Chiến tranh thế giới Thứ II kết thúc cách đây 70 năm, nhưng vị thế chính trị của Tokyo trên trường thế giới còn rất hạn chế. Các nhà lãnh đạo quyền lực Mỹ đã đặt cơ sở cho “Hiến pháp hòa bình” với Điều 9, ngăn chặn Nhật Bản sở hữu quân đội. Chính phủ Nhật Bản đã cố gắng lựa chọn một cách giải thích hợp lý để xây dựng “lực lượng phòng vệ”, nhưng Tokyo vẫn bị giới hạn bởi vị thế chính trị quốc tế và ngân sách quốc phòng.
Cảm nhận của cộng đồng xã hội mong muốn Nhật tham gia vào các hoạt động quốc tế hơn hẳn so với sự quan ngại về Bắc Triều tiên và Trung Quốc. Nhưng một cuộc khảo sát của Pew Research cho biết: Hai phần ba dân số không muốn những hoạt động quân sự tích cực hơn hiện nay ở nước ngoài. Sự phản kháng mạnh mẽ và công khai khiến chính phủ Abe phải thu gọn quy mô những kế hoạch của mình.
Trong thời gian Thủ tướng Abe thăm chính thức Mỹ, hai nước đã công bố bộ văn bản “ Những nguyên tắc hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ” với nội dung định hướng nhằm ngăn chặn những hành động hung hăng của Trung Quốc.
Thứ nhất, bộ nguyên tắc mới nhằm tới mục tiêu Trung Quốc. Mối quan tâm lớn nhất của Nhật Bản là tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo nhấn mạnh và rất rõ về sự bảo hộ của Mỹ đối với những đảo đá này. Ngoại trưởng Mỹ ông John Kerry đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm cho rằng tự do hàng không và hàng hải là đặc quyền của “ các nước lớn cấp cho các nước nhỏ”, làm rõ ý nghĩa trong phát biểu của mình. Những câu hỏi và câu trả lời trong buổi họp báo chung Abe-Obama thể hiện sự quan ngại rất lớn với Bắc Kinh. Nhận định của Geoff Dyer trên trang Financial Times: “Mối đe dọa liên quan đến những sáng kiến chung (không nằm trong khuôn khổ đồng minh) bắt nguồn từ sự lo ngại gia tăng với một Trung Quốc quyết đoán hơn.
Thứ hai, những lời hứa của Nhật Bản “phải làm nhiều hơn” đơn thuần chỉ là ước muốn; nội dung của văn bản hoàn toàn không mang ý nghĩa: “quyền và nghĩa vụ pháp lý”. Tổng thống Obama thừa nhận: “một điều quan trọng phải nhận rõ là chúng ta không mong đợi những chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ trong kế hoạch phát triển sức mạnh quân đội Nhật”. So sánh tương quan lực lượng Nhật- Trung có sự chênh lệch rất lớn, ít nhất là về số lượng. Tokyo phải có những hành động khác bảo vệ lợi ích cốt lõi của Nhật Bản.
Thứ ba, dù bộ văn bản mới loại bỏ giới hạn địa lý trong những hoạt động của Nhật Bản, hầu hết các trách nhiệm quốc tế mới của Nhật Bản về cơ bản chỉ nhằm mục đích thực hiện công tác xã hội (Thủ tướng Abe gọi là "bảo vệ con người"). Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, thủ tướng Abe nói: nước Nhật sẽ "chịu nhiều trách nhiệm hơn nữa cho hòa bình và ổn định trên thế giới," trích dẫn các hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình mà lực lượng phòng vệ Nhật tham gia.
Hơn thế nữa, những nguyên tắc mới cho thấy: lực lượng phòng vệ Nhật Bản chỉ thực hiện công tác “hậu phương chiến trường và không tham gia các hoạt động tấn công”, theo các nhà phân tích CSIS nhận định. Trả lời câu hỏi: làm thế nào những thay đổi này có thể giúp bảo vệ được nước Mỹ, bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản đã trích: “biển sâu rộng, nhưng cũng có tàu kiểm soát”. Ngược lại so với năm ngoái, thủ tướng Abe tuyên bố: lực lượng phòng vệ Nhật Bản không tham gia vào cuộc chiến tương tự như chiến tranh vùng Vịnh hoặc Iraq.
Thứ tư, trong một cấp độ liên quan, lực lượng Nhật Bản có thể giúp đỡ quân đội Mỹ bảo vệ…chính lãnh thổ Nhật Bản. Ví dụ thực tế là các hạm tàu Nhật Bản có thể hỗ trợ chiến hạm Mỹ nếu như các tàu Mỹ bị tấn công khi tuần tra chung trên biển.
Đây là điều kiện đương nhiên trong bất cứ liên minh nào, nhưng ông Narushige Michishita thuộc Viện đại học Tokyo về Nghiên cứu Chính sách (Tokyo's National Graduate Institute for Policy Studies) cho rằng, về “kỹ thuật” đây có thể là “điều bất khả thi” với Lực lượng hải quân Nhật Bản theo Hiến pháp. Đơn cử tình huống tàu Mỹ bị tấn công, hạm đội Nhật không thể bảo vệ được “nếu như đòn tấn công đó không trực tiếp nhằm vào chiến hạm Nhật hoặc không trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia Nhật”
Các nguyên tắc mới cho thấy, Tokyo chỉ có thể hỗ trợ giúp đỡ các nước khác trong tình huống quốc gia bị đe dọa đó có “mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản” và tình huống đó đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản, có nguy cơ xâm hại những quyền cơ bản của con người như quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc, hành động can thiệp đó nhằm bảo vệ sự sống còn của Nhật Bản, bảo vệ người dân đất nước đó”.
Cũng trong bản nguyên tắc này, những nội dung sửa đổi được bắt đầu với một lời khẳng định: “Nước Mỹ tiếp tục tăng mở rộng khả năng bảo vệ Nhật Bản thông qua nỗ lực triển khai các lực lượng quân sự, bao gồm cả lực lượng hạt nhân. Mỹ cũng duy trì khả năng triển khai các lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, tăng cường lực lượng khi sứ mệnh yêu cầu”.
Điều đó có nghĩa là: sẽ có nhiều hơn nữa vũ khí trang bị bao gồm cả các loại vũ khí hiện đại. Ủy ban Tư vấn An ninh (Security Consultative Committee) đã "khẳng định tầm quan trọng chiến lược đối với khả năng Mỹ tăng cường các loại vũ khí mới nhất, tiên tiên nhất" và "hoan nghênh việc triển khai" các loại máy bay khác nhau, phương tiện bay không người lái, chiến hạm và hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo Mỹ.
Thứ năm, gánh nặng quân sự Mỹ tiếp tục gia tăng. Ngân sách quân sự Nhật Bản không tăng trong nhiều năm, nhưng hiện đã có kế hoạch tăng cường các nguồn lực nhằm mục đích mà thủ tướng Nhật Abe đã chỉ ra là “"đóng góp tích cực cho hòa bình dựa trên các nguyên tắc hợp tác quốc tế."
Đây chính là nguồn lực mà chính phủ Nhật bản dùng để đối phó với nguy cơ chính hiện nay là Trung Quốc, đang tiếp tục gia tăng sức mạnh quân sự. Quân đội Mỹ sẽ lấp đầy khoảng trống chênh lệch sức mạnh quân sự Nhật Bản và Trung Quốc.
Thứ sáu, các nguyên tắc mới được xây dựng dựa trên lời hứa rõ ràng của chính quyền Obama nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (bao gồm cả vùng tranh chấp) Nhật Bản mà quan trọng nhất là quần đảo Senkaku / Điếu Ngư. Ông Obama tuyên bố "điều ước cam kết quốc tế của chúng tôi là đảm bảo tuyệt đối an ninh Nhật Bản và theo Điều 5 là tất cả các vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý hành chính của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku."
Lực lượng quân sự Mỹ cũng có thể được sử dụng để phòng thủ các đảo. Theo văn bản này “ trong tình huống cần thiết, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ đổ bộ đánh chiếm lại đảo”. Tất nhiên, Nhật Bản rất cần sự hỗ trợ từ phía Mỹ.
Nhật Bản và Mỹ cũng đang thảo luận vấn đề tuần tra chung trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tokyo không có đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông, nhưng đang hợp tác chặt chẽ với các nước khác thực hiện sứ mệnh này, bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, máy bay Mỹ có thể sẽ tiến hành một hành động mà Trung Quốc cho là “thách thức” khi hỗ trợ các yêu cầu thông tin trong vùng lãnh thổ tranh chấp từ một quốc gia thứ ba.
Đối với Mỹ , vấn đề này có ý nghĩa rất lớn. Washington quan tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nhật Bản dựa trên mục đích bảo vệ quyền lợi của chính nước Mỹ . Đặc biệt là ủng hộ, khuyến khích chính phủ Nhật Bản cứng rắn với các hành động của Trung Quốc. Tân Hoa Xã rất hậm hực khi tuyên bố, chính Tokyo "lôi kéo Mỹ vào cuộc cãi vã với người hàng xóm khó chịu."
Tổng thống Obama khẳng định "chúng tôi không nghĩ rằng liên minh Mỹ-Nhật hùng mạnh là một nguy cơ." Nhưng đó sẽ là nguy cơ thật sự với Trung Quốc trong tình huống xung đột. Những nguyên tắc mới hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ cho thấy, Washington đang từng bước trở thành lực lượng đối đầu chính với Trung Quốc vì lợi ích của nước Mỹ, đan xen cùng với các nước khác trong khu vực.
Tác giả bài viết là Doug Bandow- chuyên viên cao cấp Viện Cato. Ông cũng là chuyên viên Robert A. Taft tại Liên minh Bảo thủ Quốc phòng Mỹ. Từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan. Bài đăng trên báo The Huffington Post.
Theo: QPAN