Thống trị thị trường xe điện toàn cầu
Sau nhiều năm chuyên tháo dỡ TV và máy tính đồng nát, một nhà máy tái chế ở Thượng Hải đã sẵn sàng cho một làn sóng đồ phế thải mới: những đống pin hết tuổi sử dụng bị thải loại từ sự bùng nổ của những chiếc xe điện đang chạy dọc ngang khắp các đường phố của Trung Quốc.
Ông Li Yingzhe, Quản đốc nhà máy, do tập đoàn Jinqiao Thượng Hải thuộc sở hữu Nhà nước điều hành, cho biết, nhà máy đã có giấy phép và đang nâng cấp thiết bị để xử lý núi rác thải đang ngày càng phình to - đó là pin điện.
Ông nói: "Chúng tôi tin là số lượng xe điện trong tương lai sẽ tăng lên rất nhanh”.
Tập đoàn Jinqiao Thượng Hải sẽ bước vào một thị trường bao gồm các công ty Trung Quốc như Giang Tây Lithium Ganfeng và Công ty TNHH GEM. Giá cổ phiếu của các công ty này đã tăng nhanh khi họ đầu tư vào các cơ sở tái chế pin của riêng mình. Sự tự tin vẫn tăng lên ngay cả khi các công ty phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi bước vào lĩnh vực kinh doanh tái chế pin, trong đó có khó khăn là chi phí hoạt động cao.
Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với tham vọng của các công ty tái chế, được củng cố bởi một động thái của chính phủ nhằm loại bỏ các xe chạy xăng - một phần trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí đô thị và giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu ở nước ngoài.
Được các công ty như BYD và Geely dẫn dắt, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đạt 507.000 chiếc vào năm 2016, tăng 53% so với năm trước. Chính phủ đang nhắm mục tiêu bán ra 2 triệu xe vào năm 2020 và tăng lên 7 triệu xe sau năm năm nữa, tức bằng khoảng một phần năm tổng số xe sản xuất vào năm 2025.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chiếm hơn 40% doanh số bán xe điện trên toàn cầu vào năm 2016, đứng trên cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng vượt qua Hoa Kỳ trở thành thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới.
Sản xuất pin lithium tại Trung Quốc để lắp đặt trên những chiếc xe đó cũng đã tăng vọt. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, trong tám tháng đầu năm 2017, các nhà sản xuất Trung Quốc đã sản xuất được 6,7 tỷ pin dùng cho xe điện, tăng 51% so với năm trước.
Tất cả những hoạt động này có thể đưa Trung Quốc vào vị trí thống trị, chi phối ngành công nghiệp ô tô điện toàn cầu, cũng như các doanh nghiệp liên quan như chế tạo và tái chế pin.
Các chuyên gia ngành công nghiệp ước tính, Trung Quốc đã bắt đầu quảng bá xe điện vào năm 2009 và khi chiếc xe đầu tiên đến hết niên hạn sử dụng, lượng pin lithium phế thải có thể lên đến 170.000 tấn vào năm tới. Con số này sẽ tiếp tục nhân lên cùng doanh số xe điện được bán ra.
Để xử lý được cả núi chất thải đó là cả vấn đề rất lớn đối với Trung Quốc. Pin Lithium chưa được phân loại là chất thải nguy hại và vì thế không bị kiểm soát nghiêm ngặt. Chất phế thải từ pin bao gồm các kim loại nặng như coban và niken, cũng như dư lượng độc hại có thể phát tán vào lòng đất và các mạch nước ngầm nếu không được xử lý đúng cách.
Mặc dù tạo ra những thách thức, chất phế thải từ pin đồng thời cũng tạo ra một cơ hội quan trọng cho ngành tái chế chất phế thải đang phát triển của nước này.
Trung tâm Đổi mới ô tô Trung Quốc, một công ty nghiên cứu ngành công nghiệp, ước tính thị trường tái chế có thể trị giá 31 tỷ NDT (4,68 tỷ USD) vào năm 2023.
Wang Chuanfu, Chủ tịch hãng BYD Co Ltd, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc, vào tháng trước đã mô tả lithium, đồng và coban được chiết xuất từ pin đã qua sử dụng chính là những "kho báu".
Trong một thông báo gửi các nhà đầu tư, Công ty chứng khoán Sinolink Securities cho hay, các công ty lớn hơn với các dây chuyền tái chế công nghệ cao trong đó có Lithium Giang Tây Ganfeng đã thu được lợi nhuận. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 200% trong năm nay.
Sinolink cũng viện dẫn số liệu của GEM, một công ty tự xưng là "nhà khai thác mỏ đô thị", hiện đang điều hành cơ sở tháo dỡ pin tự động lớn nhất Trung Quốc ở Thẩm Quyến. Cổ phần của GEM đã tăng hơn 60% kể từ tháng Giêng.
Kho báu không dễ mở
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại.
Việc tái chế pin lithium có thể là rất tốn kém đối với nhiều công ty. Và ngành công nghiệp vẫn chưa thỏa thuận được tiêu chuẩn cần thiết để xử lý pin đã qua sử dụng một cách hiệu quả hơn, với số lượng lớn để thu nhiều lợi nhuận hơn.
Một số nhà quản lý cũng nói rằng Trung Quốc chưa làm đủ để khuyến khích ngành công nghiệp bằng hình thức trợ cấp và áp đặt việc thực thi các quy định hiện tại về môi trường.
Ông Zhang Tianren, Chủ tịch hãng sản xuất pin Tianneng Power, trong một đề xuất gửi tới kỳ họp tháng Ba của Quốc hội Trung Quốc đã viết: "Việc đẩy nhanh việc tái chế pin lithium hiện là một vấn đề cấp bách và đã trở thành một nội dung chính cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xe chạy bằng năng lượng mới".
Khả năng tồn tại về mặt thương mại của ngành tái chế bị hủy hoại bởi chi phí xử lý chất thải tăng mạnh, cúng như mức áp thuế cao, ông Zhang cho biết.
Trong đề xuất của mình, ông Zhang trích dẫn ý kiến của một công ty tái chế nói rằng trị giá của các nguyên liệu được chiết xuất từ một tấn chất thải pin lithium-iron-phospate là 8.110 nhân dân tệ, trong khi chi phí để tái chế lại ở mức 8.540 nhân dân tệ.
Ông Zhang cho biết, việc tự động quá trình tái chế ở Trung Quốc là một thách thức lớn do thiếu các thiết kế sản phẩm tiêu chuẩn.
Tại một hội nghị năng lượng tổ chức vào tháng 8/2017, Xiao Hai, kỹ sư trưởng của công ty Clou Electronics, một công ty phát triển các sản phẩm năng lượng mới có trụ sở tại Thâm Quyến phát biểu rằng, việc tự động hóa đang gặp nhiều trở ngại bởi thiết bị lạc hậu và công nghệ kém, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất nhỏ.
Trong khi đó, chính phủ đang cố gắng chuyển đổi hệ thống tái chế của nước này thành một ngành công nghiệp công nghệ cao được điều chỉnh hợp lý.
Các nhà sản xuất pin quy mô lớn đang bị buộc phải thiết lập các cơ sở tái chế của riêng mình, và các cơ sở tái chế ở khu vực bị ô nhiễm đã bị buộc phải đóng cửa.
Bộ Công nghiệp Trung Quốc năm ngoái đã thúc giục ngành này đưa ra các thiết kế tiêu chuẩn và nâng công nghệ lên tầm "quốc tế" vào năm 2020. Bộ này lên kế hoạch công bố bộ quy định mới về tái sử dụng pin toàn diện trước cuối năm nay.
Nhưng ông Zhang đến từ hãng Tianneng cho biết, các nhà quản lý quên việc thực thi chính sách và không xử phạt các công ty không đạt tiêu chuẩn.
"Vì chính sách không được thực thi, cũng không có cơ chế khuyến khích rõ ràng, việc tái chế pin lithium không đem lại lợi nhuận" - ông nói.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các văn bản điều chỉnh sản xuất xe ô tô điện, đã không phản hồi lại yêu cầu của ông về chuyện này. Bộ Bảo vệ Môi trường cũng không trả lời.
Các công ty sản xuất pin hiện tại đang phải chịu nhiều chi phí tái chế. Mặc dù các nhà sản xuất ô tô phải chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đối với việc tái chế pin, nhưng trên thực tế, họ ký hợp đồng với các nhà cung cấp để tái chế pin thay cho họ.
Ông Green Cheng, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Công nghệ pin Thâm Quyến Cham, cho biết, công việc tái chế rất căng thẳng do thiếu nguồn lực từ các nhà sản xuất pin.
Công ty Thâm Quyến Cham xuất xưởng 300.000 pin lithium mỗi ngày tại nhà máy của họ ở Đông Quản, miền nam Trung Quốc. Trong số đối tác của họ có Geely - một nhà sản xuất ô tô lớn. Công ty Thâm Quyến Cham là một nhà sản xuất pin, nhưng lại phải trả tiền cho một công ty tái chế để tiêu hủy pin.
Vì thế ông nói: "Nếu các nhà sản xuất như chúng tôi phải chịu trách nhiệm, thì chính phủ chắc chắn cần phải cung cấp kinh phí để hỗ trợ chúng tôi”.