Bệnh nhân M.J.J., 33 tuổi, người Mỹ, bị tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu, phải đặt ống nội khí quản để duy trì thở. Trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu.
Các bác sĩ chuyên Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ, lấy máu tụ giải tỏa não cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: BVCC)
|
TS.BS. Bùi Huy Mạnh - người trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân M.J.J.- cho biết: Máu tụ dưới màng cứng cấp tính thường biểu hiện các triệu chứng như đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, cứng gáy, tăng trương lực cơ, co giật động kinh, hôn mê. Nếu không được xử lý sẽ gây tổn thương hệ thần kinh và dẫn tới tử vong. Hầu hết các trường hợp chấn thương sọ não nguy hiểm do tai nạn, đặc biệt do tai nạn giao thông, nếu không xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh hoặc để lại di chứng cả đời.
Sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực 2 để điều trị với tình trạng sốt 38˚C, an thần thở máy, đồng tử phải 2 mm, đồng tử trái 1mm, phản xạ ánh sáng dương tính, glasgow cải thiện 7 điểm, phổi thông khí đều 2 bên, bão hòa oxy (SpO2) 100%. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng phương pháp an thần, thở máy (thở máy qua mở khí quản), thuốc vận mạch, kháng sinh theo phác đồ (cấy vi sinh dịch phế quản, kết quả: Klabsiella pnenmonise, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginasa), nuôi dưỡng, chăm sóc tích cực.
Sau 22 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức, bệnh nhân đã chuyển biến tốt, được cai thở máy và cắt thuốc vận mạch. Ngay khi tình trạng ổn định, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện.
Bệnh nhân J. được chuyển ra sân bay (Ảnh: BVCC)
|
Khi được kiểm tra lại, các bác sĩ đánh giá vết mổ của bệnh nhân sẹo liền tốt, chụp CT sọ não hình ảnh khuyết xương sọ đỉnh thái dương. Bệnh nhân được các chuyên gia phẫu thuật thần kinh sọ não hội chẩn và chỉ định mổ lần 2 với phương pháp tạo hình hộp sọ bằng xương tự thân.
Hiện, bệnh nhân có thể tiếp xúc được cơ bản, các chỉ số sinh tồn ổn định, không liệt thần kinh, không sốt. Kiểm tra sau phẫu thuật 1 tuần vết mổ liền tốt, bệnh nhân được ngừng thuốc hoàn toàn và cắt chỉ vết mổ. Phim chụp CT kiểm tra thấy tình trạng não ổn định, xương sọ ghép tốt, dãn nhẹ não thất nhưng không có chỉ định can thiệp phẫu thuật.
Do bệnh nhân M.J.J. vào viện từ tháng 4/2020 - thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều ở Hà Nội và cả nước, bệnh nhân không có người thân đi cùng chăm sóc và cũng không thể giao tiếp được, hết hạn visa từ ngày 26/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gửi thông báo tới Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, Đại sứ quán Mỹ để liên hệ tìm người nhà bệnh nhân tại Mỹ và tìm biện pháp hỗ trợ.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chụp ảnh lưu niệm với bệnh nhân J. (Ảnh: BVCC)
|
Nhờ sự chăm sóc tích cực của các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng những người bạn tại Việt Nam, ngày 18/8, ông J. được làm thủ tục ra viện. Đoàn hỗ trợ do PGS.TS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cùng các đồng nghiệp đã hộ tống bệnh nhân ra sân bay để trở về nước.
GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Bệnh viện đang gỡ nhiều “nút thắt” để làm sao phát triển trở thành một cơ sở điều trị theo yêu cầu tầm cỡ quốc tế, thu hút được người Việt Nam ở nước ngoài về nước chữa trị hay bệnh nhân nước ngoại lựa chọn ở lại Việt Nam để điều trị.
Với tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cứu sống, tận tâm chăm sóc, tạo điều kiện hết sức hỗ trợ trong thời gian người bệnh chữa trị tại bệnh viện, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tạo thêm niềm tin vào chất lượng điều trị, khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.