Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài nối nhau rút khỏi Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Quỹ tài sản trị giá 1,4 nghìn tỉ USD của Na Uy hôm 7/9 tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng đại diện ở Thượng Hải, nói quyết định này là sự điều chỉnh đối với mô hình nghiệp vụ đang vận hành.

Ban Quản lý đầu tư của Ngân hàng Na Uy hôm 7/9 tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải (Ảnh: Reuters).
Ban Quản lý đầu tư của Ngân hàng Na Uy hôm 7/9 tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải (Ảnh: Reuters).

Ban Quản lý đầu tư của Ngân hàng Na Uy (Norges Bank Investment Management) cho biết Văn phòng Thượng Hải sắp đóng cửa của họ đã hoạt động từ tháng 11/2007 và hiện có 8 nhân viên.

Ban Quản lý đầu tư Ngân hàng Na Uy chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới, thường được gọi là Quỹ Dầu khí Na Uy này. Trong nhiều năm qua, Văn phòng Singapore của Quỹ Dầu khí Na Uy ngày càng trở thành điểm trung tâm của toàn khu vực châu Á và chịu trách nhiệm về mọi chức năng nghiệp vụ ở các nơi trong đó bao gồm cả Trung Quốc.

Cơ quan này cho biết: “Quyết định đóng cửa Văn phòng Thượng Hải thực sự chỉ là một sự điều chỉnh đối với mô hình nghiệp vụ đang hoạt động của chúng tôi”.

Cơ quan này cũng cho biết, tính đến cuối năm 2022, Quỹ Dầu khí Na Uy đã đầu tư vào khoảng 850 công ty Trung Quốc với tổng giá trị đầu tư khoảng 42 tỉ USD. Bloomberg đưa tin, Norges Bank Investment Management (NBIM) nói rằng việc đóng cửa Văn phòng Thượng Hải sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của quỹ cũng như sự đầu tư của quỹ vào Trung Quốc.

Quỹ cho biết họ sẽ đảm bảo rằng trong quá trình đóng cửa sẽ xử lý một cách có trật tự đối với tất cả 8 nhân viên bị ảnh hưởng tại Văn phòng Thượng Hải.

Quỹ Dầu khí Na Uy được thành lập vào những năm 1990, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và đã phát triển trở thành chủ sở hữu tài sản lớn nhất thế giới.

Quỹ đã thành lập văn phòng tại Singapore cách đây hơn một thập kỷ và hiện có 45 nhân viên phụ trách các chức năng nghiệp vụ trên khắp châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.

Bloomberg chỉ ra rằng trong bối cảnh môi trường địa chính trị đang xấu đi, quyết định của quỹ có chủ quyền Na Uy phản ánh sự thay đổi của các nhà đầu tư quốc tế khác: các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs Group, Inc. và Morgan Stanley cũng đã giảm bớt kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc vốn rất hoành tráng.

So giao dich o Oslo.jpg
Sở giao dịch của Quỹ Dầu khí Na Uy tại Oslo (Ảnh: Creaders).

Goldman Sachs gần đây đã sửa đổi dự báo kế hoạch 5 năm và sa thải 1/10 nhân viên của họ. Số lượng nhân viên của Goldman Sachs tại Trung Quốc từng tăng gấp đôi lên 600 người.

Ngoài ra, Quỹ Hưu trí Giáo viên Ontario của Canada (Ontario Teachers' Pension Plan, OTPP) hồi đầu năm nay đã tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa một nhóm đầu tư tài sản châu Á tại Hồng Kông và sa thải 5 người.

Điều này là do OTPP rút khỏi các giao dịch ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về danh mục đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đại lục của công ty đã được thông báo vài tuần trước rằng ông sẽ bị bãi chức. Công ty OTPP được thành lập vào năm 1997, được nhận khoản tiền quỹ CPP (Kế hoạch Hưu trí Canada) đầu tiên vào năm 1999 và năm 2008 mở hai văn phòng tại Hồng Kông và Luân Đôn. Năm 2019, nó bắt đầu quản lý tài khoản đóng góp CPP bổ sung. Công ty hiện có 8 văn phòng quốc tế trên khắp thế giới, hai trong số đó ở châu Á: một ở Hồng Kông và một ở Mumbai.

Theo báo cáo thường niên do công ty công bố vào ngày 31/3/2023, tài sản ròng thuộc quyền quản lý của công ty đạt 570 tỉ đô la Canada và tỷ suất lợi nhuận ròng hàng năm trung bình trong 10 năm là 10%/năm. Xét về tỷ trọng đầu tư của công ty vào các khu vực địa lý khác nhau, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, 36%; tiếp theo là Châu Á Thái Bình Dương, chiếm 26% và tỷ trọng đầu tư vào Canada là 14%. Trong báo cáo thường niên, công ty cũng đề cập rằng sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận ròng hàng năm trong 5 năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu là do chính sách ZeroCOVID của Trung Quốc và tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế.

Vào tháng 11 năm ngoái, Moody’s Analytics đã đóng cửa bộ phận quản lý rủi ro hoạt động tại Trung Quốc và sa thải khoảng 100 người. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động và lợi nhuận, Moody's Analytics cũng đã đóng cửa các văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Bloomberg cho biết những hành động cắt giảm này phản ánh tâm lý mâu thuẫn ngày càng tăng của các công ty đầu tư và quản lý tài sản tài chính nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây đã tiến hành giám sát quản lý và chỉnh đốn rộng rãi, tiến hành các cuộc đột kích kiểm tra và lục soát đối với các công ty nước ngoài; ngoài ra viễn cảnh tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Theo WSJ, Bloomberg