Thai nhi bị phá bỏ ở cơ sở nạo thai đã trở về từ “cửa tử” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các bác sĩ Khoa sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa chia tay bé Bình An - vốn là một thai nhi bị phá bỏ ở tuần thứ 31 - sau hơn 2 tháng được điều trị và chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện.
Bé Bình An trong vòng tay của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh: Lê Minh)
Bé Bình An trong vòng tay của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh: Lê Minh)

Sức sống mãnh liệt

Vào tối ngày 4/7, một nhóm tình nguyện đã phát hiện thai nhi đang cựa quậy trong một túi bóng đen nằm ở điểm tập kết rác. Trong túi còn lẫn kèm một số vật dụng y tế.

Khi được tìm thấy trong túi bóng ở điểm tập kết rác, toàn thân bé tím tái, máu từ dây rốn rỉ loang ra vùng bụng nhưng quan trọng là em vẫn còn sống. Ngay lập tức, bé được nhóm tình nguyện đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để cấp cứu khẩn cấp.

Điều dưỡng Ngô Thị Loan - Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm vừa nhập viện, bé Bình An chỉ nặng 1,6 kg, ngừng tim, ngừng thở, chỉ nặng 1.6kg, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34.8 độ C. Vì thế, đã có lúc chúng tôi lo sợ rằng bé sẽ không qua khỏi”

Điều dưỡng Ngô Thị Loan - Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chăm sóc bé Bình An (Ảnh: Lê Minh)
Điều dưỡng Ngô Thị Loan - Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chăm sóc bé Bình An (Ảnh: Lê Minh) 

BS. Thái Bằng Giang - Trưởng Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – cho biết: Để cấp cứu cho bé, các bác sĩđã đặt nội khí quản cho bé thở máy xâm nhập, đồng thời, bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Bé cũng được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, điều trị kháng sinh và nhiều loại thuốc khác.

Tuy nhiên, khoảng 4 tiếng sau, huyết áp của bé tụt, mạch khó bắt. Các bác sĩ đã cho bé sử dụng máy thở cao tần HFO (loại máy thở hiện đại nhất cho sơ sinh). May mắn, bệnh nhi đáp ứng tốt, dần qua cơn nguy kịch. Sau 5 ngày thở HFO, bé chuyển thở máy thường 14 ngày trước khi được thở hỗ trợ áp lực và thở oxy. Ngày 13/8, bé dừng thở oxy.

Mặc dù đã dừng thở oxy nhưng bé bị nhiễm trùng nặng. Song song với việc duy trì thở máy, các bác sĩ đã cho bé sử dụng kháng sinh liên tục trong 5 tuần để cải thiện tình trạng này.

Trở về từ “cửa tử”

Sau khi được các bác sĩ nỗ lực điều trị, đến thời điểm hiện tại bé An đã có thể tự thở hoàn toàn, ăn sữa qua bình, thể trạng tốt và hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để xuất viện. Để nuôi một đứa trẻ sơ sinh không hề đơn giản nên các bác sĩ phải theo dõi thường xuyên, xử lý kịp thời khi bé gặp nguy hiểm.

Theo BS. Giang, thông thường, trẻ sinh non được ra đời trong cơ sở y tế như Bệnh viện Phụ sản, Khoa Phụ sản hay các trạm y tế xã sẽ được hỗ trợ sau sinh bằng việc ủ ấm, hút dịch mũi họng, làm thông thoáng đường thở,… Tuy nhiên, em bé này lại là trường hợp nạo phá thai. Người phá sẽ làm mọi cách để đưa trẻ ra ngoài, không thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo như các ca đỡ đẻ bình thường. Khi chào đời, bé  không được áp dụng các biện pháp hỗ trợ nên rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở.

Thực tế, các trường hợp tương tự bé Bình An khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé. Tuy nhiên, bé đã may mắn vượt qua lưỡi hái của tử thần, trở về từ “cửa tử”.

Để bé hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện là trái ngọt của cả một hành trình dài đối với bé An và tập thể y, bác sĩ Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Điều dưỡng Loan trao bé An cho cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội (Ảnh: Lê Minh)
Điều dưỡng Loan trao bé An cho cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội (Ảnh: Lê Minh) 

Trong ngày xuất viện, bé An được đón về một Trung tâm bảo trợ xã hội của Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội để chăm sóc, nuôi dưỡng. Trước giờ chia tay An, điều dưỡng Ngô Thị Loan khẽ dặn dò bé: “Các mẹ không biết nói gì hơn là rất nhớ con. Sinh ra với một hoàn cảnh như vậy, mong con không gặp trắc trở về sau, cố gắng trở thành 1 người có ích”.

Đón bé từ vòng tay của các y, bác sĩ tại Bệnh viện, cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội chia sẻ: “Sự phục hồi thần kỳ của bé An đã minh chứng không chỉ là những nỗ lực về chuyên môn, mà còn là tấm lòng từ mẫu của tập thể y, bác sĩ Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn”.

Hiện, Trung tâm bảo trợ xã hội đã lên phương án, chuẩn bị những gì tốt nhất để có thể chăm sóc cho bé.