PV: Đang có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh cuốn Tiếng Việt 1 nằm trong bộ SGK Cánh Diều, có nhiều người cho rằng từ ngữ được sử dụng trong sách như "gà nhí", "gà nhép", "nhá cỏ", "nhá dưa", “hí hóp”,.... là những từ vừa khó hiểu vừa ít dùng trong cuộc sống hàng ngày, nên không phù hợp với học sinh lớp 1 mới tập đọc, tập viết. Quan điểm của giáo sư về ý kiến này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trẻ lớp 1 mới học chữ, do đó các bài đọc chỉ có thể “xoay xở” trong vốn chữ ít ỏi của các em ở mỗi thời điểm. Khi học sinh chưa học vần “ai” mà sách viết “nhai” dưa thì học sinh không thể đọc được.
Có thể một số vị không quen dùng từ “nhá”. Nhưng đây không phải là từ địa phương. Từ này có mặt trong từ điển của Hoàng Phê và từ điển không ghi đó là từ địa phương.
Các trường hợp khác như “gà nhí”, “gà nhép” cũng tương tự. Riêng với từ “hí hóp” mà nhiều phụ huynh thắc mắc chưa đọc và nghe thấy bao giờ thì từ này đã được sử dụng trong bài thơ “Thôn xóm vào mùa” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đó là câu thơ trong khổ thơ thứ 2 của bài thơ:
“Sân kho máy tuốt lúa
Mở miệng cười ầm ầm
Thóc mặc áo vàng óng
Thở hí hóp trên sân”
GS. Nguyễn Minh Thuyết bên cuốn SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: Minh Thúy)
|
PV: Trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều có sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn và điều này nhiều người cho rằng không phủ hợp với trẻ nhỏ, thậm chí còn xuyên tạc nội dung của chuyện gốc, như bài tập đọc “Hai con ngựa” phỏng theo Lép Tôn-Xtôi, bị cho là dạy trẻ thói lười nhác, thủ đoạn; bài đọc “Ve và gà” thì bị chỉ trích rằng bịa, La Phông-ten không kể câu chuyện này, còn bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá” bị cho là dạy trẻ con nói dối. Giáo sư nghĩ sao về việc này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Bài tập đọc này phỏng theo câu chuyện “Ngựa đực và ngựa cái” của nhà văn Lép Tôn-Xtôi trong quyển “Kiến và bồ câu” của NXB Kim Đồng, bản dịch của nhà văn Thúy Toàn. Bài tập đọc gồm 2 phần. Một số người cắt cúp, chỉ đăng lên trên mạng 1 phần của bài tập đọc rồi nói bài tập đọc xuyên tạc truyện của Lép Tôn-Xtôi là không chính xác.
Hình ảnh bài tập đọc "Hai con ngựa" được chụp từ SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: Facebook H.V)
|
Với bài đọc “Ve và gà”, tác giả SGK chỉ đổi nhân vật “kiến” trong ngụ ngôn La Fontaine do học sinh chưa học đến vần “iên”; còn cốt truyện không thay đổi.
Bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá” không dạy trẻ lừa lọc giống “cò”, mà dạy các em không nên nhẹ dạ, cả tin vào những kẻ xấu.
Truyện dân gian luôn mang ý nghĩa sâu sắc, nhưng việc cảm nhận và khai thác như thế nào là do cách tiếp cận của mỗi người. Có người cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng thực ra, những người biên soạn sách lại muốn dạy các em bé ý nghĩa rất đơn giản của câu chuyệ̣n là chớ vội tin lời kẻ xấu, mà nên cảnh giác. Điều này thì gia đình nào cũng thường căn dặn trẻ.
“Tôi khẳng định SGK không dạy học sinh lừa lọc. Sách giáo viên đã hướng dẫn các thầy cô dạy học sinh ý nghĩa của từng câu chuyện, ít nhất là phân biệt nhân vật tốt, nhân vật xấu, cái hay, cái dở.” - GS. Nguyễn Minh Thuyết nói. |
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi khẳng định những hình ảnh về cuốn sách toán cùng bài học đếm số “4 cái làn” không phải là sách thuộc bộ SGK Cánh Diều. Tất cả những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội về bài học đếm số “4 cái làn” đều sai sự thật, không liên quan đến bộ SGK Cánh Diều. Đây chỉ là những hình ảnh được cắt ghép nhằm mục đích xuyên tạc sự thật.
Hình ảnh về bài học đếm "4 cái làn" lan truyền trên mạng xã hội kèm lời chỉ trích SGK (Ảnh: Minh Thúy)
|
Tôi mong rằng người đọc mạng đừng cả tin và vội ném đá chúng tôi. Bài học về nhẹ dạ cả tin đã có trong bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá”.
PV: Vì sao chương trình Tiếng Việt hiện nay được nâng lên thành 12 tiết/tuần nhiều hơn so với trước đó là chỉ có 10 tiết/tuần? Liệu chương trình học có quá tải với các em không thưa giáo sư?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Sau nhiều năm liên tục dự giờ, trao đổi với thầy cô dạy lớp 1, tôi nhận thấy chương trình Tiếng Việt cũ 10 tiết/tuần không đủ để giáo viên dạy cho các em. Nhiều giáo viên phải lấy giờ học của môn khác để bù vào giờ học Tiếng Việt. Vì thế, chương trình Tiếng Việt hiện nay tăng thêm 2 tiết để giãn nội dung học cho các em, tránh tình trạng quá tải và bảo đảm các em học xong lớp 1 đều biết đọc biết viết.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, chương trình Tiếng Việt được nâng lên 12 tiết/tuần là để giãn nội dung học cho học sinh (Ảnh: Minh Thúy)
|
PV: Xin Giáo sư cho biết, mục tiêu chính của SGK Tiếng Việt 1 là gì? Khi nào Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá SGK Tiếng Việt 1, trong đó có bộ SGK Cánh Diều?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: SGK Tiếng Việt 1 phải thực hiện mục tiêu chung là giáo dục phẩm chất, năng lực cho học sinh. Năng lực ở đây gồm năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ - văn học, thể hiện ở 4 kỹ năng đọc, viết, nghe, nói).
Việc giáo dục phẩm chất, năng lực chung cho học sinh là mục tiêu của tất cả các môn học trong bộ SGK Cánh Diều, trong đó có môn Tiếng Việt. Mục tiêu đặc thù của môn Tiếng Việt là phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói cho học sinh. Học sinh lớp 1 sau khi học xong phải biết đọc, biết viết.
Để trẻ biết đọc, biết viết thì phải dạy đủ 29 chữ cái, 14 chữ ghép và khoảng 140 vần. Sách Tiếng Việt phải tạo ra những câu, những bài đọc để học sinh luyện đọc. Bởi nếu chỉ đọc từng từ rời thì học sinh sẽ khó phát triển kỹ năng đọc một cách nhanh chóng và chắc chắn. Không riêng gì sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, các sách giáo khoa mới đều có bài đọc từ sớm để giúp học sinh tập đọc.
Sau 1 năm học, Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai bộ SGK Cánh Diều. Nếu có điểm gì không phù hợp thì tác giả sẽ điều chỉnh. Nếu có yêu cầu của Bộ GD&ĐT thì càng phải thực hiện điều chỉnh.
PV: Xin được cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!
Bộ SGK “xã hội hóa” đầu tiên Cuốn SGK Tiếng Việt 1 nằm trong bộ SGK Cánh Diều do NXB Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, xuất bản, đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào sử dụng ở các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021. Bộ sách Cánh Diều thể hiện đầy đủ tinh thần đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và các quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt nhấn mạnh triết lý giáo dục “Thực học, thực nghiệp” của Nghị quyết 29 thông qua slogan (khẩu hiệu) “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. |