Lời cảnh báo được đưa ra trước tình trạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, chấn thương đầu song không đến bệnh viện điều trị kịp thời do nạn nhân còn tỉnh táo, cho rằng chỉ bị va đập nhẹ, không bị tổn thương nặng.
Gần đây nhất, Bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhân N.Q.D (43 tuổi), có khối máu tụ lớn trong sọ do bị chấn thương đầu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mổ lấy máu tụ cho ông D., ông đã tỉnh táo, có thể giao tiếp, tuy nhiên sẽ phải chịu di chứng nặng sau ca mổ.
Ông D. bị ngã xe, có chấn thương đầu nhẹ. Sau đó, ông D. vẫn tỉnh táo nên vẫn ổn và tự đi xe về nhà rồi nằm ngủ. Đến khi người vợ phát hiện thì ông D. cho biết chỉ thấy đau đầu. Sáng hôm sau, thấy gọi mãi mà ông D vẫn không tỉnh, gia đình mới vội ông D. thì mới đưa ông tới Bệnh viện.
Tại sao ông D vẫn tỉnh sau khi ngã xe? Có phải sau khi ngã xe bị chấn thương sọ não mà tỉnh thì nguy hiểm hơn? Khi nào đưa nạn nhân tới bệnh viện để giảm tỷ lệ tử vong và di chứng?
Bác sĩ Đồng Văn Hệ cho biết, khối máu tụ trong sọ sẽ hình thành từ từ. Sau khi gặp chấn thương nhẹ, khối máu tụ còn nhỏ nên người bệnh vẫn tỉnh do cơ chế tự điều chỉnh của não bộ.
Cho đến lúc khối máu tụ to hơn, áp lực trong sọ tăng dần và khiến người bệnh lơ mơ, hôn mê, liệt; gia đình mới đưa tới bệnh viện thì thường quá muộn.
Do đó, dù nạn nhân bị chấn thương đầu tỉnh táo hoặc đã bất tỉnh, đều cần phải tới bệnh viện để khám.
“Nhất là những người bệnh hôn mê, hay tỉnh những không nhớ tại sao họ ngã, khi nào họ ngã, hay ngã ở đâu. Không phải những người bệnh bị chấn thương sọ não tỉnh táo thì nguy hiểm hơn, mà những người còn tỉnh thì có nhiều cơ hội cứu sống hơn, nhiều cơ hội không bị di chứng hơn. Chỉ các bác sĩ, điều dưỡng mới phát hiện những dấu hiệu kín đáo khi bệnh nhân có khối máu tụ nhỏ, điều trị kịp thời cho nạn nhân” – Bác sĩ Đồng Văn Hệ cho biết.