Mỹ đề xuất “giới hạn đầu tư” chip, ngăn chặn TSMC, Samsung mở rộng sản xuất tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ đưa ra các hướng dẫn cấm các công ty nhận trợ cấp theo Đạo luật Khoa học và CHIPS đầu tư sản xuất ở nước ngoài. Quy định mới ngăn chặn TSMC, Samsung và SK Hynix mở rộng sản xuất hiện có ở Trung Quốc.

Theo các chuyên gia phân tích, các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, bao gồm Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Công ty điện tử Samsung sẽ không thể mở rộng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc theo những hướng dẫn do Mỹ đề xuất, liên quan đến những công ty nhận được tài trợ liên bang để sản xuất chất bán dẫn.

Ngày 21/3, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố đề xuất “Giới hạn an ninh quốc gia”, cấm các công ty nhận được sự hỗ trợ trong 52 tỉ USD trợ cấp liên bang theo Đạo luật Khoa học và Chip Mỹ sử dụng tiền cho những dự án ở “các quốc gia nước ngoài đáng quan ngại”, cụ thể là Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.

Những hướng dẫn mới, phân loại danh sách linh kiện bán dẫn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, cấm doanh nghiệp nhận tài trợ Mỹ bổ sung thêm dây chuyền sản xuất mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất của một cơ sở kế thừa hiện có vượt quá 10%.

Những hướng dẫn này cũng cấm các công ty thực hiện những giao dịch quan trọng liên quan đến khả năng mở rộng cơ sở vật chất cho những xưởng sản xuất chip tiên tiến ở các quốc gia đó trong 10 năm kể từ khi nhận được tài trợ.

Trung Quốc lên án những quy định mới của Mỹ theo đạo luật Khoa học và CHIPS, tuyên bố thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nội địa. Video SCMP

Những rào cản này cho thấy Washington tiếp tục gây áp lực lên nỗ lực phát triển sản xuất bán dẫn của Trung Quốc, sau khi đạt được hiệp ước Mỹ - Hà Lan - Nhật Bản hạn chế xuất khẩu những máy móc sản xuất chip tiên tiến vào Trung Quốc. Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Liên minh Chip 4 do Mỹ dẫn đầu, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan và áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại mở rộng đối với ngành chip Trung Quốc vào tháng 10/2022.

Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nhận được khoản trợ cấp từ gói 51 tỉ USD theo Luật Khoa học và CHIPS Mỹ, khi thực hiện các quy tắc mới theo Đạo luật này có thể buộc phải đình chỉ chương trình mở rộng cơ sở sản xuất chip ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.

Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: "Cơ hội để TSMC tiếp tục mở rộng sản xuất ở Trung Quốc rất thấp" vì cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và mối quan hệ căng thẳng xuyên eo biển với Đài Loan. Dự kiến TSMC sẽ buộc phải giảm đầu tư vào Trung Quốc, tập trung vào xây dựng năng lực sản xuất ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong tương lai, với Đài Loan vẫn là một trung tâm sản xuất chip.".

Năm 2021, TSMC đã đầu tư 2,89 tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất tại nhà máy wafer 28 nanomet ở Nam Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng trong ngành công nghiệp ô tô. Nhà máy Nam Kinh chủ yếu sản xuất các mạch tích hợp tiên tiến, sử dụng công nghệ xử lý 12nm và 16nm.

TSMC đã "thực hiện các bước chủ động điều chỉnh năng lực sản xuất để tránh bị hạn chế bởi các lệnh cấm tương tự", ông Lucy Chen, phó chủ tịch tại Isaiah Research ở Đài Bắc cho biết.

Công ty sản xuất chip khổng lồ Đài Loan hiện đang xây dựng một nhà máy trị giá 8,6 tỉ USD ở miền nam Nhật Bản, phối hợp với Sony Group Corp và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp. Công ty cũng đang xây dựng một cơ sở trị giá 12 tỉ USD ở Phoenix, Arizona, một phần trong khoản đầu tư tổng thể 40 tỉ USD để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hơn tại thành phố Mỹ.

TSMC từ chối bình luận.

Theo ông Liu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, tác động của những hướng dẫn mới được đề xuất của Bộ thương mại Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với những nhà sản xuất chip lớn của Hàn Quốc, đang có các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.

Tổ hợp sản xuất của TSMC ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Không ảnh: AFP

Tổ hợp sản xuất của TSMC ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Không ảnh: AFP

"Các công ty khổng lồ Samsung và SK Hynix đã đầu tư rất lớn vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp này không thể nâng cấp quy trình sản xuất hoặc mở rộng công suất, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng ảnh hưởng nặng nề".

Cả Samsung và SK Hynix, hai công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đang nộp đơn xin tài trợ theo Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ.

Samsung hiện chưa có câu trả lời cho yêu cầu bình luận ngày 23/3.

Trong một tuyên bố được gửi cùng ngày, SK Hynix cho biết "sẽ xem xét kỹ lưỡng những thông báo của chính phủ Mỹ" trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Seoul và Washington.

Samsung hiện đang vận hành một nhà máy chip ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, sản xuất hơn 40% tổng số chip nhớ flash NAND của công ty.

SK Hynix điều hành một nhà máy tại thành phố Vô Tích ở Giang Tô, là trung tâm sản xuất khu vực Châu Á, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng chip DRAM của doanh nghiệp.

Ngày 22/3, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mô tả những hàng rào bảo vệ được đề xuất của chính phủ Mỹ là "các biện pháp phong tỏa khoa học công nghệ và bảo hộ mậu dịch".

"Ngăn chặn và đàn áp không thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc", ông Vương nói thêm rằng, những biện pháp của chính phủ Mỹ sẽ chỉ củng cố quyết tâm và thúc đẩy phát triển tiềm năng của đất nước trong nỗ lực tìm kiếm sự tự lực và đổi mới công nghệ.

Theo South China Morning Post