Ngân hàng First Republic chính thức bị tiếp quản, sắp về tay "đại gia" JPMorgan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngân hàng First Republic đã bị cơ quan điều hành Mỹ tiếp quản và sẽ được mua lại bởi JPMorgan Chase & Co., sau nỗ lực giải cứu bất thành.
Ngân hàng First Republic chính thức bị cơ quan quản lý tiếp quản sau nỗ lực giải cứu bất thành (Ảnh: Bloomberg)
Ngân hàng First Republic chính thức bị cơ quan quản lý tiếp quản sau nỗ lực giải cứu bất thành (Ảnh: Bloomberg)

JPMorgan sẽ “tiếp nhận tất cả tiền gửi, bao gồm cả tiền gửi không được bảo đảm, và tất cả tài sản” của First Republic, Sở Bảo vệ Tài chính và Đổi mới (DFPI) California nói trong một tuyên bố.

Cơ quan quản lý của California chỉ định Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) làm bên tiếp quản ngân hàng First Republic, có trụ sở tại San Francisco. “Lượng tiền gửi được FDIC bảo hiểm đúng theo giới hạn hiện hành,” DFPI nói.

Sau khi thực hiện thương vụ này, JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, thậm chí sẽ trở nên lớn hơn – điều mà giới chức chính phủ từng tìm cách để tránh trong quá khứ. Do những giới hạn theo luật định của Mỹ, quy mô của JPMorgan cùng với tỷ lệ của nhà băng này trong cơ sở tiền gửi của Mỹ sẽ khiến họ không thể tiếp tục mở rộng cơ sở tiền gửi dưới những điều kiện bình thường.

Thêm nữa, trong suốt cơn bĩ cực của First Republic, JPMorgan đã đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này. JPMorgan đã cố vấn cho First Republic trong lúc ngân hàng này tìm kiếm giải pháp thay thế chiến lược, và CEO Jamie Dimon cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi các lãnh đạo ngân hàng lớn bơm 30 tỉ USD tiền gửi cho First Republic để tăng cường sức khoẻ tài chính, sau khi lượng tiền gửi ở ngân hàng này bị rút ra ồ ạt trong tháng 3.

CEO JPMorgan Jamie Dimon (Ảnh: Bloomberg)

CEO JPMorgan Jamie Dimon (Ảnh: Bloomberg)

First Republic hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân, chuyên cung cấp dịch vụ cho những khách hàng giàu có, cũng gần giống như Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đã sụp đổ trong tháng 3. Chủ tịch Jim Herbert đã tạo dựng ngân hàng này vào năm 1985 với nhân sự chưa đến 10 người. Đến tháng 7/2020, nó trở thành ngân hàng lớn thứ 14 ở Mỹ, với hơn 80 văn phòng ở 7 bang. Đội ngũ nhân viên của họ lên tới hơn 7.200 người tính tại thời điểm cuối năm ngoái.

Giống như các ngân hàng cho vay khu vực khác, First Republic chịu tác động mạnh khi Fed nâng lãi suất để chống lạm phát, gây ảnh hưởng tới giá trị trái phiếu và các khoản vay mà ngân hàng này đã mua khi lãi suất còn thấp. Trong khi đó, khách hàng gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này, chủ yếu là do muốn lợi tức cao hơn và lo ngại về sức khoẻ tài chính của First Republic.

Hậu quả của hai yếu tố trên kết hợp lại khiến cho nỗ lực giải cứu bất thành. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi First Republic công bố kết quả kinh doanh trong quý đầu, cùng với thông tin về kế hoạch bán tài sản và giải cứu. Ngân hàng này từng nói họ sẽ cắt giảm 25% đội ngũ nhân viên, giảm hoạt động cho vay và các hoạt động không thiết yếu khác.

11 ngân hàng Mỹ đã cố gắng cứu First Republic bằng cách bơm 30 tỉ USD tiền gửi mới cho ngân hàng này vào ngày 16/3; trong đó JPMorgan, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo mỗi ngân hàng góp 5 tỉ USD. Goldman Sachs, Morgan Stanley và một số ngân hàng khác cũng đề nghị hỗ trợ một khoản nhỏ hơn. Ngoài ra, First Republic cũng vay mượn thông qua Hệ thống cho vay mua nhà liên bang (FHLB) và Fed.

Tuy nhiên, tất cả biện pháp trên đều là chưa đủ. Giá cổ phiếu của First Republic, từng lên đỉnh 170 USD trong tháng 3/2022, giờ sụt xuống còn khoảng 5 USD tính vào cuối tháng 4. Sự sụp đổ của Republic sẽ không chỉ gây hại cho các cổ đông phổ thông, mà còn cả những người đang nắm giữ cổ phiếu ưu đãi trị giá 3,6 tỉ USD, và 800 triệu trái phiếu không đảm bảo.

Ngân hàng này đã từng được mua và bán một vài lần trong những năm qua, trong đó Merrill Lynch & Co., từng chi 1,8 tỉ USD để mua First Republic năm 2007. Quyền sở hữu ngân hàng này sau đó được sang tay Bank of America khi nó mua lại Merrill Lynch vào năm 2009, và lại sang tay một lần nữa vào khoảng giữa năm 2010, khi các công ty đầu tư General Atlantic và Colony Capital mua First Republic với giá 1,86 tỉ USD và phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Theo Bloomberg