Vladimir Putin có lẽ là nhà lãnh đạo Nga được lòng dân nhất trong lịch sử. Gần đây nhất, trong báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ hồi tháng 11/2015, ông nhận được tỉ lệ ủng hộ của người dân lên tới 80%. Điều này khiến ông rõ ràng trở thành nhà lãnh đạo thế giới được lòng dân nhất hiện nay, mặc dù chúng ta thường sẽ nghĩ ngược lại bởi cái cách mà phương Tây mô tả và biến ông ta thành một con quỷ dữ.
Nghịch lý thay, lý do chính cho việc Putin được lòng dân ở Nga đến vậy cũng chính là lý do khiến ông bị chỉ trích ở Mỹ và Tây Âu – một sự thật đơn giản nhưng quan trọng, đó là: khi nhắc đến khả năng lãnh đạo và trí tuệ chính trị, Vladimir Putin chơi cờ vua, trong khi những người đồng cấp của ông ở London, Washington và Paris thì lại chơi khiêu kỳ (checquer, vốn được cho là dễ hơn nhiều so với cờ vua – NBT).
Bài viết này không nhằm mục đích gán cho nhà lãnh đạo Nga phẩm chất đạo đức của Nelson Mandela hay tính nhân đạo của Mahatma Gandhi. Tuy nhiên, ông ta cũng chẳng giống với những bức biếm họa mà truyền thông Anh – Mỹ thường xuyên mô tả. Putin không phải là nhân vật phản diện trong phim Điệp viên 007, kẻ sống trong một lâu đài ma quái đâu đó sâu trong lòng nước Nga và âm mưu thống trị thế giới. Nếu muốn biết về loại ‘chúa tể vũ trụ’ đó, bạn hãy đến Nhà Trắng ở Washington, hoặc có thể là trụ sở CIA ở Langley, Virginia. Còn Putin, Tổng thống Nga là một người hiểu kẻ thù của mình hơn chính họ hiểu về bản thân, ông cũng thấm nhuần chân lý trong tuyên bố của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev rằng: “Nếu anh sống giữa bầy sói, anh phải hành động như một con sói.”
Các nhà tư tưởng và bình luận viên theo chủ nghĩa tự do của phương Tây luôn “xếp hàng” để tấn công Putin trên khắp các mặt báo, chưa kể đến các tác giả của những cuốn sách mô tả Putin như một Thành Cát Tư Hãn của thời hiện đại. Điều mà họ không thấy được là những vết sẹo hằn sâu trong suy nghĩ của người Nga được gây nên bởi sự tiếp xúc của nước này với dân chủ tự do kiểu phương Tây sau khi Liên Xô tan rã trong những năm 1990.
Nhà báo và nhà văn Canada Naomi Klein đã trình bày điều này một cách chi tiết trong cuốn sách có một không hai của cô, “Học thuyết Cú Sốc: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họa” (The Shock Doctrine: The Rise of Disaster Capitalism). Tác động của liệu pháp cú sốc thị trường tự do lên nước Nga dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Boris Yeltsin được Klein mô tả như sau: “Nếu như không có nạn đói, dịch hạch hay chiến tranh, thì trong một thời gian quá ngắn, chưa từng có mất mát nào lớn đến như vậy. Tính đến năm 1998, hơn 80% trang trại của Nga đã bị phá sản, và khoảng 70.000 nhà máy của nhà nước đã bị đóng cửa, dẫn đến một “đại dịch” thất nghiệp. Năm 1989, trước khi áp dụng liệu pháp sốc, 2 triệu người ở Liên bang Nga phải sống trong nghèo đói, chỉ với ít hơn 4 USD/ngày. Thời điểm mà các nhà lãnh đạo áp dụng thứ “thuốc đắng” của họ vào giữa những năm 1990, theo Ngân hàng Thế giới, đã có tới 74 triệu người Nga đang sống dưới mức nghèo khổ.”
Klein cũng cho biết rằng tới năm 1994, tỷ lệ tự tử tại Nga đã tăng gấp đôi và tội phạm bạo lực thì tăng gấp bốn.
Nếu xét sự tàn phá về kinh tế và xã hội mà các “bậc thầy” về thị trường tự do phương Tây và đám “đệ tử” người Nga của họ đã gây ra trong giai đoạn khủng khiếp đó, thì sự phục hồi của nước Nga như hiện nay – với đủ khả năng chống lại thế đơn cực mà Washington dẫn đầu – có thể coi là một thành tích đáng kinh ngạc.
Putin lên cầm quyền ở Nga nhờ vai trò của ông trong việc đàn áp cuộc nổi dậy Chechnya – vốn diễn ra trong bối cảnh hỗn loạn khi Liên Xô giải thể. Đó là một cuộc xung đột tàn bạo và đẫm máu, đương nhiên cũng đã có tội ác xảy ra, như trong mọi cuộc xung đột khác, mãi cho đến khi cuộc nổi dậy bị đàn áp và sự kiểm soát của Moskva được khôi phục. Vị cựu điệp viên KGB sau đó được đưa vào tâm điểm chú ý như là một thành viên chủ chốt trong bộ máy của Boris Yeltsin, một người đáng tin, nhờ đó mà ông bước lên đài chính trị và trở thành Tổng thống vào năm 2000, lần đầu tiên ông được bầu vào vị trí này.
Kể từ đó Putin đã làm việc để khôi phục lại nền kinh tế Nga, cùng với niềm tự hào và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Việc nước Nga đánh mất uy tín, vốn là kết quả của việc Liên Xô tan rã, đã gây ra biến động lớn lên gắn kết xã hội trong một đất nước mà từ lâu đã tự hào về những thành tựu của mình, đặc biệt là vai trò của họ trong việc đánh bại Phát xít Đức trong Thế chiến II.
Vị tổng thống mới của Nga được xem là người có công khôi phục vị thế quốc gia, trở lại là một cường quốc được tôn trọng, không thể và sẽ không bị phương Tây bắt nạt. Mong muốn (của phương Tây) biến Gruzia thành một con tốt vào năm 2008 đã được đối phó một cách nhanh chóng, và tương tự là trường hợp Ukraine vào năm 2014. Tất cả những cáo buộc rằng Putin đang muốn bành trướng thực chất chỉ nhằm che giấu mục đích bành trướng tại Đông Âu của phương Tây, với mục tiêu dựng một hàng rào xung quanh Nga để theo đuổi một chương trình nghị sự chiến tranh lạnh.
Vai trò làm biến đổi cuộc chơi của Nga ở Trung Đông, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, là bằng chứng cho thấy những tháng ngày của bá quyền phương Tây đang sắp kết thúc. Đây mới là nguyên nhân gốc rễ của “nỗi sợ nước Nga” – dù phi lý nhưng lại được ủng hộ rất nhiệt tình ở phương Tây.
Quốc gia đông dân nhất châu Âu không phải và sẽ không bao giờ là thuộc địa hay bán thuộc địa của phương Tây. Đối với các nhà tư tưởng phương Tây – những người xem Nga không khác gì kẻ thù nguy hiểm hoặc kẻ đã bị đánh bại – chấp nhận thực tế này là một điều kiện không thể thương lượng được nhằm đạt được ổn định và hòa bình trên thế giới, ít nhất là ở vẻ ngoài.
Vladimir Putin và chính quyền của ông ta không như những gì họ bị chỉ trích – thực tế còn khác xa. Những việc làm sai trái của họ chẳng là gì so với kỷ lục của các chính quyền phương Tây trong việc hủy hoại hàng loạt các quốc gia Trung Đông, thống trị một nền kinh tế toàn cầu vốn không đem lại gì ngoài đau khổ và tuyệt vọng cho hàng triệu người trong và ngoài nước, khiến khủng hoảng và hỗn loạn dần trở thành những điều bình thường.
Hành động của họ, như người ta nói, sẽ làm cả ma quỷ trong địa ngục cũng phải xấu hổ.
* Bài viết của tác John Wight là một nhà văn đăng trên CounterPunch và American Herald Tribune.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu