Quả ngọt từ hành trình chạy chữa gian nan của những cặp vợ chồng nghèo, hiếm muộn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thụ tinh nhân tạo miễn phí, đã trở lại cùng những đứa con – khát vọng tưởng như quá xa vời với họ.
Vợ chồng chị Nông Thị Quỳnh và anh Ma Văn Toàn (người Tày) rạng ngời hạnh phúc đón hai bé sinh đôi sau 7 năm mong mỏi.
Vợ chồng chị Nông Thị Quỳnh và anh Ma Văn Toàn (người Tày) rạng ngời hạnh phúc đón hai bé sinh đôi sau 7 năm mong mỏi.

Tại buổi lễ “Công bố và trao quyết định: 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%” của Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức ngày 26/6, những ông bố, bà mẹ đã chia sẻ những câu chuyện ấm áp, động viên những cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh vững lòng trên con đường đầy chông gai để được làm cha, làm mẹ.

Gia đình chị Nông Thị Quỳnh (sinh năm 1995) và anh Ma Văn Toàn (sinh năm 1990), người dân tộc Tày (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) rạng ngời hạnh phúc khi mang 2 em bé sinh đôi, 1 trai, 1 gái mới 1 tuổi, đến dự buổi lễ.

Trao đổi với VietTimes, chị Quỳnh kể về những ngày tháng u buồn trong quá khứ. Năm 2014, anh chị kết hôn nhưng mãi không có tin vui. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết chị Quỳnh bị hội chứng buồng trứng đa nang - một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở nữ giới. Từ đó, anh chị bắt đầu hành trình chạy chữa đầy gian nan.

Hai vợ chồng đều là công nhân ở Phú Thọ. Cuộc sống tuy không dư dả gì nhưng cũng cố gắng tích góp, dành dụm để cắt thuốc mong sớm có con. Rồi 2 lần chị thụ tinh nhân tạo ở một bệnh viện nhưng đều thất bại. Kinh tế khó khăn, lại phải cáng đáng lo toan việc nhà chồng, nên anh chị không đủ khả năng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, mặc dù mong mỏi có con vẫn luôn cháy bỏng.

Đúng lúc tuyệt vọng, thì anh chị biết tin BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức Tuần Lễ Vàng để hỗ trợ các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, nên vội “khăn gói” xuống Hà Nội để nộp hồ sơ. Anh chị bất ngờ khi được là 1 trong 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Ngay lập tức, vợ chồng anh bắt đầu quá trình điều trị tại BV và hai tháng sau, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Quỳnh đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Ngày 15/6/2021, bé Voi và Thỏ (cân nặng 2,6kg/bé) của đôi vợ chồng người dân tộc Tày chào đời trong niềm vui sướng không gì sánh được của gia đình.

Em bé vừa tròn tuổi, mạnh khỏe, ngủ ngoan trong vòng tay bố.

Em bé vừa tròn tuổi, mạnh khỏe, ngủ ngoan trong vòng tay bố.

Nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt người mẹ trẻ Doãn Thị Thu Hoài (sinh năm 1987, ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), khi chị cùng chồng là anh Trần Văn Đức (sinh năm 1987) mang 2 cậu con trai sinh đôi đến để “truyền lửa” cho các gia đình hiếm muộn.

Năm 2014, sau 10 tháng kết hôn, ước mơ về một gia đình trọn vẹn tưởng chừng như đã đóng lại khi anh Đức không may bị tai nạn lao động dẫn đến liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Kinh tế khó khăn, mọi thứ đều dồn hết cho việc điều trị của anh Đức, nên ước mơ được làm mẹ của chị tưởng chừng không bao giờ thực hiện nổi. Chị kể, bị bệnh hành hạ, anh tuyệt vọng, chẳng dám nghĩ đến việc có con, nhưng chính chị, bằng tình yêu và nghị lực mạnh mẽ, đã động viên anh. Đúng giữa giai đoạn khó khăn nhất ấy, anh chị đã nhận được món quà bất ngờ là gói hỗ trợ hoàn toàn chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trong Tuần Lễ Vàng năm 2020. Điều kỳ diệu là cuối cùng, anh chị đã chạm tay tới giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Chị Hoài cho VietTimes biết thêm, thật tình cờ khi ngày 25/6 là sinh nhật tròn 1 tuổi của 2 bé song sinh nhà chị.

Gia đình anh chị Quỳnh – Toàn, Hoài - Đức chỉ là 2 trong số 40 gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí thời gian qua. Mà đáng mừng khi, BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc chuyên môn BV - cho biết: “Đây là năm thứ 4 liên tiếp BV hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn. Trong đó, hơn 85% đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh, dù trước đó họ đã từng chạy chữa nhưng không có kết quả, phải gác hẳn việc điều trị vì áp lực kinh tế đè nặng”.

Hạnh phúc của những gia đình tìm được con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí là động lực lớn với những cặp gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn.

Hạnh phúc của những gia đình tìm được con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí là động lực lớn với những cặp gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn đã đến đây với niềm hy vọng mạnh mẽ, như gia đình chị Hoàng Thị Lai - anh Trần Đình Lý (Nam Đàn, Nghệ An). Kết hôn từ năm 2013, đến nay đã 9 năm vẫn chưa sinh con. Hai vợ chồng đã từng 4 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng đều thất bại. Gia đình làm nông nghiệp, rất khó khăn nên không thể tiếp tục chữa trị, anh chị đành gác giấc mơ có con lại, cho đến khi may mắn có tên trong danh sách được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Thành công từ sự kiên trì, nỗ lực của bản thân họ là nguồn động viên những người hiếm muộn mà hoàn cảnh khó khăn tiếp tục thực hiện giấc mơ dù không dễ dàng.

Trong những người được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm, còn có vợ chồng người dân tộc Êđê – Mường: chị H Dla Buôn Ya - anh Phùng Văn Ba (huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Anh chị kết hôn từ năm 2016, bị hiếm muộn do anh vô tinh. Dù biết nguyên nhân, anh chị cũng không thể điều trị vì kinh tế quá khó khăn, lại phải chăm sóc cụ ông 98 tuổi ở nhà. Hai vợ chồng nghĩ sẽ buông xuôi thì hy vọng lại bùng cháy khi được hỗ trợ 100% kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Hoàn cảnh của chị Trần Thị Thắm - anh Vũ Văn Trường (Yến Lạc, Na Rì, Bắc Kạn) cũng éo le không kém. Anh chị kết hôn từ năm 2012, chị bán vé số, anh cắt tóc, gom góp dành dụm mỗi ngày để lo cho gia đình và chăm sóc bố bị bệnh thận. Suốt 10 năm qua, nỗi khao khát có con luôn âm ỉ trong lòng anh chị. Thế nhưng, mọi khát khao, mọi nỗ lực muốn có con dường như bị ghì lại vì gánh nặng kinh tế.

Nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với hy vọng chạm tay tới giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với hy vọng chạm tay tới giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Miền - anh Vũ Đức Quỳnh (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng nhiều nỗi niềm. Kết hôn từ năm 2014, hai vợ chồng chịu thương chịu khó làm thuê nhưng thu nhập khá bấp bênh. Vì thế, biết rõ mình hiếm muộn nhưng vẫn dám chạy chữa vì đủ tiền để theo đuổi hành trình nhiều gian nan này.

“Nếu không được miễn phí việc thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi chắc không bao giờ dám nghĩ đến việc có con” – anh chị tâm sự.

Tuần Lễ Vàng do BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cùng Công ty Merck phối hợp tổ chức, nhằm hỗ trợ các bệnh nhân hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần can thiệp các kỹ thuật chuyên sâu, để giúp họ giảm bớt gánh nặng kinh tế, có thể sớm chạm đến hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.

Từ Tuần Lễ vàng, Bệnh viện đã lựa chọn và hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 gia đình nghèo mà hiếm muộn, đồng thời, tặng 100% chi phí cho 20 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền (thận đa nang, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Thalassemia, Hemophilia, teo cơ tủy…) và một số bệnh lý hiếm khác mà không giới hạn số lượng phôi; miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng cho các gia đình thực hiện IVF (14 triệu đồng/ca); miễn phí 10 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung có giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca; miễn phí 20 ca nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động – Timelapse. Đây thật sự là món quà vô giá cho các gia đình nghèo và còn hiếm muộn.