Ngay trước khi Nhóm 7 nước họp hội nghị thượng đỉnh ngày 26/6, cả Nga và Ukraine hôm 25 đều cho biết quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn quan trọng Severodonetsk ở miền Đông Ukraine, phủ bóng đen lên hội nghị.
Chứng kiến tình hình nguy cấp ở miền Đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những ngày gần đây đã liên tục kêu gọi G7, yêu cầu cung cấp gấp các "hệ thống phòng không mạnh."
Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 27/6 dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ có kế hoạch sớm nhất là trong tuần này thông báo rằng họ sẽ cung cấp bổ sung cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa.
Vào ngày 27/6, theo giờ địa phương, ông Zelensky sẽ phát biểu qua truyền hình tại hội nghị thượng đỉnh G7. Đài BBC cho biết, Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ cam kết hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, theo một phóng viên BBC đang dự hội nghị thượng đỉnh, trong những tuần gần đây sự thống nhất của phương Tây đã bị lung lay, với việc một số nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan hệ lâu dài với Nga và một số nước mất hứng thú với một "cuộc chiến lâu dài".
Phát biểu qua video ngày 27/6, ông Zelemsky kêu gọi viện trợ tên lửa phòng không tầm xa cho Ukraine. |
"Việc chậm trễ giao vũ khí chính là lời mời Nga phát động tấn công"
Ngày 25/6, cả Nga và Ukraine đều cho biết, quân đội Nga và lực lượng vũ trang Luhansk đã hoàn toàn kiểm soát thị trấn quan trọng Severodonetsk ở miền Đông Ukraine. Hiện quân đội Ukraine đã rút về thành phố Lysychansk nằm ở bên kia sông đối diện Severodonetsk, đây là vị trí cuối cùng của Ukraine trong vùng Luhansk.
Nhận thấy tình hình trở nên nguy cấp, ông Zelensky đã nhiều lần đưa ra lời kêu gọi trong những ngày gần đây, nhắc lại yêu cầu của ông về việc xin cung cấp "hệ thống phòng không mạnh mẽ."
Theo hãng thông tấn Interfax của Ukraine, trong một video phát biểu vào đêm khuya ngày 26/6, ông Zelensky lần đầu tiên đề cập đến Severodonesk, thề sẽ "chiếm lại tất cả các thành phố đã mất", "Tất cả các thành phố của chúng tôi - Severodonetsk, Donetsk, Luhansk ... chúng tôi đều sẽ lấy lại hết."
Ông Zelensky cho biết, trong 24 giờ qua Ukraine đã bị tấn công bằng 45 quả tên lửa và rocket của Nga. Ông nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là chưa đủ và Ukraine cần các hệ thống phòng không hơn "bất kỳ nơi nào khác trên thế giới".
Một hệ thống phòng không NASAMS (Ảnh: Sohu). |
Trong một bài phát biểu qua video vào ngày 27/6, ông Zelensky một lần nữa kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp "các hệ thống phòng không mạnh". Ông nói: “Việc trì hoãn giao vũ khí chính là đang mời gọi Nga tấn công hết lần này đến lần khác”.
“Chúng tôi cần một hệ thống phòng không mạnh mẽ, hiện đại và đầy đủ hiệu quả để đảm bảo khả năng phòng thủ hoàn toàn trước những tên lửa này. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này với các đối tác hàng ngày, đã đạt được một số thỏa thuận”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky một lần nữa kêu gọi Mỹ và phương Tây tăng cường viện trợ, nói rằng "nếu các đối tác thực sự là đối tác, không phải là quan sát viên, thì họ cần phải hành động nhanh hơn."
CNN: Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa
Một nguồn thạo tin nói với CNN: theo yêu cầu của Ukraine, Mỹ có kế hoạch thông báo sớm nhất là trong tuần này rằng họ đã mua các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa cho Ukraine.
CNN đưa tin Mỹ tuyên bố cung cấp tên lửa pháp luật tầm trung-xa cho Ukraine. |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 5 đã tuyên bố rằng với việc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine "các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn".
Theo CNN tiết lộ, theo yêu cầu của quân đội Ukraine, các khoản viện trợ quân sự khác của Mỹ có thể được công bố trong tuần này bao gồm tăng cường cung cấp đạn pháo và radar phản pháo. Các quan chức Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không NASAMS, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 100 dặm (160 km), nhưng quân đội Ukraine vẫn cần phải được huấn luyện sử dụng, một nguồn tin cho biết.
Mỹ đã và đang tăng cường viện trợ an ninh cho Ukraine một cách đều đặn. Đầu tháng này, chính quyền Biden đã công bố viện trợ quân sự bổ sung 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp thêm pháo, đạn dược và các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển. Tuần trước, chính quyền Biden lại thông báo viện trợ quân sự bổ sung 450 triệu USD, nâng tổng số viện trợ quân sự cho Ukraine lên 6,1 tỷ USD. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đợt viện trợ vũ khí trang bị mới nhất bao gồm 4 hệ thống tên lửa đất đối đất nhiều nòng cơ động cao M142 HIMARS, 36.000 viên đạn pháo, 18 xe chiến thuật kéo pháo, 1.200 súng phóng lựu, 2.000 súng máy, 18 tàu tuần tra ven biển và sông, phụ tùng và các thiết bị khác.
Một hệ thống NASAMS của Phần Lan (Ảnh: Wiki). |
CNN đưa tin vào tuần trước rằng Mỹ đánh giá cuộc chiến Nga-Ukraine ở miền Đông Ukraine có thể biến thành một cuộc chiến lâu dài và gian khổ, với cả hai bên đều chịu thương vong lớn và tổn thất trang thiết bị. Quan chức Mỹ tin rằng quân Nga có kế hoạch pháo kích và ném bom ác liệt miền Đông Ukraine với mục đích làm cạn kiệt tinh lực của quân đội Ukraine và quyết tâm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
CNN chỉ ra rằng, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục tiêu thụ khí tài đạn dược thời Liên Xô. Ở giai đoạn này, các nước phương Tây đứng trước sự lựa chọn khó khăn, đó là có nên tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine hay không. "Chúng ta sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới cung cấp khoản viện trợ lịch sử ủng hộ cuộc chiến đấu vì tự do của Ukraine", ông Biden viết trong một chuyên mục của The New York Times vào tháng trước.
Một số quốc gia đang dao động
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra vào lúc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn, vào ngày 27/6 theo giờ địa phương, ông Zelensky chuẩn bị có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7. BBC lưu ý rằng xung đột Nga-Ukraine là chủ đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị G7; các nước dự kiến sẽ cam kết hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong hội nghị thượng đỉnh ngày 26/6 rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào Kiev cho thấy "việc cùng nhau ủng hộ người Ukraine là đúng đắn". Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn chia rẽ NATO và G7 ... nhưng chúng ta không và sẽ không chia rẽ."
Ngày 25/6, quân Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Severodonesk. |
Tuy nhiên, phóng viên BBC James Landale, người đang dự hội nghị thượng đỉnh G7, lưu ý rằng sự thống nhất của phương Tây trong cuộc chiến đã bị lung lay trong những tuần gần đây, với một số nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự ủng hộ lâu dài đối với Ukraine trong khi một số nhà lãnh đạo lại thảo luận về mối quan hệ lâu dài với Nga.
BBC đã chĩa mũi dùi vào Pháp, nói rằng khi áp lực chính trị trong nước gia tăng, một số quan chức chính phủ Anh đặc biệt lo ngại rằng Pháp đang "mất hứng thú về một cuộc chiến tranh lâu dài".
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia, (National Advanced Surface-to-Air Missile System NASAMS) được Kongsberg Defense & Aerospace của Nauy và Raytheon của Mỹ hợp tác phát triển, là ứng dụng phát triển đầu tiên của tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 trên mặt đất. Mỗi hệ thống hoàn chỉnh bao gồm các bệ phóng (mỗi bệ phóng có 6 đạn tên lửa) có thể kéo bằng các xe ô tô, xe radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/MPQ-64 Sentinel, xe mang cảm biến quang - hồng ngoại thụ động MSP-500, xe điều khiển bắn FDC và xe tiếp đạn.
Tổng cộng có 7 quốc gia hiện đang sử dụng NASAMS, bao gồm hệ thống phòng không của Vùng thủ đô quốc gia Mỹ, Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, v.v.). NASAMS hiện cũng là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa được triển khai rộng rãi nhất trong số các nước NATO.
Một khi Ukraine vận hành được tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, được coi sẽ là phần bù đắp đáng kể cho năng lực phòng thủ bầu trời của Ukraine vốn đã bị Nga làm cho thiệt hại nghiêm trọng.