2 ca ghép ruột thành công -tiến bộ của Y học nước nhà
Ngay sau khi nhận được thông tin về Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện thành công 1 ca ghép ruột, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi thư chúc mừng các bác sĩ của Bệnh viện.
Theo ông Long, thành công này thể hiện năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 103 nói riêng và ngành Y tế nói chung; thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà. Việc thực hiện ghép ruột cho bệnh nhân từ người sống rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Bộ Y tế đánh giá cao sự chủ động tìm tòi, học hỏi của đội ngũ y bác sĩ đã làm chủ kỹ thuật ghép ruột từ người cho sống, thực hiện thành công cho cả hai bệnh nhân. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Bệnh viện Quân Y 103, khẳng định những tiến bộ về Y học của Việt Nam.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Với việc thực hiện thành công 2 ca ghép ruột, tập thể lãnh đạo Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân y 103 đã hợp tác hiệu quả với Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản triển khai thành công đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”. Đây là một thành quả có ý nghĩa trong việc làm chủ kỹ thuật ghép ruột tại Việt Nam, thể hiện những tiếp nối thành tựu trong lĩnh vực ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tụy - thận, ghép phổi của Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân Y 103 - một trong những trung tâm ghép tạng lớn của Quân đội và cả nước.
Gần 100 bác sĩ tham gia ghép ruột cho 2 bệnh nhân
2 ca ghép ruột từ người sống được Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện ở 2 bệnh nhân có chỉ định về ghép ruột.
Bệnh nhân thứ nhất là anh N.V.D., 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột. Trước khi phẫu thuật, ruột non của anh D. chỉ còn lại khoảng 80 cm trong khi ruột non của một người bình thường dài từ 5-9 m.
Ngày 2/5, anh D. được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng.
Trường hợp thứ 2 được ghép ruột là anh L.V.T., 26 tuổi, người dân tộc Thái. Đầu tháng 9, anh T. bị viêm phúc mạc do hoại tử gần toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên, Lai Châu phẫu thuật cấp cứu cắt gần như toàn bộ ruột non. Vì thế, chiều dài ruột non còn lại của anh chỉ dài 20 cm, dẫn đến tình trạng sức khoẻ suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3.
2 ca mổ ghép ruột được các bác sĩ thực hiện liền nhau trong 2 ngày (Ảnh: BVCC) |
2 ca mổ ghép ruột được thực hiện liền nhau trong 2 ngày (27 – 28/10). Để chuẩn bị cho tất cả các khâu của ca ghép ruột, gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế tại Bệnh viện Quân y 103 đã được huy động. Cùng với đó, ca phẫu thuật còn có sự phối hợp của chuyên gia ghép tạng người Nhật Bản – GS. Motoshi Wada ở Bệnh viện Đại học Tohoku.
Trung tướng Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân Y 103 - cho biết: Khó khăn trong ca mổ của bệnh nhân L.V.T. là phần ruột ghép có 2 tĩnh mạch, nên phải tiến hành 2 miệng nối tĩnh mạch. Trong khi đó, với bệnh nhân N.V.D., ê kíp phẫu thuật gặp thử thách trong việc cố gắng giữ gìn ruột, do ruột non của bệnh nhân giãn mỏng – mất trương lực, thành mủn nát”.
Trước đó, từ năm 2018, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân Y đã được cử sang Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản để học tập kỹ thuật ghép ruột. Tại Nhật Bản, các bác sĩ đã giải phẫu xác để nghiên cứu đường đi của động mạch, tĩnh mạch ở ruột, đồng thời, tiến hành nhiều cuộc ghép thực nghiệm trên lợn, gà để thuần thục các kỹ thuật như rửa tạng, ghép tạng,…