Suốt nửa đầu năm 2023, lãi suất cao chưa thể "hạ nhiệt" nền kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dữ liệu mới nhất về sức khỏe bền bỉ của thị trường lao động càng củng cố viễn cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh bất chấp lãi suất cao.

Một hội chợ việc làm tổ chức tại Mỹ hồi đầu tháng 6/2023 (Ảnh: Zuma)
Một hội chợ việc làm tổ chức tại Mỹ hồi đầu tháng 6/2023 (Ảnh: Zuma)

Tăng trưởng bất chấp lãi suất cao

Theo báo cáo mới nhất mà Chính phủ Mỹ công bố trong hôm 29/6, tình trạng sa thải nhân viên đã giảm trong tuần trước và đà tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với báo cáo ban đầu được công bố trong quý đầu tiên. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy doanh số bán nhà mới, số lượng đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền và niềm tin của người tiêu dùng đang tăng lên.

“Nếu nhìn vào dữ liệu trong quý gần đây nhất, có thể thấy rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với dự báo, các thị trường lao động cũng mạnh mẽ hơn và lạm phát cao hơn kỳ vọng”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Bồ Đào Nha trong hôm thứ Tư.

Điều này đã lý giải nguyên nhân tại sao mà hầu hết các quan chức Fed đều kỳ vọng vào 2 đợt nâng lãi suất tiếp theo trong năm nay, ông Powell cho hay.

Fed đã nâng lãi suất với nhịp độ cao trong hơn một năm để chống lạm phát, thông qua việc “hạ nhiệt” nền kinh tế, mặc dù đã tạm ngừng một đợt nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6/2023.

Untitled 1.png
Số lượng khai báo thất nghiệp ở Mỹ (Ảnh: WSJ)

Đầu năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo về một cuộc suy thoái. Dự báo này ban đầu rất hợp lý, bởi trên thực tế thì người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp đều gặp phải nhiều thách thức trong năm ngoái, khi mà lãi suất và lạm phát tăng cao.

Thế nhưng, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, kể cả ở những khu vực vốn nhạy cảm với lãi suất cao.

Đơn cử như thị trường nhà ở. Số lượng nhà ở sẵn có rao bán thấp kỷ lục đã thúc đẩy doanh số bán những căn nhà mới xây. Doanh số nhà mới tăng thêm 2 con số trong tháng 5, vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế học.

“Chúng tôi đã đánh giá thấp sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ”, Carl Tannenbaum, kinh tế trưởng đến từ Northen Trust, nhận định.

S&P Global Market Intelligence đã công bố dự báo rằng GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 1,7% trong quý thứ hai, kết thúc vào ngày 30/6. Trước đó, dự báo tăng trưởng GDP chỉ là 0,8%. Trong quý đầu tiên, GDP Mỹ tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm trước, đây là con số đã được điều chỉnh so với mức tăng 1,3% được đưa ra trước đó, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Hoạt động chi tiêu tiêu dùng sôi động hơn chính là động lực khiến con số này tăng thêm. Chi tiêu tiêu dùng tăng 4,2% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng nhanh nhất tính từ giai đoạn giữa năm 2021 – thời điểm nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau các lệnh phong tỏa do đại dịch.

Người dân Mỹ vẫn có nhu cầu cao đối với các loại hàng hóa lâu dài, như ô tô, trong 3 tháng đầu năm nay, trong đó chi tiêu cho loại hàng hóa này tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu cho dịch vụ, như chăm sóc sức khỏe, ăn nhà hàng và du lịch, cũng đạt mức tăng 3,2% trong quý đầu tiên.

Thị trường lao động bền bỉ

Untitled 2.png
Sự thay đổi về GDP của Mỹ (Ảnh: WSJ)

Khai báo thất nghiệp – một thước đo tình trạng sa thải nhân viên – đã giảm 26.000 trong tuần trước, xuống còn 239.000, đã được được điều chỉnh theo mùa vụ. Mức giảm trong tuần trước cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang khá mạnh mẽ.

Đề nghị tiếp tục trợ cấp thất nghiệp – phản ánh số người xin gia hạn trợ cấp thất nghiệp – đã giảm 19.000 trong tuần kết thúc vào ngày 17/6, xuống còn 1,74 triệu. Con số này đã bắt đầu xu hướng giảm từ đầu tháng 4, cho thấy những người đi tìm việc đã nhanh chóng tìm được vị trí mới.

Xét ở phạm vi rộng hơn, thị trường lao động Mỹ vẫn hết sức bền bỉ bất chấp nhiều biện pháp của Fed. Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã tạo ra thêm 339.000 việc làm, con số cao nhất từ tháng 1, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp lịch sử. Trong tháng 4, cơ hội việc làm vượt qua số người đi tìm việc đến hàng triệu.

Express Employment Professionals, một công ty chuyên về nhân sự, cho rằng thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ nhưng đã hạ nhiệt đôi chút. Nhiều công ty đang tuyển mộ, và nhu cầu tuyển mộ ở một số ngành nghề như thợ sửa ống nước, kỹ sư điện lạnh và những nghề tương tự đang tăng.

"Chúng tôi vẫn thấy có sự khan hiếm việc làm, trong khi có nhiều vị trí việc làm hơn số lượng ứng viên," Stephanie Miller, giám đốc tuyển dụng tài năng của Express Employment Professionals, cho biết.

Nhiều người tìm việc tiềm năng hơn – như các nhân viên cổ cồn trắng – đã tìm đến dịch vụ của Express trong những tháng gần đây, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đã hạ nhiệt đôi chút. Các ông chủ giờ không quá gấp rút trong việc tuyển mộ và tỏ ra kén chọn hơn, bà Miller cho hay. Ngược lại, những người kiếm việc lại trở nên khẩn trương hơn bởi các khoản trợ cấp của Chính phủ bắt đầu giảm trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng.

Hoạt động chi tiêu sôi nổi cùng với bức tranh tích cực về việc làm đang củng cố nền kinh tế Mỹ.

“Nền kinh tế vẫn khỏe mạnh và dường như vẫn còn một chút động lực”, Nancy Vanden Houten, kinh tế trưởng khu vực Mỹ đến từ Oxford Economics, nhận định. “Chúng tôi dự báo rằng nền kinh tế vẫn có thể trượt vào một cuộc suy thoái nhẹ, nhưng điều đó sẽ đến muộn hơn so với dự báo trước đây”./.

Theo Wall Street Journal