Dù cho đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng về mặt chiến lược, Nga vẫn là một cường quốc đang dần phục hồi, theo đuổi chương trình tái vũ trang quân đội nhằm tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Một trong những mục tiêu địa chính trị mới nhất của điện Kremlin chính là Afghanistan, nơi mà đến nay Mỹ vẫn đang bị chìm đắm trong cuộc chiến dài nhất trong lịch sử.
Đã gần ba thập kỷ kể từ khi cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan chấm dứt, một cuộc chiến đã khiến nền kinh tế Liên Xô suy sụp và kéo theo sự sụp đổ của nhà nước liên bang hùng mạnh. Giờ đây, Nga lại cố gắng quay lại làm một nhân tố chủ chốt trong quan hệ của Afghanistan.
Và điện Kremlin đã thực sự khiến thế giới ngạc nhiên bằng việc bắt tay với Taliban. Nga trước đây đã coi lực lượng này là mối đe dọa khủng bố lớn. Trong giai đoạn 2009-2015, Nga là một tuyến đường tiếp tế quan trọng cho liên quân do Mỹ dẫn đầu chiến đấu tiêu diệt Taliban ở Afghanistan. Nước này thậm chí còn trợ giúp về máy bay trực thăng.
Việc Nga quay lại với Taliban phản ánh một chiến lược lớn hơn, có liên quan tới cuộc đối đầu của Nga với Mỹ và NATO kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, nguyên cớ khiến Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề lên Nga. Thực tế, Nga đang đổi vai cho Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Vào những năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng phong trào thánh chiến như một công cụ để kích động các cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô. Với lý lẽ kẻ thù của kẻ thù là bạn, CIA đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho hàng nghìn chiến binh thánh chiến Afghanistan, sau này phát triển thành Taliban.
Giờ đây Nga cũng áp dụng logic tương tự để biện minh cho sự hợp tác với Taliban để lực lượng này tiếp tục chiến đấu chống nhà nước lỏng lẻo Kabul do Mỹ hậu thuẫn. Và Taliban nhận thức được rằng họ và Nga đều ghét Mỹ nên sẽ chấp nhận mọi sự giúp đỡ để đánh đuổi quân Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng sẽ khiến Mỹ phải trả một cái giá quá nặng nề cho việc duy trì các căn cứ quân sự ở Afghanistan để triển khai sức mạnh ở Trung và Tây Nam Á. Trong thỏa thuận an ninh ký kết với chính phủ Afghanistan năm 2014, Mỹ đã đảm bảo được quyền tiếp cận lâu dài đến ít nhất 9 căn cứ để duy trì sự can thiệp vào các nước lân cận bao gồm cả Nga. Theo đặc phái viên của Putin ở Afghanistan, ông Zamir Kabulov, Nga sẽ “không bao giờ chấp nhận việc này".
Ông Putin còn muốn mở rộng bàn cờ địa chính trị của mình với hy vọng có thể giành lại động lực để Mỹ và NATO nhượng bộ giảm nhẹ các trừng phạt kinh tế. Ông chủ điện Kremlin tin rằng nếu trở thành một nhân tố lớn ở Afghanistan thì Nga có thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ cần đến sự giúp đỡ của Nga để giải thoát khỏi cuộc chiến kéo dài đã quá lâu này.
Chiến lược này cũng ăn khớp với cách tiếp cận của tổng thống Putin ở Syria, nơi mà Nga đã tự biến mình thành một đối tác tối quan trọng trong nỗ lực nhổ tận gốc IS.
Khi làm ấm quan hệ với Taliban, ông Putin đã đưa ra thông điệp rằng Nga có thể khiến chính phủ Afghanistan bất ổn theo cách mà Mỹ đã phá hoại chế độ Assad ở Syria, và cách làm chính là tài trợ cho quân nổi dậy.
Điện Kremlin đã ngầm cảnh báo rằng sự tiếp tế vũ khí chống máy bay của phương Tây cho phiến quân ở Syria sẽ buộc Nga phải trang bị vũ khí tương tự cho Taliban. Đó có thể là nhân tố làm thay đổi cuộc chiến ở Afghanistan, nơi mà Taliban đang giành được nhiều lãnh thổ hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2001.
Để thực hiện trò chơi chiến lược của mình, Nga đang can dự vào nhiều nước hơn. Ngoài việc duy trì các cuộc gặp trực tiếp với Taliban, Nga còn chủ trì ba vòng đàm phán ba nước liên quan đến Afghanistan với Pakistan và Trung Quốc ở Mátxcơva. Một liên minh hậu thuẫn cho Taliban gồm ba nước kể trên và Iran dường như đang xuất hiện.
Tướng John Nicholson, chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan đang tìm cách triển khai hàng nghìn quân Mỹ đến khu vực này mới đây đã cảnh báo ảnh hưởng đang gia tăng của Nga và các nước khác trong khu vực. Năm ngoái, tướng Nicholson đã báo cáo với Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ rằng Nga đang công khai “cho phép Taliban phá hoại nỗ lực của NATO".
Ông Nicholson cho rằng cái cớ IS mà Nga sử dụng để thiết lập các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Taliban hết sức vô lý. Các cuộc tấn công và ném bom do Mỹ dẫn đầu đã giúp kiềm chế IS chỉ ở trong vòng tay Afghanistan, khiến những chiến binh IS này đều hầu như không có liên hệ với trụ sở ở Syria. IS ở Afghanistan chủ yếu bao gồm những thành phần cực đoan từ Pakistan và Uzbek.
Bằng một cách nào đó, có thể nói chính Mỹ đã tự mở đường cho Nga can thiệp vào Afghanistan. Tổng thống Obama với nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Taliban đã cho phép tạo ra một phái bộ ngoại giao thực tế ở Qatar, sau đó trao đổi 5 lãnh đạo cấp cao của Taliban, những người đang bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo để đổi lấy một trung sĩ của Mỹ. Bằng cách đó, ông Obama đã trao cho một tổ chức khủng bố tính chính danh để thực hiện các hành vi như thời Trung cổ trong khu vực do nhóm này kiểm soát.
Mỹ cũng đã không thể triệt phá hoàn toàn nơi trú ẩn của Taliban ở Pakistan, cho dù ông Nicholson thừa nhận rằng: “Rất khó để thành công trên chiến trường nếu đối thủ của bạn nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài và có được nơi ẩn náu an toàn".
Ngược lại, Pakistan vẫn là một trong những nơi nhận được nhiều viện trợ nhất từ Mỹ. Ngoài ra, Taliban còn bị loại khỏi danh sách Các nhóm khủng bố ở nước ngoài của Mỹ và thật khó để Mỹ lên án quan hệ của Nga với Taliban và Pakistan.
Tóm lại, mục tiêu của Mỹ muốn buộc Taliban phải cầu hòa trên thực tế rất khó đạt được. Giờ đây khi Nga lại đang hồi sinh lại vai trò ở Afghanistan thì có vẻ như Mỹ gần như không thể đạt được mục tiêu của mình.