Nhật Bản lên kế hoạch phát triển các hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đã ký 4 hợp đồng trị giá 314,7 tỉ yên (2,3 tỉ USD) với công ty Mitsubishi (MHI) và Kawasaki (KHI) để phát triển tên lửa chống hạm tầm xa, bao gồm cả đầu đạn siêu thanh. 

Type 12 Tên lửa hành trình đất đối hạm (SSM) gắn trên xe tải của Mitsubishi Heavy Industries. Ảnh Military Leak
Type 12 Tên lửa hành trình đất đối hạm (SSM) gắn trên xe tải của Mitsubishi Heavy Industries. Ảnh Military Leak

Trong số 4 hợp đồng, đáng chú ý nhất là Bộ đã trao cho KHI một hợp đồng trị giá 33,9 tỉ yên (243 triệu USD) nghiên cứu và phát triển một loại tên lửa đất đối hải (SSM) mới.

Trang The Diplomat cho biết, Tokyo đang cố gắng có được khả năng phản công càng sớm càng tốt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Tên lửa mới do KHI phát triển được biết đến với dự án mang tên là Tên lửa đất đối hạm mới “New SSM” ở Nhật Bản, nhưng tên chính thức của dự án là “Tên lửa dẫn đường chống hạm mới phòng thủ đảo”. So với MHI Type 12 SSM mà Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản mua vào năm 2012, SSM mới sẽ có tầm bắn xa hơn.

Tên lửa chống hạm dẫn đường phòng thủ đảo mới được cho là có tầm bắn 2.500 km. Tên lửa hành trình mới sử dụng động cơ đẩy phản lực tua bin cánh quạt nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và có cánh tương tự như máy bay để bay trên mặt biển. Do có nhiều điểm tương đồng với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ về tầm bắn, hình dáng và tính năng kỹ chiến thuật, truyền thông nội địa gọi SSM này là Tomahawk phiên bản Nhật Bản.

Dự án tên lửa đất đối hạm tầm xa sẽ sử dụng công nghệ tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến và công nghệ cơ động cao trên mặt biển. Dự án đã đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở nghiên cứu những công nghệ cơ bản của tên lửa cho đến nay. Nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình được bắt đầu vào năm tài chính 2018.

Trong năm tài chính 2023, Bộ có kế hoạch phát triển một nguyên mẫu tên lửa đa nhiệm tầm xa, có tiết diện phản xạ tín hiệu radar thấp (RCS) và công nghệ cơ động cao.

Bằng giải pháp mô-đun hóa đầu tìm kiếm mục tiêu và đầu đạn của tên lửa, Bộ Quốc phòng đặt mục tiêu cho phép hoán đổi các bộ phận này của tên lửa hành trình, tùy thuộc vào mục đích sử dụng tên lửa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch hoàn thành dự án này vào cuối năm tài chính 2027 với mục đích sớm đưa tên lửa chống hạm dẫn đường mới vào sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài SSM mới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng công bố 3 hợp đồng cho ba dự án phát triển tên lửa độc lập, đều được trao cho MHI. Hợp đồng đầu tiên là nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2026 (trị giá khoảng 58,4 tỉ yên (416 triệu USD).

Hợp đồng thứ hai nhằm phát triển phiên bản nâng cấp của dự án Đạn siêu vận tốc chống hạm (HVGP) hay còn gọi là vũ khí siêu thanh Block II, có tầm bắn đến 3.000 km từ năm 2023 đến năm 2027, trị giá khoảng 200,3 tỉ yên (1,4 tỉ USD).

Hợp đồng thứ ba là dự án có tên “đạn quan sát mục tiêu”, một thiết kế đạn lượn thông minh, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện, xác định và thu thập thông tin về mục tiêu mặt đất hoặc chiến hạm của đối phương, có khả năng tự động vòng tránh và chọc thủng mạng lưới phòng không của đối phương, đi vào khu vực mục tiêu và tự động tấn công khi cần thiết.

Theo Military Leak