Theo lời của cựu Bộ trưởng Kinh tế Slovakia, Karel Hirman, dòng chảy khí đốt tự nhiên qua đường ống Druzhba đã suy giảm sau khi quân đội Ukraine kiểm soát trạm Sudzha thuộc khu vực Kursk của Nga.
Các báo cáo cho thấy kể từ khi hàng nghìn binh lính Ukraine vượt qua biên giới và đến Sudzha trong hôm 6/8, nhiều trận chiến quyết liệt đã xảy ra tại khu vực này.
"Việc cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine tới Slovakia đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng", ông Hirman cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 8/8, đồng thời nhấn mạnh rằng dòng chảy đã giảm xuống còn 37,25 triệu mét khối, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Trước đó, theo ông Hirman, đường ống vẫn luôn đạt ngưỡng ổn định ở mức 42 triệu mét khối.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sau khi tham gia cuộc họp báo ở Bratislava hôm 7/8, nơi ông từng đưa ra dự báo về việc dòng khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine có thể "bị ngừng hoàn toàn" do các cuộc giao tranh.
Công ty cung cấp khí đốt SPP của Slovakia khẳng định đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong nhiều năm và đã xem xét các nguồn thay thế.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Mikhail Podoliak, công khai mục tiêu chính thức của chiến dịch này là để gieo rắc "nỗi sợ hãi" trong dân chúng Nga.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, đã kêu gọi Mỹ "kiềm chế các phần tử tân phát xít trong quân đội Ukraine" và ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể, chỉ tuyên bố rằng họ đã liên hệ với Kiev để tìm hiểu thêm thông tin.
Mặc dù xung đột Nga-Ukraine đã bùng nổ từ tháng 2/2022, Gazprom, công ty khí đốt lớn của Nga, vẫn tiếp tục cung cấp năng lượng qua lãnh thổ Ukraine và trả phí vận chuyển cho Kiev, điều này phần nào đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine gần đây đã nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu của Nga.
Sudzha là trạm đo khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga. Đầu năm 2022, Ukraine đã đóng cửa trạm Sohranovka ở Donbass. Đến tháng 8 cùng năm, Kiev yêu cầu toàn bộ dòng khí đốt phải được chuyển hướng qua Sudzha, nhưng Moscow đã từ chối yêu cầu này.
Tháng tiếp theo, các đường ống Nord Stream nối giữa Nga và Đức đã bị phá hoại và hư hỏng nặng. Không ai chính thức nhận trách nhiệm về các vụ nổ này, mặc dù Mỹ đã cố gắng đánh lạc hướng bằng cách đổ lỗi cho những "phần tử bất hảo" của Ukraine.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu