Những nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm cơ tim?
Trước hết, để hiểu về cách phòng ngừa, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về các nguyên nhân mắc bệnh.
Bệnh do nhiều nhân tố gây ra. Tác nhân đầu tiên đó là virus, ví dụ virus gây cảm cúm thông thường; viêm gan B và C; parvovirus gây phát ban nhẹ, thường ở trẻ em và virus herpes. Các bệnh nhân mắc nhiễm trùng đường tiêu hóa, tăng bạch cầu đơn nhân và rubella cũng có thể gây viêm cơ tim. Virus cũng có thể gây viêm cơ tim ở những người nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh làm giảm hệ miễn dịch.
Tác nhân thứ hai đó là vi khuẩn. “Rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim, bao gồm tụ cầu (staphylococcus), liên cầu (streptococcus), trực khuẩn gây bệnh bạch hầu” – PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Tác nhân thứ ba là ký sinh trùng, bao gồm một số loài đặc biệt có khả năng ký sinh vào cơ thể con người thông qua tiếp xúc với côn trùng.
Tác nhân thứ tư là một số loại nấm thường có trong phân chim. Những loại nấm này đôi khi có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Phản ứng dị ứng với thuốc hoặc sử dụng thuốc độc hại cũng là tác nhân gây viêm cơ tim. Các loại thuốc gây viêm cơ tim gồm thuốc sử dụng để điều trị ung thư; thuốc kháng sinh (như thuốc penicillin và sulfonamid); một số loại thuốc chống động kinh và một số chất cấm như cocaine.
Tác nhân thứ sáu là hóa chất hoặc chất phóng xạ. Khi người dân vô tình tiếp xúc với một số hóa chất, ví dụ carbon monoxide và bức xạ đôi khi có thể gây viêm cơ tim.
Ngoài ra, các căn bệnh khác như lupus, u hạt wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và viêm động mạch takayasu cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim.
Phòng bệnh bằng cách nào?
“Vì có quá nhiều tác nhân có thể gây bệnh, nên viêm cơ tim không có cách phòng ngừa đặc hiệu” - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Tiêm vaccine là một trong những cách phòng ngừa tác nhân gây bệnh viêm cơ tim.
|
Song, có những biện pháp đơn giản người dân có thể tự thực hiện để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh viêm cơ tim gồm thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để giữ gìn vệ sinh tốt; tránh các hành vi khiến cơ thể mắc HIV, hoạt động tình dục không an toàn, sử dụng ma túy để giảm thiểu khả năng nhiễm trùng cơ tim; giảm tiếp xúc với côn trùng bằng cách mặc áo dài tay và quần dài để che da, đồng thời sử dụng thêm các thuốc chống côn trùng.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ viêm cơ tim do virus, người dân nên thực hiện tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh được khuyến nghị, đặc biệt là hai loại vaccine chống lại rubella và cúm, vì đây là 2 căn bệnh có khả năng cao gây viêm cơ tim.
Người dân cũng cần hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính hoặc mắc các bệnh có virus, cúm.
Trong trường hợp có triệu chứng đau ngực, khó thở hoặc biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm virus, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khuyên người dân nên tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Bệnh viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ từ 20 – 40 tuổi. Bệnh cũng thường gặp ở nam giới, có biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng. Viêm cơ tim sẽ ảnh hưởng đến cơ tim và các hoạt động điện của tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim và là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trở nặng sẽ gây ra suy tim làm cho tim không bơm đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể, có thể hình thành các cục máu đông trong tim dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử. |