Ra đòn Syria, Nga đẩy Mỹ "châm lửa" mặt trận mới ở Trung Đông

VietTimes -- “Trung Đông đã trải qua một giai đoạn với nhiều sự kiện quan trọng. Nổi bật nhất là thắng lợi quân sự đầy ý nghĩa của quân đội Syria do Nga hỗ trợ trước các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria với sự yểm trợ từ hỏa lực tầm xa dữ dội của không quân và hải quân Nga trút xuống phiến quân IS cố thủ gần Deir Ezzor”, Finian Cunningham nhận định trên Văn hóa Chiến lược (SC) mới đây.
Hình ảnh quân đội Syria (ảnh: Strategic Culture Foundation)
Hình ảnh quân đội Syria (ảnh: Strategic Culture Foundation)

Cũng trong thời gian này, Tổng thống Nga Putin được Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei chào đón tại thủ đô Tehran của Iran để tham dự một cuộc họp xoay quanh cục diện mới của quyền lực địa chính trị trong khu vực.

Ra đòn Syria, Nga đẩy Mỹ "châm lửa" mặt trận mới ở Trung Đông  ảnh 1Tổng thống Nga Putin gặp mặt Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei tại Tehran (ảnh: Yahoo) 

Sau đó, vào ngày 4/11, thủ tướng Lebanon được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn là Saad Hariri đã bất ngờ tuyên bố từ chức. Không thật bất ngờ với những ai đang theo dõi sát các sự kiện. Ông Hariri đã có bài phát biểu gây bão ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út, cáo buộc Iran và đồng minh của Iran ở Lebanon là Hezbollah "làm mất ổn định" đất nước Lebanon và thậm chí còn âm mưu ám sát ông.

Iran lên án động thái của Hariri là "hành vi cốt để thu hút sự chú ý" và đề cao một chương trình nghị sự chính trị do Washington và các đồng minh trong khu vực là Ả Rập Xê-út và Israel sắp đặt, nhằm mục đích bôi nhọ Iran và Hezbollah.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun, người có mối quan hệ khá tốt với Iran và Hezbollah, không hề hài lòng với tuyên bố tạm biệt của thủ tướng được truyền hình từ thủ đô của Ả Rập Xê-út. Ông Aoun phát biểu khá lạnh lùng rằng ông hy vọng Hariri sẽ sớm trở lại Lebanon để giải thích về việc từ chức trong khi đang ở nước ngoài. Tổng thống Lebanon cũng đã bác bỏ cáo buộc của Hariri rằng Iran can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ông.

Trong khi đó, cùng lúc với những chuyện ầm ĩ này, các nhà cầm quyền Ả Rập Xê-út đã mở một chiến dịch nhằm vào các đối tượng thù địch trong vương quốc dưới vỏ bọc của một "cuộc đàn áp chống lại tham nhũng". Hàng chục hoàng tử Ả Rập Xê-út cùng các bộ trưởng đương nhiệm và cựu bộ trưởng đã bị bắt giữ hoặc cách chức trong một động thái củng cố quyền lực của vua Salman và con trai, thái tử Mohammed bin Salman.

Theo Cunningham, các tin tức được phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải có khuynh hướng miêu tả vẻ bề ngoài của những động thái này, cho rằng đó là một cuộc dọn dẹp chống tham nhũng. Trong khi, sự thật là chế độ Ả Rập Xê-út đang tập trung thâu tóm toàn bộ quyền lực bằng cách loại bỏ những đối thủ phát hiện thấy trong nước. Động thái đó sẽ chỉ làm cho Hoàng tộc Ả Rập Xê-út trở nên không an toàn và bất ổn khi giữ chặt quyền lực tuyệt đối, chuyên gia Cunningham cảnh báo.

Tất cả gây ra sự nhốn nháo của các đối tượng thù địch, những người biết ngày tàn của họ đang đến gần. Giống như việc thay đổi ghế ngồi khi con tàu Titanic sắp sửa chìm xuống. Đó là một nỗ lực táo bạo song có thể vô ích, để né tránh những điều chắc chắn xảy ra.

Một thực tế không thể tránh khỏi là Syria được cứu thoát khỏi trục do Mỹ lãnh đạo và kế hoạch thâm hiểm nhằm lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad của Mỹ. Cuộc chiến đẫm máu 6 năm che đậy mục tiêu thay đổi chế độ của Mỹ đã thất bại, phần lớn là nhờ sự can thiệp có nguyên tắc của Nga, Iran và Hezbollah trong khi trợ giúp nhà nước Syria.

Theo ông Cunningham, trong chuyến thăm Tehran vào tuần trước, đối thoại giữa ông Putin với Lãnh tụ Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cho thấy rõ rằng Nga - Iran là lực lượng thống trị mới ở Trung Đông. Trục do Mỹ dẫn đầu và chương trình nghị sự của Mỹ về đòi quyền kiểm soát thông qua xung đột phe phái và hỗn loạn rõ ràng đang suy tàn. Syria tượng trưng cho thất bại nặng nề đối với trục do Mỹ dẫn đầu, song lại là một minh chứng lớn lao cho những trợ giúp ổn định khu vực quan trọng chiến lược này của Nga, Iran và Hezbollah.

Thủ tướng Lebanon vừa xin từ chức Saad Hariri rõ ràng là đang nỗ lực tuyệt vọng để nắm lấy cơ hội cuối cùng. Nhưng việc này không phải do ông Hariri nghĩ ra. Hariri - người có cả quốc tịch Ả Rập Xê-út và Lebanon, bị cho là đang tuân theo mệnh lệnh của những người thao túng điều khiển chính trị ở trục của Mỹ. Bằng cách cáo buộc Iran và Hezbollah gieo rắc mâu thuẫn và âm mưu ám sát mình, ông Hariri đang cố gắng khiến đất nước mình chịu nguy cơ lại rơi vào một cuộc nội chiến.

Ra đòn Syria, Nga đẩy Mỹ "châm lửa" mặt trận mới ở Trung Đông  ảnh 2Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã tuyên bố từ chức ngày 4/11 vừa qua (ảnh: Wall Street Journal)

Ông Saad Hariri, 47 tuổi, một doanh nhân tỷ phú có cha là Rafic Hariri đã bị giết hại trong một vụ nổ bom xe tải năm 2005, đang thổi bùng căng thẳng giữa các phe phái ở Lebanon. “Phong trào Tương lai” do Ả Rập Xê-út tài trợ của ông Saad Hariri thường quy trách nhiệm cho Hezbollah về cái chết của cha ông 12 năm trước. Song đến giờ vẫn chưa rõ kẻ thực sự đã sát hại Rafic Hariri. Hezbollah luôn phủ nhận có bất cứ dính líu nào. Vụ ám sát ông Rafic Hariri rất có thể là một sự kiện giả định do CIA và Mossad tiến hành để bôi nhọ Hezbollah, kích động chủ nghĩa bè phái khu vực và phỉ báng Iran, ông Cunningham nhận định.

Ông đánh giá việc thủ tướng Lebanon Saad Hariri từ chức đột ngột vừa qua có vẻ giống một nỗ lực nhằm kích động sự giận dữ giữa các phe phái ở Lebanon và là một phần nhỏ của bước đầu thay đổi chương trình gây mất ổn định trong khu vực do Mỹ lãnh đạo.

Sau khi nhận thấy âm mưu của mình ở Syria tan tành, Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang nỗ lực để chuyển sang một chiến trường khác.

Việc chính quyền tổng thống Donald Trump đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng trước và Washington áp đặt lệnh trừng phạt song phương mới với Iran, dựa trên cáo buộc không mấy thuyết phục là Iran hỗ trợ khủng bố đều nhất quán với nỗ lực mở ra một chiến trường mới cho xung đột.

Chính quyền ông Trump cũng đang tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Hezbollah dựa trên những âm mưu khủng bố bị cáo buộc là chống lại Mỹ. Cho rằng Hezbollah là một phần trong chính phủ liên minh của Lebanon, các biện pháp trừng phạt của Washington sẽ thổi bùng những căng thẳng chính trị và xã hội ở Lebanon.

Một lần nữa, quốc gia Địa Trung Hải nhỏ bé này lại phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc nội chiến để thỏa mãn tham vọng địa chính trị của Mỹ, Ảrập Xê-út và Israel. Những vết sẹo từ cuộc nội chiến giữa các phe phái tôn giáo trong quá khứ của Lebanon (1975-90) vẫn còn nhức nhối. Vậy mà ông Hariri, cùng những người thao túng ông ở Mỹ và Ả Rập Xê-út, lại đang cố tình khoét vào những vết thương đó.

Tất cả là vì trục do Mỹ lãnh đạo không thể chấp nhận sự thật đã hứng chịu một thất bại lịch sử tại Syria dưới tay quân đội của ông Assad, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển xung đột sang nơi khác không phải là một động thái khôn ngoan như trong suy nghĩ của các nhà cầm quyền, ông Cunningham phân tích. Đầu tiên, khu vực và thế giới đã nắm được nhiều tin tức hơn về chương trình nghị sự tài trợ cho khủng bố và phe phái của Washington và đồng minh. Những nhân vật như Saad Hariri đã lộ rõ bản chất thực sự. Đôi khi đó là những con rối vì lợi ích cá nhân mà không hề lo lắng cho vận mệnh của đất nước mình.

Không chỉ Washington bị vạch trần là nguồn gốc của xung đột ở Trung Đông, các chế độ bị Mỹ sai khiến cũng bị lôi ra ngoài ánh sáng. Theo ông Cunningham, điều đó giải thích tại sao Hoàng gia Ả Rập Xê-út lại đang vội vàng cố gắng ngăn chặn sự bất đồng tiềm ẩn bên trong.

Tất nhiên là nguy hiểm luôn hiện diện. Song Nga vẫn có quyền tự hào khi được tôn vinh vì nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định ở Trung Đông.