NHNN: Tín dụng vẫn đổ nhiều vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã khẳng định như vậy tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản diễn ra vào sáng ngày 8/2.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN cho biết, lĩnh vực bất động sản (BĐS) là một trong những ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế, đồng thời, thị trường BĐS cũng có sự liên thông với các ngành kinh tế khác.

Ông Tú cũng khẳng định lại, nhà điều hành không siết chặt tín dụng BĐS và xem ngành này bình đẳng như các lĩnh vực khác.

“Nhân sự kiện này, tôi khẳng định lại NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng BĐS. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác”, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Ông còn cho biết thêm, trong năm 2022, tín dụng BĐS tăng nhanh hơn mức tăng chung của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này ở mức cao và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành kinh tế.

Theo số liệu của Vụ tín dụng các ngành kinh tế cung cấp, dư nợ tín dụng của lĩnh vực BĐS cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỉ đồng, tăng 24,27% so với năm 2021, chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua, với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,81%, tăng nhẹ so với mức 1,67% vào cuối năm 2021.

Trong đó, nguồn vốn tập trung chủ yếu vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng chiếm tỉ trọng 68,72% (tăng 31,1% so với đầu năm), cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 31,28% (tăng 11,5% so với đầu năm).

Theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất chiếm 2,67% và khác là 13,77%.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khó khăn vướng mắc của thị trường BĐS tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu.

Do đó, theo NHNN, để tháo gỡ các khó khăn thì cần thêm sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp./.