Những hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản giúp các công ty cung cấp vật liệu chip Hàn Quốc phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những quy định hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu ngành chip của Nhật Bản đã mang lại lợi ích đáng kể cho các công ty cung cấp Hàn Quốc, do các nhà sản xuất chip xoay trục sang sử dụng hàng hóa nội địa.
Sản xuất chip Hàn Quốc. Ảnh minh họa Nikkei Asia
Sản xuất chip Hàn Quốc. Ảnh minh họa Nikkei Asia

Thu nhập của các nhà cung cấp vật liệu sản xuất chip Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong 4 năm do những hạn chế của Nhật Bản trong xuất khẩu nguyên vật liệu quan trọng, buộc các nhà sản xuất chip như Samsung Electronics phải mua sản phẩm địa phương.

Các nhà đầu tư và những nhà quan sát ngành đang theo dõi kỹ lưỡng, liệu các nhà cung cấp địa phương có thể duy trì sự tăng trưởng hay không khi Tokyo chấm dứt những hạn chế thương mại khi mối quan hệ song phương tan băng.

Khi Nhật Bản công bố khả năng này ngày 16/3, các chuyên gia theo dõi thị trường chứng khoán Hàn Quốc quan tâm đến một phân khúc cụ thể: 17 công ty vật liệu ngành chip được Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc xác định mã định danh tháng 8/2019, ngay sau khi Nhật Bản thắt chặt các hạn chế.

Những công ty này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sản xuất vật liệu trong nước nhằm đáp trả những hạn chế xuất khẩu khắt khe của Nhật Bản, quy định về hóa chất cản quang và hydro florua, được sử dụng trong sản xuất chip và polyamit flo hóa cho màn hình phát sáng hữu cơ.

Trong khoảng 3 năm 7 tháng kể từ tháng 8/2019, chỉ số của những cổ phiếu này tăng 2,3 lần, vượt xa chỉ số KOSPI tiêu chuẩn.

Kết quả này có được nhờ sự tăng trưởng doanh thu nổi bật trong giai đoạn đó. 16 công ty trong lĩnh vực vật liệu ngành có thu nhập ổn định, từ năm 2018 đến năm 2022 chứng kiến ​​​​doanh thu tổng hợp của các doanh nghiệp tăng gấp đôi, đạt 19,45 nghìn tỉ won (15 tỉ USD). Lợi nhuận hoạt động kinh doanh sản xuất tăng gấp 2,5 lần lên 1,67 nghìn tỉ won.

Ahn Ki-hyun, phó chủ tịch và COO của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc, cho biết, những hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản "không gây thiệt hại thực sự" cho các công ty Hàn Quốc. Ông nói "Có lẽ các công ty Nhật Bản gặp phải khó khăn nhiều hơn do phải đối phó với nhiều thủ tục quan liêu khi sàng lọc hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chặt chẽ hơn."

Một công ty Hàn Quốc được hưởng lợi là Dongjin Semichem, cung cấp các vật liệu cản quang và đánh bóng cho sản xuất chất bán dẫn. Những báo cáo trên sản chứng khoán của Dongjin cho thấy doanh số bán hàng cho Samsung tăng hơn gấp 3 lần từ năm 2018 đạt đến 552,8 tỉ won vào năm 2022. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh sản xuất cũng tăng gấp 3 lần, đạt 216,3 tỉ won.

Tháng 12/2022, công ty thông báo, Samsung đang sử dụng chất cản quang của doanh nghiệp để in khắc cực tím trong sản xuất linh kiện điện tử quy mô lớn. Chất cản quang cho quy trình này, công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất chip, đã bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu.

Công ty chứng khoán NH Investment & Securities cho biết, việc sử dụng nguyên vật liệu trong nước toàn diện sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng thực tế sử dụng của Samsung đã khẳng định, sản xuất chất cản quang nội địa có ý nghĩa rất quan trọng.

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc cũng đã có nguồn cung cấp thay thế khí ăn mòn hydro florua, vốn là hóa chất khó tìm nguồn cung cấp nhất khi Nhật Bản thực hiện chính sách kiềm chế thương mại.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hydro florua của Hàn Quốc từ Nhật Bản đã giảm 88% từ năm 2018 xuống chỉ còn 8,3 triệu USD vào năm 2022. Phần lớn nguyên vật liệu này, chủ yếu được sử dụng trong sản xuất màn hình, được thay thế bằng khí có độ tinh khiết thấp hơn, sản xuất tại Hàn Quốc.

Doanh nghiệp có được lợi nhuận từ sự xoay trục là Soulbrain, sản xuất khí hydro florua tại địa phương. Doanh số của công ty tăng gần 40% từ năm 2019 đến năm 2022.

Sự chuyển mình mạnh mẽ ở thị trường Hàn Quốc cũng thể hiện rõ qua động thái giảm xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Báo cáo từ nhà cung cấp hydro florua lớn Stella Chemifa cho thấy, xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc giảm từ 1/2 doanh số bán hàng của phân khúc trong năm tài chính, kết thúc vào tháng 3/2019 xuống còn 1/4 2 năm sau đó.

Nhưng không có nhiều thay đổi trong toàn bộ ngành công nghiệp vật liệu sản xuất chip. Rất nhiều loại khí và chất lỏng công nghiệp, được sử dụng trong hàng trăm quy trình khác nhau. Ngoài hydro florua, các nhà cung cấp nguyên vật liệu ở nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ yếu như trước đây.

Công ty Shin-Etsu Chemical và Sumco của Nhật Bản cung cấp phần lớn các tấm bán dẫn silicon trên toàn thế giới và các công ty Nhật Bản Tokyo Ohka Kogyo và JSR cùng nắm giữ khoảng 90% thị trường chất quang điện trở hiệu suất cao. Chuỗi cung ứng xuyên biên giới của những nguyên vật liệu đặc chủng từ Nhật Bản này vẫn tiếp tục hoạt động.

Chính quyền Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ lặng lẽ tiếp tục xoay trục sang sản xuất nguyên vật liệu nội địa cho ngành chip.

Mặc dù Tổng thống Yoon Suk Yeol mạnh mẽ chỉ trích phương thức tiếp cận ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm đối với Nhật Bản, đồng thời tìm giải pháp hàn gắn quan hệ song phương, nhưng ông vẫn giữ chính sách khuyến khích cung cấp vật liệu và thiết bị sản xuất chip trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, nguy cơ bất ổn trên eo biển Đài Loan khiến việc duy trì và phát triển các nhà cung cấp trong nước có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo khả năng tự cung, tự cấp trong trường hợp chuỗi cung ứng bán dẫn bị cắt đứt.

Theo Nikkei Asia