Su-57 tiếp tục thực hiện những bài thử nghiệm phức tạp, khó tin trước khi đưa vào biên chế

VietTimes -- Tiêm kích đa nhiệm tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57 Nga tiếp tục thử nghiệm các hệ thống, bộ phận, vũ khí trang bị, thực hiện các kỹ năng siêu cơ động và cất hạ cánh, nỗ lực tìm kiếm các ưu nhược điểm trong khai thác sử dụng, sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm trong các đơn vị không quân chiến đấu.
Hai chiếc Su-57 hạ cánh đồng bộ trên một đường băng. Ảnh minh họa video TVZvezda
Hai chiếc Su-57 hạ cánh đồng bộ trên một đường băng. Ảnh minh họa video TVZvezda

Hãng tin Interfax dẫn nguồn thông tin từ liên hiệp các Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết, Su-57 đang được thử nghiệm tất cả các loại vũ khí trong khoang vũ khí Su-57. Đại diện của Liên hiệp cho biết:

"Tất cả mọi vũ khí trang bị cho Su-57 đều hoạt động tốt, mọi trang thiết bị và bộ phận liên quan đều ổn,". Ông nhấn mạnh rằng Su-57 được trang bị một thế hệ vũ khí tấn công đường không mới, hoàn toàn khác với các loại vũ khí trước đây và có yêu cầu bảo mật rất cao.

Ngoài những vũ khí trong khoang, Su-57 còn có thể đeo, treo vũ khí dưới cánh và trên thân, ví dụ như tên lửa siêu âm R-37M.

Một trong những tính năng đặc trưng của vũ khí đường không Su-57 là tầm bắn. Tất cả các loại vũ khí không đối không và không đối đất đều có tầm bắn gấp 2 lần. Lợi thế này cho phép tiêm kích đa nhiệm tàng hình có thể tấn công các mục tiêu mà không tiến vào vùng tác chiến hiệu quả của vũ khí phòng không. Ngoài ra, vũ khí Su-57 có độ chính xác cao, chống gây nhiêu và được ứng dụng công nghệ tàng hình.

Những thông số kỹ thuật và vũ khí trang bị của tiêm kích tàng hình Su-57. Video hãng Sukhoi

Những thử nghiệm không liên quan đến bí mật quân sự được kênh truyền hình TV Zvezda công bố trên trang mạng của mình, một trong những thử nghiệm đó là khả năng tiếp dầu trên không của Su-57. Thiết kế ống dầu cũng đặc biệt khác, có thể đẩy ra và thu vào bên trong, cần dầu nghiêng về phía bên trái chứ không thẳng đứng, cho phép duy trì khả năng tàng hình tối đa trong khi thực hiện hoạt động tiếp nhiên liệu trên không.

Video ghi lại cảnh Su-57, tiếp cận sát máy bay truyền thông An-12, đẩy ống tiêp dầu ra khỏi thân máy bay. Khoảng cách được cho là tiếp dầu rất gần, đến mức có thể nhìn thấy khuôn mặt phi công, được che bằng mặt nạ cung cấp không khí. Phương thức tiếp dầu cận gần này có thể được sử dụng để trách bị phát hiện và tấn công từ xa do độ phản xạ hiệu dụng của máy bay chở dầu rất lớn, sẽ che khuất hoàn toàn chiếc Su-57 trong quá trình tiếp dầu.

10 phút mô phỏng tiếp dầu trên không, Su-57 thu ống dầu và bay ra khỏi vùng quan sát, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bay thử nghiệm của mình.

Tiêm kích tàng hình Su-57 mô phỏng khả năng tiếp dầu trên không. Video TV Zvezda

Một thử nghiệm thứ hai được ghi lại là cảnh quay 1 biên đội 2 chiếc Su-57 cùng lúc hạ cánh trên đường băng với khoảng cách rất gần. Chiếc An-12 tuyền thông, ghi lại cảnh hạ cánh đặc sắc này bay ngay phía trên biên đội Su-57.

Trong video có thể nhận thấy, 2 chiếc siêu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 cùng lúc bay về sân bay, đồng loạt giảm tốc hạ cánh, chạy đà và bung dù giảm tốc cùng lúc. Có thể dự đoán rằng giữa hai máy bay chỉ huy mặt đất có một cùng một hệ thống truyền thông đa phương tiện, cho phép phi công có thể cùng thực hiện các hoạt động hạ cánh hoặc máy bay được trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo thời gian thực, cho phép thực hiện động tác hạ cánh tự động, không phụ thuộc vào người lái, do đó có được sự đồng bộ như vậy.

Biên đội Su-57 bay thử nghiệm thực hiện chế độ đồng hạ cánh, một phương thức mới trong khai thác sử dụng tiêm kích thế hệ 5. Video TV Zvezda

Có thể nói, chiếc Su-57 đã tiến rất xa về phía trước trong việc tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống kết nối mạng chiến thuật nội bộ giữa các máy bay và sở chỉ huy, điều hành tác chiến. Như vậy, Su-57 là nền tảng đầu tiên của thế hệ máy bay tiếp theo, thế hệ máy bay trí tuệ nhân tạo.