+ Thưa bà, để được cấp phép đào tạo văn bằng 2, các trường ĐH cần phải đáp ứng những tiêu chí và quy định gì?
- Về đào tạo văn bằng 2, thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp ĐH thứ 2 và đến nay chưa có thay đổi.
Luật Giáo dục ĐH năm 2012 cũng đã có quy định trong Mục 5 Điều 4 về việc đào tạo liên thông trong giáo dục ĐH là tổ chức đào tạo trong đó người học được sử dụng kết quả đã có để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ khác.
Chương trình đào tạo văn bằng 2 giống với chương trình đào tạo ĐH chính quy và không có gì khác biệt, người học văn bằng 2 được miễn một số học phần đã được học trước để lấy văn bằng ĐH chính quy thứ nhất của họ.
Trong quá trình đào tạo văn bằng 2, các học viên phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu học và thi theo quy định như hệ đào tạo chính quy.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định rõ ràng về đào tạo văn bằng 2 trong Quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT và trong Luật Giáo dục đại học năm 2012, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã không tuân thủ theo quy định, dẫn đến xảy ra sai phạm trong thời gian dài.
PGS. TS. Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam.
|
+ Để đảm bảo quá trình đào tạo văn bằng 2 của các trường đúng quy định, theo bà, công tác thanh, kiểm tra phải đáp ứng những yêu cầu gì?
- Về mặt nguyên tắc, Bộ GD&ĐT giữ vai trò quản lý Nhà nước với các trường ĐH, CĐ và các trường phổ thông,… Các Vụ, Cục có liên quan trong quản lý giáo dục ĐH phải định kỳ, kiểm tra, thanh tra việc các cơ sở giáo dục ĐH có tuân thủ các quy định của Bộ GD&ĐT và các quy định của nhà nước hay không.
Cùng với đó, các trường trong quá trình đào tạo văn bằng 2 phải thực hiện đúng theo quy định hiện hành của nhà nước, của Bộ GD&ĐT về việc đào tạo, tuyển sinh, cấp, phát văn bằng. Nếu vi phạm phải bị xử lý nghiêm và kịp thời.
+ Được biết, việc đào tạo văn bằng 2 trong nhiều năm mà chưa được cấp phép là sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐH Đông Đô. Vậy theo bà, các cơ quan quản lý giáo dục cần có trách nhiệm như thế nào?
- Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ GD&ĐT trong quá trình thanh, kiểm tra đáng lẽ phải phát hiện được những vi phạm của Trường ĐH Đông Đô, nhưng lại không làm được điều đó, khiến thời gian sai phạm kéo dài. Hậu quả là nhiều người nhận văn bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp là không đúng. Để tránh tình trạng sai phạm có thể xảy ra, cần có sự thanh tra, kiểm tra đúng quy định.
+Thưa bà, trước những sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô, có cần phải rà soát, công bố công khai những cơ sở được đào tạo văn bằng 2 không?
- Theo Điều 34 về Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh của Luật giáo dục ĐH năm 2012, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở mình. Nếu cơ sở giáo dục ĐH vi phạm, thì tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần xử lý những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô theo pháp luật.
- Hơn nữa, theo tôi hiện nay việc quản lý cơ sở giáo dục ĐH đang chuyển từ “kiểm tra trước” sang “kiểm tra sau” nên vấn đề quan trọng nhất là Bộ GD&ĐT cần phải có một cơ sở dữ liệu, thiết lập được phần mềm quản lý chuyên nghiệp. Phần mềm đó phải đáp ứng đủ các yêu cầu để các trường ĐH, CĐ trong cả nước cập nhật được tất cả các danh sách, văn bằng đào tạo, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất,…và cập nhật lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT quản lý chung các dữ liệu đó và công khai để xã hội biết. Từ đó, sẽ giảm thiểu và ngăn chặn được tình trạng cơ sở giáo dục ĐH chưa được cấp phép đào tạo mà vẫn tiếp tục tiến hành cấp văn bằng cho người học.
+ Thực tế cho thấy, Trường ĐH Đông Đô trong quá trình đào tạo đã “lừa” học viên về phương thức đào tạo và cấp bằng. Vậy làm thế nào để người học có thể đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình học tập?
- Người học đều biết rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia các khóa học (vì hiện nay các cơ sở giáo dục ĐH đều công bố công khai chương trình đào tạo – số lượng các học phần, thời gian học, cách thức thi cử trên cổng thông tin điện tử của họ).
Hiện nay, người học cũng có 2 đối tượng đó là học thật và học giả. Đối tượng học giả chỉ bỏ tiền ra để lấy văn bằng, chứng chỉ, phục vụ cho mục đích riêng của mình. Khi các cơ quan quản lý vào cuộc và tiến hành lọc danh sách, sẽ phát hiện được đâu là đối tượng học thật và đâu là đối tượng học giả chỉ để lấy bằng.
Sau khi lọc danh sách thì các cơ quan quản lý cần có cơ chế để xử lý kịp thời những đối tượng đó.
Với đối tượng học thật sự thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ khi họ học thật, thi thật thì văn bằng, chứng chỉ của họ phải được công nhận.
Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải rà soát lại những trường hợp nào là học thật, để trả lại sự công bằng cho họ và xử lý nghiêm những trường hợp không học và chỉ đăng ký để lấy bằng.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Minh Thúy (Thực hiện)