Mới đây một số phương tiện truyền thông Việt Nam, đã đăng tải bài viết trong đó tác giả cố gắng chứng minh rằng, sẽ là hợp lý nếu trang bị tên lửa không đối không Python-5 của Israel cho các máy bay tiêm kích Su-27/30 và máy bay ném bom Su-22 của Không quân Việt Nam.
Bài báo trích dẫn dữ liệu của Viện Quốc tế Stockholm Nghiên cứu Hòa bình (SIPRI) cho biết rằng, lô hàng tên lửa Python-5 đã được cung cấp cho Việt Nam cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Spyder-SR của Israel sử dụng. Theo đó, một số tên lửa Python có thể được điều chỉnh để cài đặt trên các máy bay chiến đấu Liên Xô và Nga. Và cần phải làm như vậy càng nhanh càng tốt.
Trên thực tế các chuyên gia Israel đã phát triển nhiều mẫu vũ khí rất tốt có hiệu quả trên chiến trường. Trong số đó có cả tên lửa Python.
Tuy nhiên, liệu tên lửa Israel có thể gia tăng sức chiến đấu của các máy bay Sukhoi trong thành phần lực lượng không quân Việt Nam? Sputnik nêu câu hỏi này với đại tá Makar Aksenenko, phó tiến sĩ khoa học quân sự, giảng viên cao cấp và phi công giàu kinh nghiệm.
Ông Aksenenko đánh giá, tên lửa này là sản phẩm mới tương đối của Israel, đây là một phương tiện hủy diệt đa năng, được sử dụng trong các hệ thống phòng không và trên một số loại máy bay chiến đấu. Ví dụ, trên máy bay Mỹ F-15 và F-16 được trang bị cho Không quân Israel, cũng như trên tiêm kích Kfir mà Israel tự phát triển dựa trên mẫu tiêm kích Mirage 5 của Pháp. Tuy nhiên, xét theo các đặc tính chiến thuật-kỹ thuật của tên lửa Python, nó không có ưu thế trước tên lửa R-73 trang bị tiêu chuẩn của Su-27 (Su-30). Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa Nga tương đương với tên lửa Israel.
Hơn nữa, các phiên bản mới nhất của tên lửa R-73M và phiên bản xuất khẩu P-74 có các tính năng tốt gấp 2 lần so với tên lửa R-73 trang bị tiêu chuẩn, có khả năng 360 độ diệt mọi mục tiêu trên không, có thủ thuật tấn công từ phía sau mục tiêu. Và việc sử dụng loại mũ bảo hiểm định vị và phát hiện mục tiêu giúp phi công sử dụng tên lửa ở tầm phóng tối thiểu, mà điều đó là rất quan trọng trong không chiến tầm gần. Với tư cách phi công chiến đấu và chuyên gia hàng không, tôi rất khá hài lòng với gia đình tên lửa R-73 như một phương tiện chiến đấu trên không.
Ông Aksenenko cho rằng, các tên lửa này (tất cả các phiên bản) đều là trang bị tiêu chuẩn không chỉ của "Sukhoi", mà còn của MiG-29, MiG-35, các phiên bản mới nhất của trực thăng tấn công Mi-24, cũng như Ka-52 cho các lực lượng trên mặt đất và trên biển. Tức là tên lửa loại này có thể được trang bị cho hầu hết các loại máy bay chiến đấu phát triển ở Nga. Về mặt này tên lửa của Israel không có ưu thế trước Nga, ông Aksenenko nói.
Ngoài các vấn đề chiến thuật thuần túy còn phải chú ý đến những chi tiết khác. Chắc là việc trang bị các loại vũ khí phi tiêu chuẩn cho máy bay chiến đấu dòng Su dẫn đến những thay đổi trong kết cấu và trang thiết bị của máy bay. Và ở đây có những vấn đề nghiêm trọng, chuyên gia Nga cảnh báo:
"Ở đây nói về dịch vụ sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và thiết bị quân sự xuất khẩu. Sự can thiệp trái phép của bên thứ ba (đặc biệt sự can thiệp nghiêm trọng) vào trang thiết bị của Su-27/30 có thể dẫn đến hậu quả tai hại đối với khách hàng mua sản phẩm này. Tất cả những khách hàng từng cố gắng cải thiện kỹ thuật của Nga mà không tương tác với các nhà sản xuất chỉ đơn giản không còn có khả năng được cấp dịch vụ bảo trì các hệ thống phức tạp này. Phương án tốt nhất là nên tiếp tục sử dụng tối đa các loại vũ khí tiêu chuẩn cũng như các loại vũ khí tiềm năng được phép sử dụng trên máy bay chiến đấu do Nga chế tạo.
Tôi xin nói thẳng ra rằng, những cố gắng trang bị cho máy bay Su của Không quân Việt Nam các loại vũ khí phi tiêu chuẩn, và thậm chí "của bên thứ ba" không khác gì sự lãng phí tiền của để có kết quả đáng ngờ. Chắc là kết quả này sẽ không ảnh hưởng tích cực đến sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân Việt Nam", đại tá Makar Aksenenko kết luận.
Theo Sputnik