Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer đến 75%

VietTimes -- Theo một nghiên cứu mới được công bố, những người có lượng chất béo chuyển hóa trong máu cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn từ 50% đến 75%.
Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer (Ảnh: MSN)
Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer (Ảnh: MSN)

Nói về nghiên cứu này, Tiến sĩ Neelum T. Aggarwal, lãnh đạo của Trung tâm Phòng chống bệnh Alzheimer ở Chicago cho biết: "Nó đã chứng minh rằng có sự liên quan giữa chế độ ăn uống chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa cao với những ảnh hưởng tiêu cực tới não hoặc nhận thức, bên cạnh những ảnh hưởng về tim mạch như chúng ta đã biết".

Một nghiên cứu có ý nghĩa

Hơn 1.600 đàn ông và phụ nữ Nhật Bản không mắc chứng mất trí nhớ tham gia vào nghiên cứu đã được theo dõi trong khoảng thời gian 10 năm. Trước khi bắt đầu nghiên cứu, họ được thực hiện một xét nghiệm máu về mức độ chất béo chuyển hóa và chế độ ăn uống của họ cũng đã được phân tích.

Các nhà nghiên cứu sau đó điều chỉnh những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường và hút thuốc. Kết quả, họ phát hiện ra rằng hai người có mức chất béo chuyển hóa cao nhất có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn đến 52% và 74% so với những người có mức chất béo chuyển hóa thấp nhất.

Tiến sĩ Richard Isaacson, Giám đốc Phòng khám phòng ngừa bệnh Alzheimer thuộc Trường y khoa Weill thuộc Đại học Cornell (New York) cho biết: "Nghiên cứu này đã sử dụng nồng độ chất béo chuyển hóa trong máu, thay vì sử dụng bảng câu hỏi về chế độ ăn uống, do đó làm tăng giá trị khoa học của kết quả. Kết quả của nghiên cứu thật sự có ý nghĩa vì nó được xây dựng dựa trên bằng chứng trước đây về việc chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer".

Chất béo chuyển hóa "có mặt" ở nhiều loại thực phẩm vẫn được sử dụng hàng ngày

Một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa có thể xuất hiện tự nhiên trong một số loại thực phẩm từ thịt và sữa, nhưng mối lo ngại lại đến từ chất béo chuyển hóa nhân tạo.

Còn được gọi là axit béo chuyển hóa, chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo ra bởi một quá trình chế biến công nghiệp bằng cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa để làm cho chúng rắn hơn thành dạng cứng hoặc dẻo và có thể đóng thành bánh.

 Chất béo chuyển hóa nhân tạo không tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)
Chất béo chuyển hóa nhân tạo không tốt cho sức khỏe (Ảnh: Getty Images)

Ngành công nghiệp thực phẩm cực kỳ chuộng chất béo chuyển hóa vì nó làm cho giá thành sản phẩm rẻ, để được lâu hơn và thực phẩm thơm ngon hơn.

Bên cạnh các loại thực phẩm chiên rán, chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong bột kem pha cà phê, bánh, vỏ bánh, pizza đông lạnh, bánh quy, bánh quy giòn, bánh quy và rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn khác.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy bánh ngọt là yếu tố góp phần lớn nhất cho mức chất béo chuyển hóa cao hơn. Tiếp theo là bơ thực vật, rồi đến kẹo, caramen, bánh sừng bò, bột kem không sữa, kem và bánh quy gạo.

Mỹ đã hành động ngay...

Sau khi nghiên cứu sâu cho thấy mối liên hệ giữa chất béo chuyển hóa và sự gia tăng cholesterol xấu (LDL), kết hợp với việc giảm cholesterol tốt (HDL), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấm chất béo chuyển hóa vào năm 2015.

Các công ty có ba năm để chuẩn bị cho việc ngừng sử dụng chúng. Nhưng ngay cả khi việc thực thi quy định được bắt đầu vào đầu năm nay thì điều đó không có nghĩa là chất béo chuyển hóa đã biến mất khỏi các kệ hàng tạp hóa. Theo FDA, nếu một khẩu phần thực phẩm chứa ít hơn 0,5 gram, các công ty vẫn có thể dán nhãn thực phẩm là "0 gram" chất béo chuyển hóa.

Thế nhưng, ngay cả với liều lượng nhỏ, chất béo chuyển hóa nhân tạo vẫn có thể góp phần gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường và các loại bệnh lý khác, chẳng hạn như chứng mất trí.

Chú ý tới thành phần dinh dưỡng của thực phẩm trước khi lựa chọn (Ảnh: Internet)
Chú ý tới thành phần dinh dưỡng của thực phẩm trước khi lựa chọn (Ảnh: Getty Images)

Tiến sĩ Toshiharu Ninomiya, giáo sư tại Đại học Kyushu ở Fukuoka (Nhật Bản), tác giả của nghiên cứu này cho biết: "Ở Mỹ, một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa vẫn được cho phép trong thực phẩm, thế nên nếu mọi người ăn những loại thực phẩm này với khẩu phần lớn thì hàm lượng chất béo chuyển hóa nạp vào vẫn được cộng dồn. Trong khi đó, các quốc gia khác thậm chí còn chưa cấm nó". 

Tiến sĩ Isaacson cảnh báo: "Những người có nguy cơ vẫn cần phải chú ý cẩn thận đến nhãn dinh dưỡng. Trên nhãn dinh dưỡng càng ghi ít thành phần thì càng tốt. Tập trung vào thực phẩm nguyên chất tự nhiên, và giảm thiểu hoặc tránh những thực phẩm được chế biến cao."

Tiến sĩ Aggarwal nhấn mạnh: "Thông điệp này phải được gửi đến các quốc gia nơi mà lệnh cấm chất béo chuyển hóa chưa được ban hành hoặc khó thực thi."

Theo CNN