Thông tin trên được GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 cho biết tại buổi Tọa đàm giới thiệu bộ SGK Cánh Diều do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức chiều nay, 17/12.
100% bản mẫu được Hội đồng Thẩm định Quốc gia thông qua
“Bộ SGK Cánh Diều là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên hiện thực hóa và khẳng định chủ trương đúng đắn về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có yêu cầu thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Sự ra đời của bộ sách bước đầu sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng SGK, cả nội dung lẫn hình thức.” - PGS. TS. Nguyễn Bá Cường – Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm nói.
PGS. TS. Nguyễn Bá Cường – Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
|
Đáng chú ý, Cánh Diều là bộ sách có 100% bản mẫu được Hội đồng Thẩm định Quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận tuyệt đối, không có bản mẫu SGK nào bị loại. Không chỉ vậy, Cánh Diều là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ SGK dành cho tất cả các môn học gồm: Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mĩ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1) cùa lớp 1 theo quy định của Chương trình GDPT 2018.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới được xác định là một chương trình phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học. Nếu chương trình hiện hành tập trung trả lời câu hỏi "học sinh học xong biết được những gì" thì chương trình 2018 trả lời câu hỏi "học xong học sinh làm được những gì". Bộ SGK Cánh Diều là bộ sách xã hội hóa đầu tiên hiện thực hóa chủ trương đổi mới chương trình, SGK GDPT.
GS. Nguyễn Minh Thuyết
|
SGK Tiếng Việt 1 của bộ SGK Cánh Diều tập trung phát triển năng lực của người học gồm: đọc, viết, nói, nghe, tự học tự chủ, giao tiếp, hợp tác, 5 phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
"Bộ sách đã có sự kế thừa SGK hiện hành, do đó, giáo viên chỉ cầm quyển sách là có thể dạy được ngay. Ngay từ những giờ học đầu tiên, học sinh đã được tập đọc chữ với hình. Nhờ vậy, ở bài thứ 66 trong cuốn Tiếng Việt 1, học sinh đã đọc được bài: “Nam Yết của em” nói về chủ quyền biển đảo quốc gia Việt Nam." - GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.
Bộ sách được viết lần đầu tiên vào năm 2015
GS. TSKH. Đỗ Đức Thái – Chủ biên SGK môn Toán - cho biết: Điểm thành công lớn nhất của bộ sách là được viết ra bởi những người làm chương trình. Bộ sách được viết lần đầu tiên vào năm 2015 và đã được thực nghiệm rất nhiều lần. Cuốn sách chỉ có 200 trang thôi nhưng số trang bản thảo để viết ra nó phải gấp 20 lần.
Theo GS. Thái, chương trình giáo dục toán phổ thông hiện hành, đặc biệt đối với cấp tiểu học vẫn quá tải đối với học sinh.
“Chương trình SGK toán hiện hành khó tới mức để hiểu được hết phải là các giáo sư có trình độ tốt. Trẻ 6 tuổi đọc chưa được, viết chưa được, nhưng đã phải xây dựng tập số tự nhiên bằng cả 2 loại tiên đề. Chúng ta dạy rất khó nên dẫn tới thực tế môn toán đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với trẻ em, nhiều em không còn tìm thấy niềm vui ở môn toán. Điều này đã giết chết môn toán từ trong trứng nước.” – GS. Thái Nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên môn Khoa học tự nhiên, bộ SGK Cánh Diều đã giúp học sinh chuyển cách tiếp cận từ nội dung sang năng lực. Đối với môn tự nhiên xã hội, học sinh được học về thế giới xung quanh. Do đó, người giáo viên phải dạy cho học sinh cách tự mình chiếm lĩnh tri thức.
TS. Ngô Vũ Thu Hằng – Chủ biên môn Đạo đức - cho hay: Cuốn sách sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau, chủ yếu là chất liệu từ cuộc sống, các tình huống điển hình trong cuộc sống thường ngày. Hệ thống câu hỏi đa dạng giúp học sinh phát triển tư duy bậc cao.
Khách mời tham dự buổi tọa đảm
|
Trước nhiều ý kiến thắc mắc về cuốn SGK Tiếng Anh lớp 1, ông Nguyễn Bá Cường – Giám đốc NXB Đại học Sư phạm - cho biết: SGK tiếng Anh lớp 1 là môn tự chọn trong chương trình và đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã hợp tác với các nhà xuất bản uy tín, các giảng viên khoa tiếng Anh, để họ trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện nội dung của cuốn sách, đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Thẩm định.