2.000 người, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ năm 2021, và được đặt ở rìa Tây Nam của bang Kansas. Elkhart là một trong số nhiều thành phố hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão “Dust Bowl” những năm 1930.

Một ngân hàng khác trong cùng bang Kansas – Dream First Bank, trụ sở tại Syracuse – đã đồng ý tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi và mua lại “gần như tất cả” tài sản của Heartland.

FDIC nhất trí sẽ chia sẻ các khoản lỗ trong tương lai đối với các khoản vay mà Dream First mua lại. Họ ước tính vụ sập ngân hàng này sẽ khiến Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của FDIC mất khoảng 54,2 tỉ USD. Quỹ bảo hiểm này được Quốc hội thành lập vào năm 1933, được đặt dưới sự quản lý của FDIC với mục đích bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng của Mỹ.

Dream First có tài sản 480 triệu USD tính đến ngày 31/3, và là ngân hàng đứng thứ 1.515 ở nước Mỹ. Ngân hàng này được thành lập vào năm 1906 và theo như thông tin đăng tải trên website chính thức, nó đóng “vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đồng và mang ngành công nghiệp sữa đến khu vực Tây Nam Kansas”.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng khủng hoảng hệ thống ngân hàng Mỹ xảy ra là do lãi suất tăng mạnh, cùng với công tác quản lý rủi ro yếu kém của các tổ chức tài chính. Fed đã nâng lãi suất tham chiếu lên 5,25% trong tháng 7 – mức cao nhất kể từ năm 2007 – trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Các đảng viên Dân chủ tại Uỷ ban các dịch vụ Tài chính Hạ viện đã công bố một vài dự luật trong tháng 6, cái mà họ mô tả là “làn sóng đầu tiên” của các điều luật nhằm giải quyết các vụ sụp đổ tại các ngân hàng lớn.

“Sự sụp đổ của SVB, Signature Bank và First Republic Bank đã cho thấy rõ rằng đã đến lúc mà luật pháp cần phải tăng cường sự an toàn và toàn vẹn của hệ thống ngân hàng, và nâng cao trách nhiệm điều hành ngân hàng”, Hạ nghị sĩ Maxime Waters nói./.

Theo Yahoo News