Nhân vật giấu mặt được cho là tân thủ lĩnh của nhóm khủng bố IS

VietTimes -- Các chiến dịch đột kích bí mật mà Mỹ thực hiện trong hôm thứ Bảy và Chủ nhật tuần qua đã tiêu diệt thủ lĩnh của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi cùng phát ngôn viên của hắn là Abu al-Hassan al-Muhajir ở Syria. Tuy nhiên IS đã chỉ định một người kế vị từ lâu.
Abdullah Qardash được cho là nhân vật đã thay thế chức thủ lĩnh của IS của Abu Bakr al-Baghdadi (Ảnh: The Sun)
Abdullah Qardash được cho là nhân vật đã thay thế chức thủ lĩnh của IS của Abu Bakr al-Baghdadi (Ảnh: The Sun)

Abdullah Qardash – đôi lúc viết là Karshesh và còn có tên khác là Hajji Abdullah al-Afari – là nhân vật được chính al-Baghdadi chỉ định hồi tháng 8 năm nay để điều hành “các vấn đề Hồi giáo” của IS, theo như thông báo chính thức mà tổ chức đăng tải trên tạp chí riêng Amaq. Tuy nhiên, kẻ này chưa từng chính thức được tổ chức thừa nhận là thủ lĩnh.

Dù ít ai biết đến vị cựu quan chức quân đội Iraq từng làm việc dưới thời Saddam Hussein này, nhưng một quan chức tình báo khu vực Trung Đông mới đây nói với Newsweek rằng Qardash có thể đã thay thế vị trí của al-Baghdadi được một khoảng thời gian – dù cho vị trí này không còn có vai trò lớn như khi IS còn đang hùng mạnh.

Al-Baghdadi – kẻ đã chết do kích hoạt áo vest gắn thuốc nổ khi đội đặc nhiệm Delta của Mỹ ập vào – đã xây dựng nhà nước kiểu Caliphate sau khi tách khỏi al-Qaeda ở Iraq, tuy nhiên vị quan chức tình báo giấu tên nói rằng vai trò thủ lĩnh của al-Baghdadi, một cựu giáo sỹ Hồi giáo, thực chất chỉ mang tính biểu tượng.

“Al-Baghdadi chỉ là một thủ lĩnh không có thực quyền. Hắn ta không tham gia vào các chiến dịch hay hoạt động thường nhật của tổ chức” – vị quan chức giấu tên cho hay – “Tất cả những gì kẻ này làm là nói có hoặc không – không có kế hoạch gì cả”.

Hiện nay, các thông tin chi tiết về vụ đột kích của Mỹ nhằm vào khu tư dinh của al-Baghdadi ở làng Barisha, Syria vẫn đang dần xuất hiện. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao thủ linh của IS lại lẩn trốn sâu bên trong vùng lãnh thổ của nhóm phiến quân đối thủ là Hayat Tahrir al-Sham. Người cầm đầu Hayat Tahrir al-Sham là Abu Mohammed al-Jolani, một cựu đồng minh của al-Baghdadi, và là người từng tạo dựng chi nhánh của al-Qaeda ở Syria lấy tên là Nusra Front.

Một chiếc xe bị hư hại nặng trong chiến dịch đột kích nơi ở của thủ lĩnh IS ở làng Barisha, tỉnh Idlib, Syria (Ảnh: Newsweek)
Một chiếc xe bị hư hại nặng trong chiến dịch đột kích nơi ở của thủ lĩnh IS ở làng Barisha, tỉnh Idlib, Syria (Ảnh: Newsweek)

2 thủ lĩnh phiến quân này từng lợi dụng tình trạng bất ổn mà cuộc chiến do Mỹ phát động ở Iraq vào năm 2003 để lại, từ đó thiết lập một mạng lưới phiến quân đáng gờm. Khi đạo quân của al-Baghdadi đổ tới Syria, Jolani đã từ chối lời mời gia nhập lực lượng của kẻ này. Đó là thời điểm nội chiến bùng nổ ở Syria vào năm 2011, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các phe phái nổi dậy, phiến quân hòng lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Khi IS đánh chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Iraq sang Syria, Mỹ đã tập hợp một lực lượng liên quân vào năm 2014 để dội bom vào chúng trên lãnh thổ cả hai nước. Iran sau đó cũng triển khai lực lượng của mình, phối hợp với các nhóm vũ trang đồng minh trong khu vực để hỗ trợ chính phủ Iraq chống lại đà tiến của IS.

Đến năm 2015, Nga gia nhập cuộc chiến ở Syria và Mỹ bắt đầu quay sang hậu thuẫn một bên thứ ba, đó là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu. Cả chính phủ Syria và SDF đều thực hiện các chiến dịch riêng rẽ để đánh bại IS, nhưng al-Baghdadi lúc bấy giờ vẫn duy trì được thế lực của mình.

Dù cho Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chính thức xác nhận về cái chết của al-Baghdadi, nhưng rất nhiều quan chức ở cả trong và ngoài nước Mỹ lại đưa ra nhiều thông tin mâu thuẫn về số phận của kẻ này, về nơi trú ẩn của hắn trong những năm gần đây. Họ từng cho rằng al-Baghdadi từ lâu đã mất đi vai trò dẫn dắt IS do hứng nhiều vết thương chí mạng trong một vụ không kích.

Khi al-Baghdadi xuất hiện trong một đoạn video công bố vào tháng 4 năm nay, lần đầu tiên kể khi đưa ra bài phát biểu về nhà nước Caliphate tại nhà thờ Hồi giáo al-Nuri ở Mosul (Iraq), kẻ này dường như không chịu thương tổn nào. Và dù al-Baghdadi có chết thì tổ chức IS vẫn đủ khả năng để chỉ đạo và kêu gọi những người ủng hộ chúng trên khắp thế giới thực hiện các vụ khủng bố kinh hoàng.

“Rồi chúng sẽ lại tấn công Syria, gây hỗn loạn ở Iraq, châu Âu và cả nước Mỹ” – vị quan chức tình báo giấu tên cho hay – “Chúng ta đã đánh động một gã khổng lồ đã ngủ, nó sẽ thức giấc và gây ra tình trạng hỗn loạn khó lường, gieo rắc sự sợ hãi cho thường dân ở phương Tây”.

Tuy nhiên, một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận định rằng, cái chết của al-Baghdadi đủ khả năng gây thiệt hại tới khả năng hoạt động của IS. “Nếu hắn ký thông qua các chiến dịch hay chiến lược của tổ chức nhờ gửi thư hay người báo tin thì việc này có tầm ảnh hưởng nhất định. Thủ lĩnh luôn là vị trí quan trọng. Chúng ta theo đuổi các mục tiêu thủ lĩnh là bởi chúng có quyền quyết định” – Newsweek dẫn lời vị quan chức cho hay.

Theo Newsweek