Poklonskaya là một trong số 80 người được Tổng thống Putin thăng cấp hàm trong giới sĩ quan quân đội, cảnh sát, công tố viên, điều tra viên, nhân viên hải quan và trong các ngành thực thi pháp luật khác.
Cấp hàm của nữ Bộ trưởng Poklonskaya được tăng từ cấp chuyên viên quan tòa bậc cao lên mức chuyên viên quan tòa nhà nước cấp ba, tương đương với việc thăng từ cấp đại tá lên cấp Thiếu tướng trong quân đội hoặc cảnh sát Nga.
Trước đó, hồi tháng 3 năm ngoái, cô gái trẻ có vẻ đẹp thu hút Poklonskaya đã tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Tư pháp của nước Cộng hòa Tự trị Crimea sau khi khu vực này thách thức chính phủ Ukraine được dựng lên sau một cuộc đảo chính ở Kiev bằng cách tuyên bố độc lập và ly khai khỏi Ukraine. Sau khi bán đảo Crimea chính thức được sáp nhập vào Nga, cô Natalia Poklonskaya được Tổng chưởng lý Nga Yury Chaika bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Tư pháp của Crimea.
Hai tháng sau đó, cô Poklonskaya chính thức trở thành Bộ trưởng Tư pháp của Crimea.
Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp Crimea, cô gái tóc vàng này là một luật sư kỳ cựu tại Văn phòng Công tố Ukraine tại thủ phủ Simferopol của Crimea.
Cô Poklonskaya, 35 tuổi, đã gây ra một cơn sốt rất lớn trên mạng Internet bởi vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp và đầy quyến rũ. Vẻ đẹp hút hồn của nữ Bộ trưởng Tư pháp Crimea đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người dân Nhật Bản và họ đã lập ra hẳn một hội chuyên vẽ tranh hoạt hình manga về Poklonskaya để đưa lên mạng nhằm tôn vinh vẻ đẹp của cô.
Video những buổi họp báo do nữ Bộ trưởng có mái tóc vàng óng ả này chủ trì đã được chia sẻ rất nhiều trên thế giới. Đặc biệt, đoạn video trong đó Poklonskaya nghiêng đầu lắng nghe câu hỏi của các phóng viên đăng trên YouTube đã được người dân Nhật Bản xem hơn 300.000 lần, mặc dù video không có phụ đề và họ không hiểu cô đang nói gì.
Bộ trưởng Poklonskaya có vẻ không hài lòng khi mình trở thành nhân vật quá nổi tiếng trên mạng trong những ngày qua bởi theo cô, điều đó là ảnh hưởng đến bản chất nghiêm túc của công việc mà cô đang đảm nhiệm.
Nữ Bộ trưởng xinh đẹp của Crimea là một trong số nhiều nhân vật chính khách phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt về tài chính và đi lại của Liên minh Châu Âu (EU) về vai trò của cô trong những sự kiện ở Crimea và Ukraine.
Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine đã đưa Bộ trưởng Tư pháp Poklonskaya vào danh sách bị truy nã. Nữ chính khách tóc vàng Poklonskaya bị Kiev cáo buộc đã có những hành động nhằm lật đổ một cách bạo lực trật tự hiến pháp và chiếm quyền của chính phủ. Lệnh truy nã này được chính quyền lâm thời mới ở Kiev đưa ra khi mà Crimea đã chính thức sáp nhập vào Nga và không còn coi khu vực này là thuộc Ukraine nữa.
Nữ Bộ trưởng xinh đẹp của Crimea coi lệnh truy nã cô vì tội phản bội là “một trò tự PR của giới chức Kiev”. Cô Poklonskaya thậm chí còn có phát biểu đầy thách thức và mang tính mỉa mai Kiev khi nói rằng, họ có thể tìm cô tại nơi làm việc từ lúc 8h sáng đến 10h tối.
Nữ chính khách xinh đẹp còn cam kết sẽ đáp trả thích đáng với những cáo buộc vô căn cứ, không có cơ sở của phía Kiev nhằm vào cô.
Những phát biểu trên không phải là những lời nói thách thức đầu tiên mà nữ Bộ trưởng Poklonskaya đưa ra kể từ khi cô lên nhậm chức và gây ra một sự thu hút rất lớn với dư luận trong và ngoài nước.
Trước đó, hồi tháng 3 vừa rồi, Bộ trưởng Tư pháp Crimea từng đưa ra một phát biểu hùng hồn, cứng rắn và gây sốc khi tuyên bố: “Thà ở tù còn hơn là làm việc cho những kẻ phát xít”, ám chỉ đến chính quyền Kiev.
Cô Poklonskaya cho hay, giới chức thực thi pháp luật của Ukraine đã từng đe doạ tống cô vào tù và thậm chí là đe doạ cả cái chết nếu cô chấp nhận cương vị mới trong chính phủ của Nga nhưng điều đó chẳng làm cô sợ hãi.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3/2014. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối.
Theo: VnMedia