Raqqa, “thủ đô” tự tuyên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã sụp đổ vào tuần trước. Đây là một cột mốc trọng đại, nhưng lại giống kết thúc của một sự khởi đầu hơn là mở đầu cho kết thúc của cuộc chiến chống khủng bố.
Một khi tổ chức khủng bố “vương quốc Hồi giáo” tự xưng mất nốt phần lãnh thổ đang giảm nhanh còn lại, IS sẽ quay về hoạt động bí mật và mưu đồ cho ngày trở lại. Đây chính là những gì mà tiền thân của nó (nhóm gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq) đã tiến hành sau khi bị quân đội Mỹ dưới thời ông Bush tiêu diệt phần lớn.
Khi lực lượng quân sự Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011, các viên chức tình báo nước này ước tính rằng Nhà nước Hồi giáo Iraq đã suy giảm chỉ còn khoảng 700 chiến binh. Nhưng mặc dù bại trận trên chiến trường, tổ chức này vẫn chờ đợi thời cơ. Sự kiên nhẫn đã được đền đáp. Khi những người Ả Rập Sunni bị tước quyền công dân ở Iraq và Syria nổi dậy chống lại các chính quyền thù địch và tham nhũng không phải của người Hồi giáo dòng Sunni ở Baghdad và Damascus, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq đã sẵn sàng để lợi dụng tình hình.
Cuộc nổi dậy thắng lợi đã mang đến nhiều kết quả hơn. Đến năm 2013, tổ chức này được tăng cường lực lượng nhờ sự gia nhập ồ ạt của rất nhiều người tự nguyện Syria và nước ngoài, những người đã tập hợp để chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổ chức này đã đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria.
Vào cuối năm 2014, IS đã chiếm được phần lớn miền đông Syria cùng miền tây Iraq, và tuyên bố thành lập một "vương quốc Hồi giáo". IS đã thu hút hơn 40.000 chiến binh nước ngoài gia nhập và cai trị khoảng 10 triệu người ở vùng lãnh thổ rộng ngang bang Maryland của Mỹ.
Hiện nay ước tính tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) còn khoảng 6.000 đến 10.000 chiến binh ở Iraq và Syria. IS kiểm soát khoảng 4.000 dặm vuông (tương đương 10.359 km2) dọc theo sông Euphrates trải dài qua biên giới Syria-Iraq, cũng như những vùng đất gần Damascus, ở trung tâm Syria, và ở miền tây Iraq.
Tuy sắp thất bại về mặt quân sự, IS là một mạng lưới dẻo dai và dễ thích ứng, đã phát triển mạnh mẽ do sự bất ổn của các chế độ cầm quyền ở Baghdad và Damascus bị xem là thù địch và thờ ơ với lợi ích của người Ả Rập Hồi giáo dòng Sunni.
Nếu những chính phủ đó tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu của người Ả Rập Sunni, thì cuối cùng IS hoặc một tổ chức cực đoan tương tự sẽ lại nổi dậy để thách thức họ, ông Phillips khẳng định.
Vòng đấu tiếp theo
Mặc dù "vương quốc Hồi giáo" đang bị phá hủy, hệ tư tưởng của tổ chức khủng bố IS, đã được mạng truyền thông xã hội rộng lớn khuếch đại, sẽ vẫn tồn tại để tiêm nhiễm vào đầu óc những người Hồi giáo trẻ tuổi khác. Thật vậy, IS vẫn đang phát triển lớn mạnh hơn ở châu Phi và châu Á, đặc biệt là ở bán đảo Sinai của Ai Cập, Tây Phi và Philippines. Và tổ chức này vẫn là một mối đe dọa lớn ở châu Âu.
IS đã phái hàng trăm chiến binh đến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ để những phần tử này âm thầm hoạt động và tiến hành các cuộc tấn công phối hợp với những kẻ ủng hộ ở địa phương. Cho đến năm nay, IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về ba vụ tấn công khủng bố giết chết 37 người ở Anh, một vụ đánh bom làm 33 người thiệt mạng ở Istanbul, và các vụ tấn công ở ít nhất 7 quốc gia khác.
Khi vương quốc Hồi giáo sụp đổ ở Syria và Iraq, nhiều quốc gia đối địch và các nhóm địa phương đang đua tranh để thế vào khoảng trống quyền lực.
Chế độ Assad được Iran và Nga hậu thuẫn, đã tuyên bố quyết tâm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria.
Matxcơva quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo an toàn cho miền tây Syria, nơi có căn cứ hải quân và căn cứ không quân của mình. Nhưng không quân Nga vẫn hỗ trợ cho các đội quân của lực lượng dân quân do người Syria và Iran dẫn đầu đang tiến vào tỉnh Deir Ezzor ở phía đông Syria.
Họ đang trong một cuộc chạy đua khốc liệt với lực lượng Dân chủ Syria người Kurd (SDF) được Mỹ hậu thuẫn. Phe nổi dậy do người Kurd lãnh đạo đã chiếm giữ Raqqa, để chiếm lấy các mỏ dầu và khí đốt cùng với các tài sản chiến lược khác.
Iran cũng được thúc đẩy bởi mục tiêu chiến lược là đảm bảo sức ảnh hưởng khắp Iraq và Syria tới Lebanon. Điều đó sẽ cho phép Iran thực hiện tham vọng: củng cố địa vị thống trị khu vực, tăng cường hỗ trợ hậu cần cho lực lượng đại diện chính của nó là Hezbollah ở Lebanon, đồng thời ngăn chặn sự nổi dậy của một tổ chức Hồi giáo cực đoan khác của người Ả Rập Sunni đe dọa đến nó và đồng minh. Ảnh hưởng đó sẽ cho phép Iran giành lợi thế trước Thổ Nhĩ Kỳ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, và đưa quốc gia này vào vị trí tạo ra những mối đe dọa lớn hơn cho Israel.
Tehran đã triển khai hàng nghìn binh sĩ Vệ binh cách mạng, chủ yếu để huấn luyện và tư vấn cho lực lượng dân quân Syria ủng hộ ông Assad. Các vệ binh cũng được tập hợp cùng với khoảng 20.000 chiến binh từ Hezbollah và rất nhiều dân quân Hồi giáo Shiite khác đến từ Iraq, Afghanistan và Pakistan.
Iran hiện đang cố gắng để xoay chuyển tình hình biến động ở Syria, định vị lại chính nó và các đại diện để gây sức ép lớn hơn lên Israel. Một lực lượng dân quân Iraq dòng Shiite do người Iran chỉ huy đã triển khai ở Syria, Hezbollah al-Nujaba, đã thành lập lực lượng "Giải phóng Golan" và tuyên bố công khai rằng sẵn sàng hành động chống lại Israel. Cả Iran và Israel có vẻ như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ở Syria và Lebanon.
Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu đã can thiệp vào Syria để hỗ trợ các phiến quân chống lại chế độ Assad. Hiện giờ Ankara dường như lại tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ biên giới, đánh bại sự nổi dậy của người Kurd ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, và ngăn chặn người Kurd ở Syria thành lập một nhà nước độc lập mà có thể trở thành một nguồn hỗ trợ cho người Kurd theo chủ nghĩa ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự thay đổi sắp tới trong chính sách của Mỹ
Tương lai chính sách của Mỹ như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn ở Syria. Tổng thống Donald Trump cho biết sau khi Raqqa sụp đổ, Mỹ "sẽ sớm chuyển sang một giai đoạn mới" ở Syria và hỗ trợ các lực lượng an ninh địa phương.
Tuy nhiên, phạm vi, quy mô và thời gian hỗ trợ của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt vì Tổng thống Trump đã tỏ thái độ không thích vướng vào các khối liên minh và công cuộc xây dựng đất nước ở Syria.
Mỹ đã triển khai hơn 5.000 lính thuộc lực lượng đặc nhiệm ở Syria và khoảng 5.000 quân nhân ở Iraq, chủ yếu giữ các vai trò huấn luyện và cố vấn.
Các quan chức Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch chống lại IS. Họ sẽ hỗ trợ cuộc tấn công của SDF nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng khủng bố IS bằng cách tiến dọc theo sông Euphrates về phía biên giới Iraq, nơi mà họ dự kiến sẽ liên kết với các lực lượng Iraq đang tiến sang phía bên kia biên giới.
Nhưng những kế hoạch này có lẽ đã bị bước tiến nhanh chóng của lực lượng Syria và Hezbollah do Iran dẫn đầu phá vỡ. Nhờ sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của Nga, những đội quân này đã cắt đứt đường tiến công trực tiếp nhất của SDF về phía Al Bukamal, một thành trì chiến lược của IS ở gần biên giới.
Một diễn biến đặc biệt quan trọng là việc Nga xây dựng cầu phao, giúp các lực lượng do Iran hậu thuẫn có thể vượt qua sông Euphrates và ngăn không cho các chiến binh SDF tiến dọc theo con đường ở bờ phía đông của con sông. Theo ông Phillips, việc vượt sông báo hiệu sự hỗ trợ của Nga đối với những nỗ lực của Iran nhằm tạo ra một cầu lục địa an toàn từ Tehran đến Damascus. Điều này cũng vi phạm thỏa thuận giảm xung đột giữa Washington và Matxcơva.
Chính quyền ông Trump phải quyết định làm cách nào để đẩy lùi động thái đối đầu tăng dần của Nga ở Syria. Ngoài ra còn phải quyết định làm thế nào để kiềm chế và làm giảm ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran tại Syria và những nơi khác.
SDF do người Kurd chỉ huy là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất ở miền đông Syria. Nhưng SDF cũng cho thấy các vấn đề chính trị đối với Washington. Phần lớn người dân Ả Rập ở Raqqa nghi ngờ người Kurd và lo sợ rằng lực lượng người Kurd sẽ bắt họ phải chịu một thời kỳ chiếm đóng mới, thay vì giải phóng họ khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Sự hỗ trợ của Mỹ cho SDF cũng gặp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO đang chiến đấu chống lại Đảng Lao động người Kurd (PKK) đã bị Mỹ và Liên minh Châu Âu chỉ rõ là một tổ chức khủng bố. Người Kurd ở Syria đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách giơ cao băng-rôn khổng lồ ở Raqqa có hình lãnh đạo PKK Abdullah Ocalan, người đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tội khủng bố.
Cam kết của chính quyền Trump đối với SDF do người Kurd lãnh đạo sâu sắc và bền vững như thế nào? Điều này vẫn chưa rõ. Song ông Phillips cho rằng liên minh này là lựa chọn khả thi nhất hiện nay để ngăn chặn sự hợp nhất quyền kiểm soát của Iran và Syria đối với miền đông Syria, nhưng nó cũng có thể phá hoại các mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và với cộng đồng người Ả Rập dòng Sunni, những người sẽ sớm nổi giận với sự cai trị của người Kurd.
Theo chuyên gia Phillips, điểm mấu chốt là dù có hay không có SDF, Washington vẫn phải tiếp tục can dự vào Syria và Iraq sau thất bại quân sự của IS. Ông nhận định đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự tái xuất hiện của IS, cũng như đối phó những nỗ lực của Iran trong việc xoay chuyển tình hình biến động trong khu vực trở nên thuận lợi hơn cho lợi ích của chính nước này.