Vụ tranh chấp bằng sáng chế kéo dài 7 năm giữa Samsung Electronic và Apple đã đi đến hồi kết. Theo nguồn tin của Bloomberg, đại diện hai bên đã giàn xếp vụ kiện cáo cuối cùng ngày 28/6, sau vô số tranh chấp pháp lý giữa 2 công ty trên cả 4 châu lục. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết về các điều khoản thỏa thuận, cả Samsung Electronic và Apple đều từ chối trả lời.
Chuỗi các vụ kiện về giữa hai gã khổng lồ của giới công nghệ hiện đại bắt đầu được châm ngòi từ năm 2011, khi cố CEO Apple Steve Jobs đe dọa sẽ “hủy diệt” đối thủ mới nổi sử dụng hệ điều hành Android.
Mặc dù tất cả các công ty luôn cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường smartphone, nhưng mâu thuẫn giữa Apple và Samsung sâu đậm nhất. Apple từng đưa ra cáo buộc rằng Samsung “sao chép” thiết kế của iPhone. Trong khi một luật sư của Samsung từng chỉ trích Apple là “quân đội thánh chiến tư tưởng cực đoan” (Jihadist). Hai công ty đã tiêu tốn khoản phí hàng triệu USD để theo đuổi các vụ kiện và chi trả cho đội ngũ quan sát viên để chứng minh họ mới là hãng dẫn đầu.
Apple và Samsung: Hai đại kình địch
Ảnh: 9to5mac
|
Luật sư về bằng sáng chế Paul Berghoff tại Chicago, người đã theo dõi các vụ kiện giữa Apple và Samsung Electronic trong nhiều năm qua nói: “Họ (Apple và Samsung Electronic) như những võ sĩ Sumo mệt mỏi sau trận đấu”. Ông giải thích: “Cả hai có vẻ như đã mệt mỏi và nhận ra họ nên ngừng chi trả khoản phí cho các luật sư. Nhưng chúng ta không thể biết ai đã chớp mắt trước, ai đã đưa ra đề xuất này”.
Ông Berghoff cho biết vụ lùm xùm với Samsung chỉ là một phần trong “lịch sử cổ đại” về các tranh chấp pháp lý của Apple. Hãng sản xuất iPhone đã bị lôi vào một cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ USD để mua lại bản quyền thiết kế chip của Qualcomm. Vụ tranh chấp đó liên quan tới nhiều công ty gia công thuê cho Apple và đã phải nhờ tới sự can thiệp của Ủy ban Thương Mại Liên bang Mỹ.
Đối với nhiều người, iPhone đã tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường smartphone khi CEO Steve Jobs công bố lần đầu vào năm 2017. Ông đã ví chiếc iPhone thế hệ thứ 1 như một loại “ma thuật”, cùng lời cảnh báo “chúng tôi đã đăng ký sáng chế”.
Samsung, để tiếp tục duy trì vị thế của mình trên thị trường, phải thích nghi nhanh chóng khi người dùng bắt đầu quan tâm tới những chiếc iPhone với kiểu dáng đẹp và dễ sử dụng. Hãng điện thoại Hàn Quốc không ngừng tung ra video chế nhạo Apple.
Bức tranh toàn cảnh của thị trường công nghệ đã thay đổi đáng kể từ sau vụ tranh chấp, Apple đã mở rộng phân khúc sản phẩm của mình, từ mẫu iPhone giá rẻ tới mẫu có giá 1000 USD, với giao diện cải tiến, màu sắc đa dạng và thao tác sử dụng mới. Samsung thì tung ra vô số các mẫu máy mới với màn hình cong và cảm biến võng mạc Iris Scanner.
Ảnh hưởng của các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc
Có thể khẳng định, Apple và Samsung Electronic vẫn đang vượt xa doanh số bán hàng trên toàn cầu. Trong khi, sự phát triển nhanh chóng của các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, Oppo... đang dần chiếm đi thị phần của Samsung thì Apple vẫn khá ổn định.
Trong Q1 năm 2018, Apple nắm giữ 16% thị trường smartphone, trong khi Samsung chiếm 23%. Theo thống kê của IDC vào năm 2012, thị phần của Apple là 19% và Samsung là 30%.
Bloomberg cho biết các vụ tranh chấp bằng sáng chế trên smartphone đã là truyền thống lâu đời của Mỹ. Bất cứ sản phẩm nào của ngành công nghiệp, cho dù là máy bay, radio, máy tính hay tã lót... đều được đăng ký bằng sáng chế. Các công ty sử dụng các bằng sáng chế của họ để hạn chế sự tăng trưởng của các công ty đối thủ. Họ sử dụng bằng sáng chế ràng buộc đối thủ cạnh tranh thay đổi sản phẩm.
Ông Berghoff nói: “Các vụ tranh chấp bản quyền luôn kết thúc bằng một thỏa thuận bởi vì nó có lý. Cuối cùng, khi hai bên đã cảm thấy mệt mỏi, họ sẽ ngồi lại để giải quyết những bất đồng”. Ông Berghofff nói thêm: “Những vụ lùm xùm thế này không thể dập tắt hoàn toàn nhưng bạn vẫn có thể gây ra thiệt hại về tài chính và khiến họ thay đổi công nghệ. Và thi thoảng, bạn lại vô tình giúp họ tạo ra những sản phẩm tốt hơn”.
Những ý tưởng mới
Ảnh: LifeHacker
|
Các công ty sản xuất thiết bị di động trước đây từng tìm cách phát triển những ý tưởng mới trên sản phẩm của họ. Nhưng không rõ liệu những tranh chấp về bằng sáng chế có phải là yếu tố thúc đẩy hay không.
Giáo sư chuyên ngành chống độc quyền và sở hữu trí tuệ tại trường ĐH Luật Rutgers (New Jersey), Micheal Carrier cho biết: “Thứ bạn có thể rút ra trong vụ việc giữa Apple và Samsung là tranh chấp pháp lý không phải phương pháp lý tưởng để giải quyết. Đó là một vụ kiện tụng tốn kém đã diễn ra trong nhiều năm và tôi không rõ họ sẽ thu lại được gì”.
Mặc dù khoản bồi thường từ các vụ kiện không bao giờ đóng vai trò quan trọng đối với lợi nhuận của Apple nhưng theo lời của CEO Tim Cook nói trước tòa hồi năm 2012, công ty “miễn cưỡng phải đưa ra hành động pháp lý sau khi liên tục yêu cầu Samsung ngừng sao chép sản phẩm của mình”.
Vậy Apple thu được gì?
Tháng 5 vừa qua, Tòa án Liên bang Mỹ tại San Jose, California đã đưa ra phán quyết với bản án trị giá 1,05 tỷ USD. Trong đó, 539 triệu USD được trả cho Apple. Đại diện “Táo khuyết” đã tuyên bố vụ kiện “luôn quan trọng hơn tiền” và “chúng tôi sẽ phải tiếp tục bảo vệ thành quả của rất nhiều nhân viên của công ty”. Trong khi đó, phát ngôn viên của Samsung từ chối đưa ra bình luận.
Trước đây, Apple từng khởi kiện HTC và Goolge. Năm 2012, HTC đã đồng ý thanh toán khoản phí bản quyền hàng quý và cam kết không sao chép thiết kế của các sản phẩm Apple. Năm 2014, Apple và Google đã đi tới một thỏa thuận đình chiến và làm việc cùng nhau về các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế.
Chúng ta không thể biết thị trường smartphone sẽ còn phát triển như thế nào nhưng Apple và Samsung có lẽ vẫn sẽ là đại kình địch trong nhiều thập kỷ tới trong nhiều lĩnh vực như xe tự lái, kính thực tế tăng cường, loa thông minh và trí tuệ nhân tạo.