Sống nhờ chiếc máy thở
Phòng bệnh 302, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương buổi chiều 18/6 tĩnh lặng trong cái nóng hè oi ả. Nơi đây đang điều trị cho 5 trẻ mắc viêm não và viêm não Nhật Bản.
Bước vào trong khu vực cách ly, trước mắt chúng tôi là 3 trẻ nằm bất động, mất ý thức, bên cạnh là chiếc máy thở đều đặn vang lên tiếng “tít tít”. Có khoảng 3 – 4 nhân viên y tế ở trong phòng để kiểm tra máy, túi truyền cho các em. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ chẳng hề hay biết mình đang được chăm sóc tại Bệnh viện.
Các bệnh nhi nằm thở máy ở dãy này đều mắc viêm não Nhật Bản.
|
Nằm một góc trong căn phòng là một cậu bé 13 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Em nhập viện từ ngày 4/6, đến nay vẫn chưa hồi phục.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh nhân này ốm tới ngày thứ 5 mới được gia đình đưa đi viện. Từ đó, cậu rơi vào hôn mê. Sau khoảng 20 ngày chữa bệnh, cậu có thể mở mắt nhưng không có phản ứng gì với xung quanh, có thể cử động nhưng chẳng còn ý thức. Ngay cả chức năng thở của cậu cũng không còn hoạt động bình thường. Nếu phải rút máy thở, cậu sẽ chết.
Những đứa trẻ phải nằm bất động chính là hậu quả của căn bệnh viêm não Nhật Bản. Một nhân viên y tế thở dài đầy xót xa: “Các cháu chỉ bằng tuổi con tôi. Mùa này, đáng lẽ ra chúng nó phải được về nhà nghỉ hè với gia đình, chơi đùa cùng các bạn, rồi còn biết bao hoạt động khác, đứa nào đến tuổi thì cố gắng thi cử. Nhưng lại phải nằm đây thế này, sống nhờ máy thở, kim truyền, bố mẹ không được vào chăm sóc, không biết bao giờ, thậm chí, có thể vĩnh viễn không thể hồi phục”.
Một cơn sốt hủy hoại cả cuộc đời
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, viêm não Nhật Bản là một trong những nỗi ám ảnh của các bác sĩ nhi khoa. Bởi bệnh đòi hỏi phải phát hiện trong vòng 2 ngày đầu, nhưng lại có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn như đau đầu, buồn nôn. Ở trẻ lớn tuổi hơn, trẻ bị đau đầu tăng dần, ngủ nhiều, ngủ li bì, không chơi, không hoạt động mặc dù không sốt.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhi tại rung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em.
|
Sau đó, khi đã mắc bệnh, các gia đình phải chịu mức chi phí điều trị rất tốn kém. Đặc biệt, bệnh chắc chắn để lại di chứng ở não bộ, khiến trẻ không thể vận động, không thể tự thở, gây tổn thương thần kinh, bại liệt toàn thân, khả năng hồi phục kém hoặc chỉ hồi phục một phần, thần kinh, tinh thần vẫn sẽ chậm chạp hơn, trí tuệ sa sút hơn những trẻ bình thường.
Đáng sợ hơn, đây là những tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ sau này.
Trong một tháng đầu tiên khi vào mùa viêm não, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận tới 20 bệnh nhi, trong đó có bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện đều ở trong tình trạng nặng.
Bệnh thường gặp ở những trẻ từ 5 tuổi trở lên, bởi nhóm trẻ này là đối tượng cần được tiêm nhắc lại do hiệu quả bảo vệ của vaccine đã yếu đi. Bên cạnh đó, trẻ trên 5 tuổi đã có thể tự chơi, đôi khi mải vui đùa mà không chú ý tránh bụi rậm, các chuồng chăn nuôi gia súc, nên bị muỗi mang virus truyền bệnh đốt.
Hậu quả đến từ việc chống vaccine
Bất chợt, bác sĩ Đỗ Thiện Hải tâm sự: “Có nhiều bà mẹ không chịu tiêm bất cứ vaccine gì cho con. Chúng tôi khuyên mãi mà không ai nghe”.
Ông bảo, trẻ đã mắc bệnh thì chắc chắn bố mẹ chống vaccine, không tiêm vaccine hoặc tiêm không đầy đủ cho con và có lẽ, do họ chưa nhìn thấy những đứa trẻ tội nghiệp ở phòng 302 của Trung tâm, nên vẫn còn rất chủ quan.
Di chứng của căn bệnh quái ác khiến các em phải sống nhờ máy thở.
|
“Sau khoảng 5 năm, tỷ lệ bảo vệ của vaccine sẽ xuống thấp, nếu không tiêm nhắc lại, khả năng bảo vệ của vaccine giảm đi khoảng 40 – 50%” – Bác sĩ Đỗ Thiện Hải nói. Trong khi đó, khi mắc viêm não Nhật Bản, chỉ tới ngày thứ ba là trẻ sẽ bị co giật, hôn mê, nguy cơ di chứng và nguy cơ tử vong đều cao.
Đã có bác sĩ nén cơn giận để giải thích cho gia đình trẻ thấy được các em còn bao nhiêu cơ hội để phục hồi, bao nhiêu phần trăm di chứng khi mắc bệnh; chính bác sĩ Đỗ Thiện Hải cũng chia sẻ: “Chỉ cần các cháu có khả năng sống, dù mong manh, dù các cháu phải thở máy, nằm viện 5-6 tháng, chúng tôi không bao giờ trả về gia đình, mà sẽ cố hết sức để cứu chữa”.
Song, các bác sĩ dù có nỗ lực đến đâu cũng sẽ không thể bù đắp lại lỗ hổng miễn dịch của trẻ nếu bố mẹ của các em khăng khăng không tiêm vaccine cho con.
“Phong trào chống vaccine có từ nước ngoài. Việc học tập phong trào của họ trong trường hợp này hoàn toàn không đúng do điều kiện của mình khác, có những bệnh nước ngoài không có nhưng chúng ta có. Vì vậy, đừng thấy người ta không tiêm là mình cũng không tiêm, rồi làm hại cả cuộc đời của một con người” – Bác sĩ Đỗ Thiện Hải nói.