S-400 Nga buộc Mỹ phải “biết điều”, phiến quân Syria hụt hơi hứng đòn

Hiện nay, Mỹ dường như đã ngầm thừa nhận Nga đã loại các chiến đấu cơ có người lái của Mỹ ra ngoài không phận Syria và “chấp nhận luật chơi của họ”. Khi chiến đấu cơ Mỹ bị vô hiệu hóa, Nga tăng cường không kích tiêu diệt các nhóm phiến quân dọc theo tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Hệ thống S-400 thực sự là cơn ác mộng đối với tất cả các đối thủ
Hệ thống S-400 thực sự là cơn ác mộng đối với tất cả các đối thủ

Đây là một cuộc khủng hoảng mới trong các nỗ lực quốc tế chống IS mà phương Tây đổ tội cho Kremlin. Mỹ đã buôc phải đình bay các chuyến bay có người lái làm nhiệm vụ yểm trợ các nhóm phiến quân tại khu vực trọng yếu của Syria do Nga mở rộng lưới phòng không tại đây. Và chính quyền của tổng thống Barack Obama đang tranh luận về việc phải làm gì để đối phó.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã mở rộng trong những tuần gần đây và những động thái triển khai mới nhất của Nga diễn ra trong bối cảnh không có tiến triển nào đáng lưu ý của Mỹ, đã làm gián đoạn các nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn các nhóm phiến quân chống IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, ngay phía tây sông Euphrates.

Đó là một phần quan trọng của chiến trường, được biết trong giới quân sự dưới mật danh Box 4, khu vực các nhóm phiến quân kiểm soát gần đây vẫn nhận được sự yểm trợ của chiến đấu cơ Mỹ.

Thế nhưng hồi đầu tháng 12/2015, Moscow đã triển khai hệ thống tên lửa SA-17 (Buk M-2) và bắt đầu cho radar bắt bám và khóa mục tiêu các máy bay Mỹ, động thái giới chức Mỹ  cho là sự khiêu khích nguy hiểm. Lầu Năm Góc đã buộc phải đình chỉ tất cả các chuyến bay, mặc dù các máy bay không người lái Mỹ vẫn hoạt động tại khu vực. Nga sau đó lại không kích dữ dội các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn.

Trong giới quan chức cao cấp Mỹ đang tranh luận về điều gì phải làm tiếp theo. Vấn đề đủ nghiêm trọng khiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải sang gặp tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng John Dunford cũng thảo luân với tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, phát ngôn viên Bộ tư lệnh không lực Mỹ cho biết. “Việc Nga tăng cường các hệ thống phòng không tối tân tới Syria, bao gồm SA-17  là một minh chứng nữa cho thấy Nga và chính quyền Syria đang tìm cách làm phức tạp chiến dịch của liên minh toàn cầu chống IS”,  ông Tim Smith cáo buộc.

Hệ thống tên lửa Buk-M2
Hệ thống tên lửa Buk-M2 "ngón tay thần chết" (NATO định danh là SA-17) của Nga

Theo Smith, Nga tăng cường các hệ thống tên lửa đã khiến tình hình trên không phận Syria trở nên phức tạp hơn, và không có tiển triển nào trong cuộc chiến chống IS do không có không quân yểm trợ. “Những hành động của Nga và chế độ Syria sẽ không ngăn được liên quân chống IS tại Syria, cũng như các hành động do liên quân tiến hành tại các khu vực đặc biệt tại Syria, nơi IS đang hoạt động”, Smith nói thêm.

Đại úy Jeff Davis, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục các vụ không kích có người lái cũng như không người lái tại các khu vực IS hoạt động tại Syria. Song ông cũng thừa nhận rằng thực tế Nga triển khai các hệ thống phòng không đã khiến các nhiệm vụ của không lực Mỹ trở nên phức tạp.

Tại Washington, các quan chức cấp cao đang thảo luận cách thức đối phó với hệ thống phòng không Nga. Chính quyền Mỹ có thể quyết định nối lại các chuyến bay hỗ trợ các nhóm phiến quân chống IS, nhưng có thể xảy ra những sự cố chết người với quân đội Nga. Hiện nay, Mỹ dường như đã ngầm thừa nhận Nga đã loại các chiến đấu cơ có người lái của Mỹ ra ngoài không phận Syria và “chấp nhận luật chơi của họ”, giới chức Mỹ thừa nhận.

Khi chiến đấu cơ Mỹ bị vô hiệu hóa, Nga đã tăng cường không kích dọc theo tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Chính quyền Obama buộc tội  Nga tấn công các nhóm phiến quân được Mỹ chống lưng chứ không phải IS. Nga cũng tấn công các mục tiêu là các đoàn xe chở hàng nhân đạo từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria (thực chất Nga cáo buộc là xe chuyên chở vũ khí, đạn dược tiếp tế cho phiến quân).

Những động thái trên làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga trên thực địa, tác động tới việc phát động tiến trình hòa bình giữa chính quyền Syria và phe đối lập. Theo thông tin từ Kremlin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hoan nghênh tổng thống Putin và tìm cách hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS. Ông Kerry còn nói Mỹ không theo đuổi việc “thay đổi chế độ” tại Syria. Cuộc đàm phán Mỹ-Nga mới nhất đã không tập trung vào vai trò của Assad. Ông Kerry nói thêm rằng ông đang làm việc để thiết lập một tiến trình chính trị cho phép người Syria tự lựa chọn lãnh đạo của mình.

Trong khi ngoại giao đang diễn ra, quân đội Nga tiếp tục đặt ông Assad vào một vị thế mạnh hơn và kiềm chế hoạt động của liên quân, nhà phân tích Matthew McInnis từng làm việc cho Bộ chỉ huy trung ương Mỹ và hiện là học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét. “Nga đang cố gắng tạo ra các khu vực có thể cho phép Mỹ bay. Người Nga đang gia tăng việc định hình bối cảnh quân sự bằng các hành động của họ”, ông McInnnis nói. Giới ngoại giao phương Tây bảy tỏ lo lắng về việc Mỹ có thể nhượng bộ với Nga và Iran nhiều tới đâu để đạt được một lệnh ngừng bắn, cũng như thỏa hiệp về vai trò Assad. 

Hệ thống S-400 có khả năng khống chế hầu hết không phận Syria, nam Thổ Nhĩ Kỳ, bắc Jorrdan, một phần quan trọng Israel cũng như Lebanon và đảo Cyprus.
Hệ thống S-400 có khả năng khống chế hầu hết không phận Syria, nam Thổ Nhĩ Kỳ, bắc Jorrdan, toàn bộ Israel cũng như Lebanon và đảo Cyprus.

Ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria cho rằng, có thể Nga có động cơ khác trong việc tăng cường chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào khủng hoảng kể từ khi Thổ bắn hạ máy bay Nga gần biên giới nước này hồi tháng trước. Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ quan tâm tới khu vực Box 4 tại Syria vì Ankara đang chống lưng các nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni tại đây, có sự phối hợp với Mỹ. “Nga đang làm việc việc này nhằm gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này sẽ gây ra vấn đề đối với chương trình của CIA”, ông Ford cho biết.

Hiện tại số lượng chuyến bay của Mỹ yểm trợ các nhóm phiến quân Syria tại khu vực này không lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phản đối tăng cường chiến dịch không kích tại khu vực này với hai lý do: một số nhóm phiến quân không đáng tin cậy, bao gồm các lữ đoàn Hồi giáo như Mặt trận al-Nusrah. Ông Carter thích chiến lược ủng hộ vũ khí cho người Kurd tại Syria và giúp họ kiểm soát lãnh thổ biên giới hơn.

Tuy nhiên, phiến quân Arab Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn người Kurd kiểm soát Box 4, vì sau đó người Kurd có thể lập ra một nhà nước tự trị trải dài từ biển Địa Trung Hải tới biên giới Iran-Iraq, ông Ford nhận định.

Thành công của bất cứ nỗ lực nào của liên quân do Mỹ lãnh đạo buộc Assad phải ngồi vào bàn đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc gây áp lực với chính quyền Syria. Tuy nhiên vào thời điểm then chốt này, Mỹ lại không chỉ bị giảm sức ép, mà còn ngầm công nhận áp lực của Nga.

* Lược dịch bài viết của các tác giả Josh Rogin và Eli Lake trên Bloomberg

Theo QPAN