Nhắm đích giảm báo động đỏ nhiễm mới HIV/AIDS do quan hệ đồng tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tuần trước, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, với đích nhắm giảm số tử vong đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, giảm báo động đỏ số nhiễm mới do quan hệ đồng tính.

Nhắm tới đích giảm tử vong do AIDS dưới 1 trường hợp/100.000 dân (Ảnh: Newly)
Nhắm tới đích giảm tử vong do AIDS dưới 1 trường hợp/100.000 dân (Ảnh: Newly)

Mục đích Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đồng thời, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân, chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng nhức nhối với con số nhiễm mới HIV/AIDS tăng nhanh ở nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… thời gian qua; do xuất phát từ quan hệ đồng tính.

Tuần trước, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý.

Trước nay, các luật thường được Quốc hội xem xét, thảo luận trong một kỳ họp. Sau đó, Chính phủ và cơ quan soạn thảo hoàn thiện, tiếp thu, giải trình, rồi Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp sau đó. Nhưng Luật sửa đổi lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý. Đây là "kỷ lục", lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ; và là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.

Luật sửa đổi nhằm khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện, đồng thời cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Luật sửa đổi cũng nhằm bảo đảm quyền của người nhiễm HIV, bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể, đã sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ: “Xét nghiệm HIV”, “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” và “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. (Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật HIV 2006).

Nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng

Nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng

Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).

Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. (Điều 20 của Luật HIV 2006).

Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV (Điều 21 của Luật HIV 2006).

Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. (Điều 27 của Luật HIV 2006).

Quy định theo hướng phân tách cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm tương ứng với phạm vi và điều kiện thực hiện từ đơn giản (xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng) đến phức tạp (khẳng định trường hợp HIV dương tính) để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều kiện của cơ sở xét nghiệm HIV. Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. (Điều 29 của Luật HIV 2006).

Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. (Điều 30 của Luật HIV 2006).

Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ BHYT theo yêu cầu chuyên môn (Điều 35 của Luật HIV 2006); Bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận bảo hiểm y tế của các phạm nhân (Điều 39 của Luật HIV 2006). Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế.

Luật đã bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường.

Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm đảm bảo quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để cho họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị. Mặt khác, hiện nay việc tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt tù và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đang được thực hiện theo các luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được thông qua, vì thế, tới đây, việc tiếp theo sẽ là xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, và tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.