Ủy ban quan hệ với nước chủ nhà (Committee on Relations with the Host Country), một cơ quan gồm 19 thành viên chuyên điều tra các vấn đề về vai trò của Mỹ với tư cách nước đặt trụ sở LHQ, có ghi nhận một đơn khiếu nại từ một đại diện của Triều Tiên nói về “an ninh của phái đoàn và sự an toàn của các nhân sự của họ”.
“Đại diện của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cho hay, trong tháng trước, phái đoàn của ông đã khẩn cấp đề nghị Ủy ban triệu tập cuộc họp liên quan đến một vụ việc mà thành viên cấp cao trong phái đoàn của ông gặp phải” – báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, vị quan chức này nói rằng, vào chiều tối ngày 29/4/2019, một người đàn ông không rõ danh tính đã đến tòa nhà nơi mà vị quan chức này ở, thả một gói bưu kiện nhỏ ở trước căn hộ của ông và nhanh chóng rời đi.
“Đại diện Triều Tiên nói rằng bưu kiện này chứa một bức thư đe dọa, 2 chai nhỏ được cho là chứa rượu, cùng 3 bức ảnh chụp một garage đậu xe của vị quan chức, bị đánh dấu chữ X bằng phấn” – báo cáo có đoạn – “Vị quan chức nói rằng bức thư có đưa ra yêu cầu vị quan chức trong phái đoàn của ông phải hợp tác với một tổ chức nhất định thông qua mối liên lạc bí ẩn, bằng không an toàn bản thân sẽ bị đe dọa”.
Theo báo cáo, vị quan chức nọ lập tức trình báo vụ việc với Sở cảnh sát New York và đã có vài cuộc gặp với các thanh tra cảnh sát. Tuy nhiên, sau đó phái bộ của Triều tiên nói rằng họ “không nhận được bất cứ thông tin gì từ cuộc điều tra này”.
“Ông còn nêu thêm rằng vụ việc này rõ ràng là mang tính khiêu khích, đe dọa đối với một quan chức cấp cao trong phái đoàn của ông và trực tiếp liên quan tới sự an toàn của nhân sự trong phái đoàn” – báo cáo nêu rõ.
Thất bại trong việc “điều tra nhanh chóng” để “tìm ra thủ phạm và mang chúng ra trước công lý” đã vi phạm Thỏa thuận Trụ sở 1947 đã trao cho thành phố New York tư cách chủ nhà và Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao, trong đó quy định về quyền bảo vệ đặc biệt của các nhà ngoại giao nước ngoài – theo vị quan chức Triều tiên.
Sau khi xuất hiện thông tin về vụ việc trên, đại diện của nhiều nước gồm Bolivia, Cuba, Iran, Nga và Syria đã thể hiện rõ sự quan ngại của họ, đồng thời kêu gọi điều tra chính thức. Nhiều nước trong số này cũng từng tham gia với Triều Tiên chỉ trích các chính sách thị thực của Mỹ là ngăn chặn các nhà ngoại giao của họ vào nước này.
Trả lời về vụ việc trên, một đại diện của Mỹ “tuyên bố rằng nước chủ nhà coi trọng sự an toàn của nhân sự LHQ và cam kết giữ vững Thỏa thuận Trụ sở. Người đại diện cũng nói thêm rằng họ thường xuyên phối hợp với cơ quan hành pháp mỗi khi một mối quan ngại được đặt ra”. Về vụ việc liên quan tới quan chức Triều Tiên, Sở cảnh sát New York “đã được triệu tập và đã bắt đầu một cuộc điều tra”.
Đây không phải lần đầu tiên mà vụ việc tương tự xảy ra với các nhà ngoại giao Triều Tiên trong năm nay. Chỉ vài tháng trước khi vụ việc ở New York xảy ra, và vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Hà Nội, Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha cũng trình báo về vụ việc nhiều kẻ mang mặt nạ, mang theo dao và súng giả ập vào cơ quan của họ, đánh cắp nhiều điện thoại di động và máy tính.
Dẫn một số nguồn tin chính thức, giới truyền thông Tây Ban Nha ban đầu chỉ ra rằng CIA được cho là đứng đằng sau vụ tấn công kể trên, nhưng sau đó một tổ chức chống đối tự gọi mình là Tổ chức Phòng thủ Dân sự Cheollima đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Đây là tổ chức luôn tìm cách lật đổ chính quyền của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo Newsweek