Thuốc sốt rét Hydroxycloroquine và Cloroquin gây "sốt" tại các nhà thuốc những vài ngày gần đây. Ảnh: Anh Lê |
3 tác dụng phụ cực nguy hiểm
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ĐBQH khóa XIV và đồng nghiệp là dược sĩ Hà Quang Tuyến cho rằng từ khi Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố về Cloroquin và Azithromycin chữa được COVID-19, cả thế giới nháo nhác, trong đó có Việt Nam.
Theo PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Hydroxycloroquine và Cloroquine từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... Hydroxycloroquine là Cloroquine có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với Cloroquin thông thường cho dù vậy thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một buổi khám sàng lọc. Ảnh: NVCC.
|
GS. Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra 3 tác dụng phụ cực nguy hiểm của Hydroxycloroquine và Cloroquine.
Đối với mắt, Hydroxycloroquine và Cloroquine làm teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.
Đối với máu, thuốc này gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD.
Còn với tim mạch, Hydroxycloroquine và Cloroquine kéo dài khoảng QT, bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.
Theo PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Hydroxycloroquine và Cloroquine có thể có tác dụng điều trị Covid-19, nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sáng không ngẫu nhiên, không đối chứng cũng cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc.
Tuy nhiên cần lưu ý để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vaccine vậy. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.
Có nên tích trữ, dự phòng? - “Câu trả lời chắc chắn là không”, PGS. Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.
“Cách ly tại nhà là rất đúng, nhưng tự sử dụng thuốc biệt dược chống COVID-19 tại nhà là sai”, PGS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Chưa tìm ra loại thuốc hiệu quả
Cũng nói về hiệu quả của Hydroxycloroquine và Cloroquine trong việc dự phòng, điều trị COVID-19, trên trang Faceboook cá nhân, TS.BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) – cho rằng, trong quá trình sử dụng người ta dần phát hiện ra những tính chất mới của thuốc này và đã có những chỉ định điều trị mới ra đời. Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống Chloroquine nhưng ít độc tính hơn, nhiều chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, Sarcoidosis, một số bệnh về da do ánh sáng, v.v..
TS.BS. Lê Quốc Hùng (người đứng) - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy). Ảnh: NT.
|
Tuy nhiên, ở mỗi loại bệnh thì cần dùng ở một liều lượng, cách dùng và thời gian khác nhau.
Theo phân tích của BS. Hùng, từ sau các vụ dịch SARS (2003) và MERS Cov (2009) các hãng dược phẩm đua nhau tìm kiếm thuốc đặc trị virus Corona. Mục tiêu các thuốc tác động lên virus cũng rất khác nhau, có thuốc nhằm ngăn cản virus chui vào tế bào, có thuốc ngăn cản sự sao chép ngược của chuỗi RNA, có thuốc nhằm ngăn cản sự hình thành vỏ của virus, v.v.. Đáng buồn là chưa có loại thuốc hữu hiệu nào được tìm ra.
Theo Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy, cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra một loại thuốc hiệu quả, nhất đáng tin nhất vẫn đang diễn ra chưa phân thắng bại, mỗi loại thuốc đều có ưu và nhược điểm. Việc người dân đổ xô đi tìm mua thuốc Hydroxychloroquine, gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt khiến các y bác sỹ hết sức ngạc nhiên.
“Xin hãy yên tâm, khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, chúng tôi sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho cho các bạn. Không nên tự ý sử dụng có thể gây ra tiền mất tật mang” - TS.BS. Lê Quốc Hùng nhắn nhủ.
Trả giá bằng tính mạng
Cung cấp thêm thông tin liên quan thuốc điều trị sốt rét, BS. Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - kể lại câu chuyện xảy ra vào ngày 23/2/2020.
BS. Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Đăng Khoa.
|
Khi ấy, Huỳnh Hải Đông - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thành phố Vũ Hán- là bác sĩ trực tiếp cứu sống nạn nhân cho biết, người phụ nữ không có bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào khi ở nhà, nhưng vì quá lo sợ, cô mua thuốc Chloroquine sulfate loại 500mg từ mạng xã hội. Cô mua được 18 viên và uống hết trong 1 ngày. Sau đó, cô bị mê sảng, nhịp tim nhanh rung thất, may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, cô thoát chết trong gang tấc.
Từ câu chuyện thực tế này, BS. Trần Văn Phúc nêu bật quan điểm: “Mọi người nếu bị bệnh, ai cũng cần phải uống thuốc. Đại dịch COVID-19 là căn bệnh mới sẽ làm thay thay đổi cách chúng ta sống mỗi ngày nhưng nguyên tắc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ thì sẽ không thay đổi”.
Với loại thuốc Chloroquine cực độc, BS. Trần Văn Phúc cảnh báo người dùng rằng “hãy tích trữ kiến thức – đừng tích trữ thuốc”.
“Thuốc càng độc thì hiệu quả càng cao, nếu nó được sử dụng bằng bàn tay, khối óc & trái tim của người bác sĩ. Ngược lại, tự ý mua thuốc tích trữ để sử dụng có thể sẽ phải trả giá bằng tính mạng. Tôi muốn tất cả mọi người hãy quan tâm đến sức khỏe của mình nhưng đừng tự ý dùng thuốc”, BS. Trần Văn Phúc nhấn mạnh.